(HNM) - TP Hà Nội hiện có nhiều KTT cũ được xây dựng từ những năm 1960-1970. Đa phần trong số đó có móng nông, nằm trên nền đất yếu, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Thậm chí, nhiều khu nhà rơi vào tình trạng nguy hiểm cấp độ D (cấp độ cao nhất theo tiêu chuẩn do cơ quan quản lý ban hành) như B6 Giảng Võ; I2, C1 Thành Công; P3 Phương Liệt… Trong khi đó, Hà Nội nằm trong khu vực có thể xảy ra dư chấn cấp 6-7 do hoạt động của đới đứt gãy sông Hồng. Nguy cơ thảm họa sập đổ công trình sẽ tập trung vào các khu tập thể này.
Nhiều khu tập thể cũ xuống cấp
Hầu hết các khu tập thể cũ xây dựng không được thiết kế kháng chấn. Ảnh: Bá Hoạt
Trước thời điểm cơ quan quản lý nhà nước tổ chức di dời khẩn cấp người dân đến nơi an toàn, tầng 1 các khu nhà như B6 Giảng Võ, C1 Thành Công… gần như biến dạng do bị lún nghiêm trọng. Tường, trần lộ ra khe nứt rộng hàng chục xăng ti mét. Cầu thang gần như tách rời khỏi tòa nhà. Nhiều hộ dân đã phải tự di chuyển đến nơi ở mới để bảo đảm an toàn, nhưng không ít hộ vẫn phải sinh sống cùng sự nguy hiểm rình rập hàng chục năm nay.
Ngoài các tòa nhà ở tình trạng nguy hiểm cấp D, hầu hết KTT cũ hiện nay ở tình trạng nguy hiểm cấp C (tình trạng nguy hiểm từng bộ phận công trình). Đặc biệt là ở những KTT lắp ghép tấm lớn như Giảng Võ, Thành Công… do phương tiện, vật tư, kỹ thuật lúc xây dựng không bảo đảm, thiếu đồng bộ, chất lượng các mối nối tấm ghép rất kém. Trải qua quá trình sử dụng hàng chục năm, các mối nối bằng thép đã han gỉ và bị đứt, có thể sập đổ nếu có lực xô ngang (khi xảy ra động đất). Ngoài ra, do đã xây dựng từ rất lâu, lại không được duy tu, bảo dưỡng, không có cơ quan quản lý, nên tình trạng cơi nới ở các KTT cũ rất phổ biến. Có những căn hộ được chủ nhân lao dầm đua ra hàng chục mét vuông để tăng diện tích sử dụng, làm cho kết cấu tổng thể, khả năng chịu tải của tòa nhà bị thay đổi đáng kể. Trong trường hợp động đất, không ai dám khẳng định bộ phận cơi nới đó không sụp đổ.
Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo kết quả khảo sát Hà Nội có khoảng 600.000m2 nhà tập thể cũ thuộc diện nguy hiểm cấp C. Nếu nhà nguy hiểm cấp D, luật đã quy định phải di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi tòa nhà để phá dỡ, xây dựng lại thì với nhà cấp C muốn xây dựng lại phải tiến hành các bước giải phóng mặt bằng như dự án thông thường. Cho đến nay việc cải tạo, xây dựng lại các khu nhà này rất khó khăn. "Vì vậy, nguy hiểm cấp C nhưng có lẽ nghiêm trọng hơn nhà nguy hiểm cấp D"- ông Đạm nói.
Tiềm ẩn nguy cơ khi động đất
Theo Thạc sỹ Nguyễn Hữu Bình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội, Thủ đô Hà Nội nằm trong khu vực động đất của đới đứt gãy sông Hồng vẫn đang trong quá trình hoạt động. Tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, nhiều khu vực trên địa bàn TP có thể hứng chịu dư chấn cấp 6-7. Nếu xảy ra động đất, nguy cơ thảm họa sập đổ tại các KTT cũ rất lớn, bởi khi xây dựng hầu hết không được thiết kế kháng chấn, nền móng nông lại nằm trên vùng đất yếu. Đặc biệt, sau thời gian dài sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, kết cấu chịu tải bị thay đổi đáng kể. Trong khi đó, đây là nơi cư trú của hàng vạn hộ gia đình. Ngoài ra, tình trạng lún cũng đang diễn ra tại nhiều khu vực có KTT cũ. Chẳng hạn khu vực Thành Công, Giảng Võ, nơi vừa xảy ra sập đổ công trình 5 tầng (số 49 Huỳnh Thúc Kháng), có cấu tạo địa chất công trình phức tạp, đất tốt xen lẫn đất yếu. Trường hợp nhà nguy hiểm cấp D I2, C1 Thành Công, B6 Giảng Võ nằm trong khu vực này và bị lún hết sức nghiêm trọng. Ông Bình giải thích, trường hợp nền đất yếu, nếu không có biện pháp xử lý nền móng tốt, không khảo sát địa chất công trình, chất lượng thi công kém, công trình bị lún là điều không tránh khỏi. Nhưng nền đất tốt mà quy mô, tải trọng công trình không tính toán đúng, ỷ vào nền đất tốt xây dựng công trình lớn, cao tầng, không có biện pháp xử lý thì sự cố vẫn có thể xảy ra. Thông thường, công trình lớn bị lún sẽ kéo theo các công trình nhỏ xung quanh. Vì thế, giải pháp gia cố, chống lún cho công trình là rất cần thiết. Thậm chí, phải phá dỡ cả công trình, xây dựng lại nếu cần để ngăn ngừa hiểm họa có thể xảy ra.
Ông Đạm cũng cho biết, trước nguy cơ tiềm ẩn đối với hàng vạn hộ dân sinh sống tại các KTT cũ, quan điểm của thành phố là tập trung cải tạo, xây dựng lại những khu chung cư xuống cấp. Trước mắt, giải quyết dứt điểm các tòa nhà nguy hiểm cấp D. Thời gian qua, hàng loạt tòa nhà nguy hiểm đã được phá dỡ xây dựng lại, không chỉ bảo đảm nơi ở an toàn cho dân mà còn góp phần mang lại diện mạo mới cho đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.