Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Hành trình gian nan

Đức Trường| 18/04/2011 07:03

LTS: Nhiều năm nay, mỗi khi phải đi làm các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) người dân phải trải qua bao nỗi đoạn trường khổ ải.

LTS: Nhiều năm nay, mỗi khi phải đi làm các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) người dân phải trải qua bao nỗi đoạn trường khổ ải. Ngay cả khi sổ đỏ và sổ hồng được gộp làm một từ cuối năm 2009, với mục đích giảm phiền hà cho nhân dân thì việc có được tấm giấy chứng nhận ấy vẫn là những đoạn trường. Công luận, trong đó có Báo Hànộimới, đã nhiều lần phản ánh thực trạng này, nhưng việc gây khó dễ, "om" sổ, vòi vĩnh chi phí... vẫn còn ở một số nơi. Dưới đây là những ghi nhận mới nhất của phóng viên Báo Hànộimới về nỗi khổ của người dân Thủ đô khi đi làm sổ đỏ.

Bài 1: Hành trình gian nan


S đ cũng là “vn đ” vi c nhng ngôi bit th lin k ti nhiu khu đô th mi.


Chúng tôi tìm đến nhà bà Cao Thị Lạng, tại số 5, ngõ 5 đường Tân Ấp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình vào một buổi chiều. Khi hỏi về quá trình đi làm sổ đỏ, nỗi bức xúc kìm nén hơn 7 năm qua của bà Lạng như được dịp bung ra.

Bảy năm cầm phiếu hẹn

Năm 1997, bà Cao Thị Lạng mua lại của ông Nguyễn Huy Hơn một căn nhà cấp 4 diện tích 20m2 với giá 7 chỉ vàng/m2. Nhà ông Hơn, trong đó có phần bán cho bà Lạng, được Công ty Xuất nhập khẩu khoáng sản cấp cho cán bộ, công nhân viên từ tháng 4-1991. Ban đầu bà Lạng nhờ ông Hơn làm sổ đỏ cho gia đình nhưng vài năm sau, ông Hơn nói: Bà tự ra phường làm sổ đỏ.

Từ đầu năm 2004, bà Lạng liên tục ra UBND phường Phúc Xá để làm sổ đỏ. Tại đây, sau khi được hướng dẫn làm hồ sơ, bà Lạng đã nhận được phiếu nhận và hẹn trả hồ sơ hành chính ghi ngày 24-11-2004 do cán bộ Phạm Lan Phương tiếp nhận. Điều đáng lưu ý là trong mục ngày hẹn trả của phiếu hẹn, cán bộ tiếp nhận không ghi rõ ngày trả hoặc số ngày làm thủ tục, mà lại ghi dòng chữ: "Chờ ý kiến của quận và thành phố". Lúc đó, khi cầm tấm phiếu hẹn trong tay, bà Lạng đã khấp khởi tưởng rằng mình sắp được nhận sổ nhưng bà không biết rằng đó chính là lúc bắt đầu chuỗi ngày gian khổ của mình.

Sợ năm cùng, tháng tận, cán bộ phường nhiều việc, chờ sang năm mới 2005, bà Lạng mới quay lại phường hỏi bao giờ được nhận sổ đỏ, thì anh Hưng cán bộ địa chính (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hưng - PV) bảo là "Phải chờ ý kiến cấp trên". Chờ mãi, bà Lạng không những không nhận được sổ đỏ mà UBND phường lại gọi lên để trả lại hồ sơ. Bà thắc mắc với anh Hưng địa chính thì nhận được câu trả lời là: "Diện tích nhỏ, không làm được". Sau vài tháng, bà Lạng hỏi lại thì anh Hưng lại trả lời rằng: "Nhà bà mắc cống rãnh nên không làm được"... Sau nhiều lần đi lại đề nghị với phường, anh Hưng lại bảo bà Lạng lên 71 Quán Thánh (Xí nghiệp Kinh doanh nhà Ba Đình) mà đề nghị cấp sổ đỏ vì ở phường không quản lý đất nhà bà.

Đành nghe theo chỉ dẫn của cán bộ địa chính Hưng, bà Lạng lại mang hồ sơ lên 71 Quán Thánh để nộp, nhưng cán bộ ở đây bảo là xí nghiệp không quản lý đất này. Thậm chí, bà đã gặp cả ông giám đốc xí nghiệp, thì được ông chỉ lên quận. Khi bà lên quận, thì quận lại chỉ về phường. Vòng vo mãi, đến tận bây giờ, năm 2011, sau 7 năm cầm tấm phiếu hẹn trên tay, bà Lạng vẫn chưa được cấp sổ đỏ và cũng không hiểu nguyên nhân tại sao nhà mình không được cấp. Lúc cầm giấy hẹn bà 60 tuổi, giờ tuổi bà đã 67.

Bà Lạng buồn lắm vì cả đời tích cóp mới mua được cái nhà, muốn làm cái sổ đỏ để sau này có "hai năm mươi" thì cho con cho cháu sử dụng mà mãi vẫn không xong. Xung quanh nhà bà, ba bề bốn bên đều đã được cấp sổ đỏ. Suốt thời gian ở đây, nhà bà có đủ giấy tờ hợp lệ, hợp đồng chuyển nhượng đã được phường xác nhận và cũng không xảy ra tranh chấp khiếu kiện gì. Mang chuyện này ra bàn với con, con trai bà Lạng bảo nếu mẹ muốn làm được sổ đỏ thì phải "khéo léo", chứ làm to ra thì không được cấp đâu.

Nén bức xúc và nỗi buồn, bà cố gắng gặp lại cán bộ địa chính Hưng để trình bày. Bà kể, đã có lần, dẫu biết là không đúng pháp luật, nhưng bà vẫn đưa cho cán bộ địa chính Hưng một phong bì gọi là tiền thuốc nước và anh Hưng đã trả lại. Khi đó bà tưởng rằng việc của mình rồi cũng sẽ xong. Nhưng rồi bà đợi mãi mà chẳng thấy hồi âm. Gần đây, nghe hàng xóm mách nước phải "thế này... thế này..." mới xong, bà nghe lời, gặp cán bộ địa chính hỏi, thì được trả lời thẳng: "Bây giờ giá cao lắm!".

Giờ bà Lạng đã về hưu, lương hưu mỗi tháng chi tiêu tằn tiện, may ra đủ ăn, con bà thì lương ba cọc ba đồng, lấy đâu ra tiền để làm sổ đỏ?

Một "bà Lạng" thứ hai?

14h chiều thứ bảy ngày 9-4, UBND phường Phúc Xá, quận Ba Đình vẫn tiếp đón dân và làm việc bình thường theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ làm việc bù cho dịp nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương. Bộ phận "một cửa" của UBND phường vẫn có người trực. Lãnh đạo phường và cán bộ các phòng, ban vẫn có mặt đầy đủ.


Người dân tra cứu thông tin tại bộ phận một cửa liên thông thị xã Sơn Tây.  Ảnh: Bá Hoạt

Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc ngồi chung với nhiều cán bộ khác, ông Nguyễn Dương Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá cho biết, từ đầu năm đến nay, phường Phúc Xá chưa cấp được sổ đỏ nào, nếu theo kế hoạch năm 2011 chỉ tiêu của phường là cấp 60 sổ, còn năm 2010, đã cấp được hơn 100 sổ đỏ. Theo ông Hải, phường Phúc Xá có khoảng 13.000 hộ dân (cỡ 24.000 nhân khẩu), UBND phường đã cấp được hơn 1.400 sổ đỏ.

Khi chúng tôi hỏi có trường hợp nào xin cấp sổ đỏ mà để kéo dài lâu ngày không, ông Hải trả lời ngay: "Có chứ. Điển hình như vụ của nhà bà Lạng ở số 5 Tân Ấp". Theo ông Hải, mặc dù quy trình cấp sổ đỏ là 55 ngày (theo quy định trước đây - PV) chưa kể ngày làm thủ tục tài chính, nhưng thực tế rất hiếm khi sổ đỏ được cấp đúng 55 ngày. Ông Hải cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến quá trình xét, cấp sổ đỏ kéo dài, như công việc nhiều, người dân chưa thông hiểu pháp luật, nhà tập thể chưa bàn giao cho phường quản lý…

Khi chúng tôi đang trao đổi với ông Hải về trường hợp của bà Cao Thị Lạng, một bà già ngơ ngác bước vào phòng hỏi ông Hải: "Thưa lãnh đạo, bao giờ nhà tôi được cấp sổ đỏ ạ?". Tạm gác câu chuyện đang dang dở, ông Hải nói: "Thưa bác, bác phải cho tôi biết bác tên là gì, địa chỉ cụ thể của nhà bác chứ?". Bà già lập cập trả lời: "Tôi là Hà Thị Ân, địa chỉ tại số 14/14 ngõ 29 khu tập thể Nhà máy nước. Xung quanh nhà tôi mọi người có sổ đỏ hết rồi". Ông Hải tiếp lời: "Thế bác đã nộp hồ sơ chưa? Và có mang giấy hẹn theo không?". "Chồng tôi nộp hồ sơ rồi, còn giấy hẹn thì tôi không biết", nói rồi bà Ân đưa cái giấy thu thuế đất ra và bảo, "nhà tôi vẫn nộp thuế đất hằng năm mà". Để cho chắc chắn ông Hải hỏi tiếp bà Ân: "Bác có nhớ chồng bác nộp hồ sơ từ bao giờ và nộp ở bộ phận một cửa hay địa chính không?". "Cái này thì tôi không biết, ông chồng tôi cứ bảo tôi ra phường hỏi, để tôi về hỏi lại ông ấy đã", chưa dứt câu bà già đã quay lưng vội vã bước ra cửa...

Nhìn tấm lưng còng và bước chân lập cập thấp cao, tôi thấy lòng mình se lại. Không biết liệu rồi bà Ân có may mắn hơn bà Lạng? Và đến bao giờ người dân mới được hưởng những thành quả thực sự từ công cuộc cải cách hành chính, với mục tiêu xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, vì dân?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Hành trình gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.