Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Chưa đạt chuẩn vì thiếu kinh phí

Nhóm PV NN-NT| 08/07/2014 05:56

(HNM) -

LTS: Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hà Nội đã đi được chặng đường đầu tiên với 50 xã về đích. Bước đi đã bài bản, cách làm đã căn cơ, tuy vậy, chặng đường tiếp theo không dễ dàng, bởi các tiêu chí còn lại đều khó, cần thời gian và nguồn vốn lớn mới có thể hoàn thành. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhiều kế hoạch vốn đề ra không hoàn thành chỉ tiêu, dẫn đến nguồn lực cho xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để 62 xã tiếp theo "về đích" xây dựng NTM trong năm nay.

Bài 1: Chưa đạt chuẩn vì thiếu kinh phí

"Có tiền chưa chắc đã làm được NTM, nhưng không có tiền thì chắc chắn sẽ không làm được". Đó là những ý kiến rất chân thành từ những người "miệng nói, tay làm" ở cơ sở. Quả thực, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM đang là bài toán khó đối với nhiều địa phương, càng khó hơn đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã thuần nông...

Nguồn vốn đầu tư để xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương vẫn còn hạn hẹp. Ảnh: Thái Hiền


Ba địa phương "trắng" nông thôn mới

Phùng Xá, xã điểm của huyện Mỹ Đức lẽ ra phải hoàn thành xây dựng NTM từ cuối năm 2012 theo kế hoạch, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Nguyễn Văn Kiên nói: Xã có 3 tiêu chí chưa đạt là: Cơ sở vật chất trường học, môi trường và cơ sở vật chất văn hóa - đều rất cần nhiều kinh phí. Hiện trường tiểu học và THCS vẫn thiếu nhà đa năng, nhà hiệu bộ. Trường tiểu học được xây cấp 4, vài chục năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng, phòng học xập xệ, không bảo đảm. Là xã có nghề dệt, người dân thường sử dụng các loại hóa chất để nhuộm vải và xả thẳng nước thải ra môi trường, khiến nguồn nước bị ảnh hưởng. Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn Nguyễn Văn Siêu cho biết: Căng nhất đối với địa phương hiện nay là tiêu chí trường học. Nếu như năm 2004, khi trường mầm non của xã xây dựng có 14 cô giáo, thì nay đã tăng lên 67 cô. Học sinh tăng, cô giáo tăng nhưng phòng học không tăng nên các cháu vẫn phải học nhờ tại các đình, chùa, nhà kho HTX…

Để đạt chuẩn các tiêu chí hạ tầng cũng là băn khoăn chung của nhiều địa phương. Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Long Giang phân trần: "Theo đề án NTM được duyệt, xã có 80 tỷ đồng vốn lồng ghép, nhưng đến nay chưa được bố trí. Vốn của xã là 51 tỷ đồng, trông vào nguồn thu từ đất, nhưng do đấu giá khó khăn, vẫn chưa huy động được". Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Hà Văn Đông thừa nhận, dù đã tập trung nguồn lực đầu tư cho xã điểm Sơn Đông, nhưng qua chấm điểm tiêu chí NTM, Sơn Đông mới đạt 89,5 điểm, 4 tiêu chí chưa đạt là thủy lợi, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Đây cũng chính là 3 địa phương hiện còn "trắng" chưa có xã nào đạt chuẩn NTM. "Nhìn các huyện bạn, số xã đạt chuẩn NTM tăng ầm ầm, chúng tôi cũng thấy sốt ruột, nhưng không có tiền thì chẳng làm được gì" - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Hoàng Văn Sơn cho biết thêm.

Chờ kinh phí đến bao giờ?

Nói về những rào cản trong triển khai khi xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Kiên cho biết, xã đã có đề án xây dựng trường tiểu học với kinh phí dự kiến 30 tỷ đồng; xây dựng trạm cấp nước sạch và xử lý nước thải cho làng nghề, nhưng chưa triển khai được do thiếu vốn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, đến hết 2014, chưa chắc xã đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Còn Chủ tịch UBND xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) Phạm Văn Hùng lại cho rằng, theo đề án xây dựng NTM, địa phương sẽ phải cải tạo và xây dựng mới một số phòng học và phòng chức năng, một số điểm phụ trợ của 2 điểm trường tiểu học; nhà hiệu bộ và phòng bộ môn của trường THCS cũng như một số trang thiết bị; đồng thời, hoàn thành xây dựng Trường Mầm non Đại Thắng A, B… để đủ tiêu chí công nhận trường chuẩn. Thế nhưng, hiện xã, huyện chưa tìm ra nguồn vốn đối ứng, khiến một số hạng mục công trình chưa thể triển khai.

Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa Nguyễn Đức Phương cho biết, đề án xây dựng NTM của xã trên 200 tỷ đồng, đến nay mới huy động được 17 tỷ đồng. Xây dựng cơ sở hạ tầng thì phải liên quan đến vốn, nếu không có vốn thì không làm gì được. Hiện Hoa Sơn đã có đất "sạch", nhưng chưa đấu giá được, bởi thủ tục quá nhiều và cần nhiều thời gian. Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Hồng Hà cho biết thêm, cả huyện chỉ duy nhất xã Đồng Tân hoàn thành xây dựng NTM và huyện phấn đấu đến 2015 có 9/28 xã hoàn thành xây dựng NTM. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay là vốn để thực hiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Văn Sơn cho biết, do trình độ chuyên ngành của cán bộ lãnh đạo xã còn hạn chế, nên nhiều công trình xây dựng cơ bản có kinh phí lớn buộc phải thuê thiết kế. "Chúng tôi đã thuê doanh nghiệp lập hồ sơ thiết kế, nhưng chưa có tiền trả doanh nghiệp. Trong khi đó, là người làm công tác Đảng, chúng tôi hiểu rõ đối với dân lời nói phải đi đôi với việc làm. Nói được rồi mà chưa làm được, người dân sẽ không tin"- ông Sơn phân trần.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Chu Nguyên Thành thừa nhận, hiện công nợ ở các địa phương rất lớn và số nợ chủ yếu là vốn đối ứng của xã. Bà Thành cũng đề xuất thực hiện Quyết định 16 của thành phố hỗ trợ một số nội dung như xây dựng đường giao thông ngõ, xóm, giao thông thủy lợi nội đồng, hỗ trợ sau đầu tư. Song, do ngân sách cấp xã không có để đối ứng, nên hầu hết đều phải nợ doanh nghiệp. Tại hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Chương trình 02 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt thẳng thắn nhìn nhận: "Thiếu vốn ở đây là do vốn của cấp huyện và cấp xã đạt rất thấp. Nhiều nơi nợ nhà thầu tiền đào đắp, xây lắp công trình, một số địa phương nợ rất lớn...".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Chưa đạt chuẩn vì thiếu kinh phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.