Cơ sở phục vụ nghề cá vừa thiếu vừa yếu
LTS: Trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển, đặc biệt là khai thác thủy hải sản, đã và đang được Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành dành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho ngư dân. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động khai thác thủy sản vẫn chủ yếu là tự phát, manh mún, nên giá trị thu được không cao. Hơn nữa, công tác bảo quản, chế biến hải sản vẫn ở dạng thô sơ, giá bán còn thấp, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên biển. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã phê duyệt gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ giúp ngư dân an tâm bám biển, vươn khơi. Hiện nguồn ngân sách và nguồn tín dụng từ gói hỗ trợ này đã sẵn sàng tiếp sức ngư dân, bên cạnh lực lượng Kiểm ngư cùng Cảnh sát biển cùng ngư dân vươn khơi bám biển, tăng cường bảo vệ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Bài 1: Chưa xứng với tiềm năng
Nguồn tài nguyên biển của nước ta rất đa dạng và phong phú, đã và đang giải quyết việc làm cho hàng triệu ngư dân, nhưng sản lượng khai thác chưa tương xứng với tiềm năng. Mặc dù cơ sở phục vụ nghề cá đã được đầu tư nhiều, song chưa thực sự đủ mạnh để khai thác nguồn lợi thủy sản xa bờ. Đặc biệt là tuy số lượng tàu thuyền tăng hằng năm, nhưng chủ yếu là tàu gỗ công suất nhỏ; các bến cảng, chợ, sản phẩm cung ứng hậu cần nghề cá vẫn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành thủy sản. Phương thức và tổ chức sản xuất trong khai thác hải sản thiếu chặt chẽ, không phù hợp; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu; thất thoát sản lượng trong đánh bắt còn cao; chưa hình thành được chuỗi giá trị trong ngành.
Cơ sở phục vụ nghề cá vừa thiếu vừa yếu
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản Nguyễn Quang Hùng, từ các chuyến điều tra trong giai đoạn 2011-2013 đã thống kê được vùng biển Việt Nam có 911 loài hải sản, thuộc 462 giống nằm trong 191 họ, có 63 loài/nhóm loài chưa xác định được tên khoa học. Trong đó, nhóm cá đáy có số loài phong phú nhất là 351 loài, cá rạn 244 loài và cá nổi 168 loài. Tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản biển Việt Nam ước tính trung bình khoảng 4,25 triệu tấn, khả năng khai thác ước khoảng 1,75 triệu tấn. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá còn nhiều yếu kém
nên sản lượng khai thác còn thấp. Mặc dù số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản tăng rất nhanh (năm 2001 cả nước mới có 74.495 chiếc với tổng công suất khoảng 3 triệu mã lực - CV) thì đến nay đã tăng lên khoảng 128.000 chiếc, tổng công suất tăng trên 6 triệu CV, tuy nhiên, tàu có công suất trung bình (từ 20 đến 90 CV) có xu hướng tăng chậm, tốc độ tăng bình quân khoảng 1,8%/năm. Nguyên nhân là do giá xăng dầu trong thời gian qua có sự biến động lớn và luôn ở mức cao dẫn đến các chi phí cho chuyến đi biển tăng 30-40% khiến ngư dân ngại đầu tư. TS Ngô Anh Tuyến, chuyên gia về thủy sản của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, hiện tại ở Việt Nam có trên 80% số tàu thuyền chuyên khai thác gần bờ, trong đó 80% số tàu có công suất nhỏ, tàu công suất lớn (trên 90 CV) chỉ chiếm 20%. Vỏ tàu chủ yếu là vỏ gỗ, hầm tàu không bố trí kho lạnh, tủ đông; không có dây chuyền sơ chế, bảo quản sản phẩm nên giá trị sản phẩm không cao.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ việc đánh bắt thủy sản chưa được đầu tư, hiện mới có 10/60 bến cá, là nơi thường xuyên neo đậu của tàu thuyền khai thác hải sản ven bờ, đã được đầu tư xây dựng cầu cảng và kè bờ với tổng chiều dài gần 12.000m. 81 chợ cá được xây dựng ngay tại các cảng cá, bến cá là nơi mua bán sản phẩm đánh bắt chủ yếu, song cũng chưa được đầu tư đạt tiêu chuẩn. Mặc dù Việt Nam có tới trên 700 cơ sở đóng tàu với năng lực đóng mới 4.000 chiếc/năm nhưng có rất ít cơ sở có thể đóng và lắp được máy cho các loại tàu thuyền vỏ gỗ và vỏ sắt trên 600 CV. Năng lực đóng mới tàu vỏ sắt rất hạn chế, chỉ tập trung ở một số cơ sở như Xí nghiệp Cơ khí Hạ Long, Nhà Bè… Do chưa sản xuất được các loại máy thủy có công suất lớn nên mặc dù có năng lực sửa chữa 8.000 chiếc/năm song việc sửa chữa chủ yếu là thay thế phụ tùng. Bên cạnh đó, các dịch vụ cung ứng hậu cần cho nghề cá cũng còn hạn chế. Cả nước chỉ có khoảng 700 kho lạnh sản phẩm thủy sản, tổng cộng sức chứa trên 8.000 tấn và 14 kho thuê với sức chứa 46.000 tấn chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu. Hầu hết các cảng cá cũng không có dịch vụ bốc dỡ sản phẩm, chủ yếu bốc dỡ thủ công nên chất lượng sản phẩm bị giảm sút. Ngư cụ sử dụng trên tàu khai thác hầu hết phải mua của Trung Quốc nên cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khai thác và an toàn của ngư dân hoạt động trên biển. Việc tổ chức các dịch vụ hỗ trợ ngư dân khai thác còn hạn chế, chưa phù hợp, thiếu sự liên kết bền vững nên hiệu quả thấp.
Hiệu quả chưa cao
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cho biết, hiện nay khai thác thủy sản còn mang nhiều yếu tố bất cập, rủi ro và không bền vững. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm gần như mới bắt đầu. Trên 80% tàu thuyền tập trung khai thác chủ yếu ở vùng nước ven bờ trong khi vùng này chỉ chiếm 11% diện tích vùng đặc quyền kinh tế. Sản lượng khai thác bền vững ở vùng nước có độ sâu trên 50m ước tính khoảng 0,6 triệu tấn, trong khi sản lượng khai thác ven bờ hiện đạt khoảng 1,1 triệu tấn. Điều này chứng tỏ sức ép khai thác nguồn lợi ven bờ quá lớn và tất yếu gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hơn nữa, nghề cá nước ta mang đặc thù của "nghề cá nhân dân", quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, quản lý theo ngư hộ, ít đầu tư cho công nghệ và môi trường trong khi tính tuân thủ pháp luật và quy hoạch còn lỏng lẻo. Đó là lý do dẫn tới chất lượng sản phẩm thấp, khó quản lý và hiệu quả không cao. Ngư dân làm nghề thủy sản nhìn chung còn nghèo, thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Nghề khai thác thủy, hải sản đang gặp một số khó khăn như giá dầu tăng cao, máy móc trang thiết bị khai thác còn hạn chế, nguồn lợi thủy sản suy giảm, trong khi đó giá bán sản phẩm không ổn định…
Trong khai thác thủy sản ở vùng biển, cá ngừ đóng vai trò quan trọng để nâng cao giá trị. Tuy nhiên, do nghề khai thác cá ngừ Việt Nam phát triển tự phát, thiếu bền vững nên sản lượng khai thác cá ngừ đại dương không ổn định. Hiện đang có 36 cơ sở thu mua và 15 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tập trung ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Tuy nhiên, công đoạn vận chuyển từ tàu lên bờ và đến cơ sở thu mua đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, cầu cảng xa, không có mái che, chủ yếu cá mua vào ban ngày nên làm giảm chất lượng cá. Tình trạng thu mua xô, ép giá gây bất lợi lớn cho ngư dân diễn ra khá phổ biến, do thương lái, doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi nhuận, chưa chú ý đến nhu cầu của thị trường đối với chất lượng sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.