Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Đã kê khai, phải công khai!

Hà Phong| 25/12/2015 06:45

(HNM) - Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài phản ánh một số tồn tại nổi lên đang đặt ra trong công tác phòng chống tham nhũng...


Bài 1: Đã kê khai, phải công khai!

Hơn 99% số cán bộ, công chức (CBCC) phải kê khai tài sản, thu nhập đã có bản kê khai tài sản. Tuy nhiên, trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh chỉ phát hiện 4 người kê khai không trung thực. Điều này cho thấy, việc kê khai còn rất hình thức và hiệu quả PCTN không như mong muốn.

Việc kê khai tài sản, bất động sản còn nhiều bất cập. Ảnh: Gia Hiếu


Kê khai cho... đẹp

Kê khai tài sản đã dần đi vào nền nếp - đó là nhận định của Thanh tra Chính phủ. Nếu năm 2007, chỉ có hơn 313.000 người kê khai thì đến năm 2012, con số này là 642.000 người, năm 2014 là 1.019.956 người. Tính đến 31-5-2015 có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập về Thanh tra Chính phủ. Kết quả có 995.383/999.416 (đạt 99,6%) người đã kê khai; trong đó hơn 98,4% bản kê khai tài sản thu nhập đã được công khai. Tuy nhiên, số vụ việc phát hiện tham nhũng hoặc kê khai thiếu trung thực và bị xử lý mỗi năm không đáng kể. Trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh chỉ phát hiện 4 người kê khai không trung thực.

Trăn trở về con số trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, "chúng ta mới kê khai cho đẹp". Trong khi đó, Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập hiện nay là kết tinh của một quá trình với nhiều cuộc thảo luận, góp ý, tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Thế nhưng, xét về mức độ ảnh hưởng đối với CBCC là không đáng kể, kê khai tài sản, thu nhập mới dựa trên nguyên lý tự kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của từng CBCC. Một ví dụ khác, hầu hết các bước trong quy trình thu thập thông tin đều sử dụng phương pháp thủ công và phổ biến là đối tượng kê khai gửi lên... dẫn đến thông tin giữa các đơn vị quản lý bản kê khai chưa được thông suốt, việc công khai minh bạch, xác minh tính trung thực của bản kê khai càng bị động. Hình thức này còn gây tốn công sức, chi phí sao lưu.

...Và chưa công khai

Ông Nguyễn Ngọc Việt ở Khu tập thể Ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm cho rằng: Chủ trương về minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn là đúng nhưng thực hiện chưa đúng. Kê khai tài sản xong phải công khai minh bạch ngay tại nơi cư trú thì người dân mới có cơ sở theo dõi, giám sát, nhưng nay mới chỉ công khai bản kê khai ở nơi công tác với hình thức công bố trong cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở...

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp ngay trong một đơn vị cấp phòng, ban, nhiều người còn không biết nhà nhau. Vậy làm sao họ biết để giám sát, phát hiện việc khai không trung thực về tài sản, thu nhập của lãnh đạo, chuyên viên trong phòng, ban mình? Bên cạnh đó, không có điều khoản nào bảo đảm sự tham gia của công chúng như nhiều quốc gia công khai tài sản khác để chứng minh việc kê khai của cán bộ công chức là thực chất. Danh tính và hình thức kỷ luật những cán bộ kê khai tài sản thiếu trung thực như thế nào, người dân cũng chưa được biết.

Ông Nguyễn Ngọc Việt nhận định: "Chúng ta đang quá nặng về hô hào nhưng thực hiện không thực chất, hời hợt. Chỉ đến khi một vị chức sắc nào đó ra hầu tòa thì "của chìm của nổi" mới đột nhiên lộ ra".

Kết quả nghiên cứu, khảo sát về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện tại 5 địa phương, 8 bộ, ngành; đồng thời khảo sát thông qua phiếu hỏi được gửi đến 16 bộ, ngành, một số sở, ngành của 58 tỉnh, thành phố do Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) vừa công bố cho thấy: Có 17,5% CCVC cho rằng biện pháp kê khai tài sản không có tác dụng; 60,6% cho rằng chỉ có tác dụng phần nào và 20,1% cho rằng có tác dụng. 23,7% CCVC cho rằng, quy định về việc chỉ kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, vợ (chồng), con chưa thành niên là chưa đầy đủ. Con số này đối với người dân là 28%. 32,4% CCVC và 22,3% người dân đồng ý với nhận định có quá nhiều đối tượng phải kê khai nên khó kiểm soát hiệu quả.

Một minh chứng điển hình của việc kê khai tài sản còn hình thức là thông tin liên quan đến việc kê khai tài sản được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ và cơ chế tiếp cận thông tin kê khai rất khó khăn. Trong khi đó, dù cách thức thực hiện có thể khác nhau, song nhiều quốc gia trên thế giới khi xây dựng quy định về công khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đều chú trọng đối tượng phải công khai, nội dung bản kê khai, phương thức công khai, điều kiện tiếp cận thông tin, chế tài xử lý khi có vi phạm. Tại một số nước, những người thuộc diện kê khai phải giải thích nguồn gốc tài sản tăng thêm, không còn chuyện muốn kê khai bao nhiêu thì khai, mà phải giải trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Đã kê khai, phải công khai!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.