(HNM) - Tờ mờ sáng 21-11-2011, hai chị em bà Thu, bà Phiến (ở thôn Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam) đã khởi hành
(HNM) - LTS: Ngày 23-2-2005, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 46-NQ/TƯ "Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới". Gần 7 năm qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, nhìn chung công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém. Hệ thống y tế chậm đổi mới, chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân... Đặc biệt, tình trạng quá tải bệnh viện ngày càng trở nên trầm trọng. Loạt bài "Bệnh viện quá tải, người dân quá khổ" của Hànộimới thêm một lần nữa "chụp cắt lớp", "mổ xẻ"... những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải của các bệnh viện.
Kẻ đứng người ngồi... chờ khám là cảnh tượng tại khu vực khám bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương.
Phần I: Kinh hoàng… bệnh viện!
Bài 1: “Chụp cắt lớp” cảnh “ùn tắc”
"Khổ như đi viện" - Đây là than thở của tất cả những ai từng đến bệnh viện khi vừa phập phồng nỗi lo bệnh tật vừa phải vật vã chờ đợi, chen chúc, đồng thời phải "phát huy" hết sự láu cá, quan hệ… những mong được khám, điều trị thuận lợi. Và như một lãnh đạo Bộ Y tế đã đánh giá, bệnh viện càng có "thương hiệu", bệnh nhân càng khổ. Quá tải bệnh viện, như có người đã so sánh, là thảm trạng "ùn tắc giao thông" của y tế đang hoành hành khắp các bệnh viện lớn…
Khổ vì… thương hiệu lớn
Tờ mờ sáng 21-11-2011, hai chị em bà Thu, bà Phiến (ở thôn Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam) đã khởi hành "đi Bạch Mai" (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội). Bà Thu bị chứng đau thắt nửa bên ngực trái hành hạ đã mấy tháng nay. Bà Phiến bị huyết áp thấp, suy nhược cơ thể cũng lâu, yếu đến mức không ngồi vững, đành bấm bụng bán mấy tạ thóc, thuê xe con của người làng. Lên đến nơi, còn lâu mới tới giờ khám, đã thấy bệnh nhân, người nhà đứng ngồi lố nhố khu vực khoa Khám bệnh, bà Thu chẹp miệng: "Ở xa, khổ thế". Mải xếp sau hàng người đông đúc, phải chờ đến giữa buổi bà Thu mới tới lượt. Khổ nhất bà Phiến, đứng ngồi còn xiêu vẹo chứ chưa nói tới chuyện qua cảnh "ùn tắc" để được khám. May có đứa con bà Thu ra "tăng cường", hai bà cũng được khám trót lọt. Khám xong thì mệt hơn làm ruộng, hai bà dìu nhau ra ngồi phịch xuống tấm ván gỗ ngay ngoài cửa khoa. Còn kết quả? Các bác sĩ hẹn hai bà buổi chiều.
Bà Thu đã có kinh nghiệm "đi Bạch Mai" bảo: "phải trung ương mới yên tâm chứ ở tỉnh, khám xong, uống thuốc mãi không hết bệnh". Nhưng đến buổi chiều thì khí thế lúc xếp hàng ban sáng không còn. Bà Thu mệt bã, bó gối ngồi trên tấm ván. Bà Phiến thì co quắp, chăn trùm kín mít không nói được một lời. "Vạ vật như đầu đường xó chợ, nhưng quen rồi" - Bà Thu than thở.
Quá tải bệnh viện, như có người đã so sánh, là thảm trạng "ùn tắc giao thông" của ngành y tế đang hoành hành khắp các bệnh viện lớn như Nhi trung ương, Bạch Mai, Xanh Pôn... Bệnh viện càng lớn, càng có uy tín, "ùn tắc" càng trầm trọng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, cảnh quá tải xảy ra ở gần như tất cả các khoa. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân nội trú liên tục tăng qua các năm. Còn riêng số bệnh nhân ngoại trú đến khám tại bệnh viện năm 2010 đã lên tới 800 nghìn lượt. Tình trạng quá tải tại Bệnh viện Bạch Mai phổ biến tại 25/26 chuyên khoa. Thậm chí, một số viện, khoa thuộc khối lâm sàng thường xuyên quá tải khoảng... 200% như Viện Tim mạch quốc gia, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, các khoa Thận - Tiết niệu, Hô hấp, Thần kinh, Hồi sức tích cực... Nếu như năm 2007, mức độ quá tải của bệnh viện là 217% thì năm 2010, mức độ quá tải tuy có giảm song vẫn ở mức 157%. Bệnh nhân khổ, người nhà cũng khổ. Vào giờ nghỉ trưa, buổi tối, các hành lang, vỉa hè, ghế đá trong bệnh viện, người nằm ngủ la liệt. Để "chống đỡ", Bệnh viện Bạch Mai đã phải thực hiện nhiều giải pháp để giảm thời gian điều trị, đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh và tăng tỷ lệ giường bệnh...
Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị y tế lớn, có uy tín và quả thật cũng khổ bởi... "thương hiệu" của mình. Bệnh viện khổ, bệnh nhân càng khổ.
Trong phòng bệnh nội Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi trung ương), vẻ mặt mệt mỏi vì "theo viện", chị Hòa (Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Nội) bần thần nhìn con nhỏ đang ngủ. Cái giường đơn chật chội chia chéo làm đôi, một "tam giác" hai mẹ con chị Hòa, phần còn lại một mẹ, một cháu nhỏ khác. Tất cả giường bệnh trong phòng này đều như vậy: Bốn người trên một giường, hai bệnh nhi, hai người lớn. Đồ đạc cá nhân như sữa, nước, thuốc, quần áo chất kín mít tủ đồ, la liệt gậm giường. Tại các phòng nội Tim mạch, tình cảnh cũng tương tự. Gần như 100% giường bệnh phải chia tư. Vào giờ thăm bệnh nhân, các buồng bệnh hầu như không còn mét vuông nào trống. Đứng ở cuối giường nhìn cháu, ông Hoàng (Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) rền rĩ: - Đúng là khổ như đi viện.
Đó là ở các khoa điều trị nội trú còn khám tại khoa Khám bệnh cũng mệt mỏi không kém. Khoa này lúc nào cũng đông như... chợ phiên. Bên ngoài, taxi, ô tô, người đi lại nườm nượp, bên trong, các sảnh, hành lang của khoa liên tục chật cứng. Xuống từ sớm nhưng đến 9 giờ, bố con anh Minh (Minh Tân, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) vẫn toát mồ hôi chờ đến lượt dù trời đang lạnh. - Đi khám dịch vụ mà cứ như bị hành, chẳng biết bao giờ đến lượt.
Bệnh viện Xanh Pôn là một trong những đơn vị y tế tuyến thành phố chịu cảnh quá tải từ nhiều năm nay. Cảnh quá tải xảy ra trầm trọng từ... bãi gửi xe cho đến phòng khám, khu vực điều trị. Nếu như ở bãi gửi xe bên ngoài, phương tiện được ken dày từng centimét thì trong bệnh viện, bệnh nhân, người nhà phải chia sẻ với nhau từng mét vuông. Tại khoa Khám bệnh, bệnh nhân chen chúc đứng, tại các phòng điều trị, bệnh nhân phải chung nhau giường, thậm chí nằm cả ở hành lang...
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, tình trạng quá tải tại các bệnh viện, nhất là các đơn vị lớn và bệnh viện chuyên khoa vẫn trầm trọng. Ở nhiều bệnh viện, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, chật chội, không đáp ứng yêu cầu phục vụ theo quy định. Đến thời điểm này, tỷ lệ giường bệnh trên số dân vẫn rất thấp (chỉ có 14 giường/10 nghìn dân).
Bác sĩ quá tải
Bệnh viện quá tải, tất yếu bác sĩ, y tá, điều dưỡng... phải... gắng sức. 13h trưa ngày 22-12-2011, tại Bệnh viện Xanh Pôn, trong khi chờ con trai được phẫu thuật, một đôi vợ chồng ngồi tựa lưng vào chân tường phía ngoài cửa. Có tiếng cô y tá gọi: - Trung Hiếu đâu! Hai vợ chồng lật đật chạy vào. Cô y tá ngắn gọn: - Khiêng lên băng ca! Hai vợ chồng nháo nhào ngó ra cửa: - Nhờ các anh khiêng giúp, cháu nặng lắm.
Hai người đàn ông bước vào hỗ trợ phần việc của bệnh viện.
Nhiều bác sĩ cũng phải tự vượt... chính mình. Đề nghị không nêu tên, một bác sĩ ngoại khoa, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết có những ngày ông phải phẫu thuật liên tục từ sáng đến tối, buổi trưa chỉ kịp lót dạ bát mì tôm rồi lại cầm dao mổ. Thậm chí, nhiều khi đang phẫu thuật, ông phải chống chọi với sự rệu rã, buồn ngủ, đứng cầm dao mổ mà chân cứ muốn rời ra.
Một bác sĩ ở Viện Tim Hà Nội cũng cho biết "thường xuyên phải mổ từ 8 giờ sáng đến tối" mà phẫu thuật các ca tim mạch là kỹ thuật cực khó, cực phức tạp.
Đúng là ai cũng cần sức khỏe, thậm chí cực khỏe, nhất là bác sĩ.
Trong khi ngành y tế vẫn loay hoay với các giải pháp giảm tải, nhiều người có phương án chống "ùn tắc" riêng. Bà Thu bảo: - Như tôi ở quê ra không biết chứ nhiều người có "người quen" hoặc chịu "rải (phong bì-PV)" thì nhanh lắm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.