Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Chính quyền nợ, doanh nghiệp lao đao

Nguyễn Mai| 13/06/2016 05:18

LTS: Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân..., Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới...

LTS: Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân..., Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Hà Nội cũng như đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã và đang thay đổi không ngừng. Thế nhưng, phía sau những thành công mà quá trình xây dựng NTM đem lại, vẫn còn một số vấn đề cần phải giải quyết dứt điểm, trong đó có tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (XDCB) trong xây dựng NTM.

Bài 1: Chính quyền nợ, doanh nghiệp lao đao

Sau hơn 5 năm triển khai, Hà Nội đã có 201/386 xã hoàn thành xây dựng NTM. Với hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư để xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông, thủy lợi nội đồng… góp phần làm thay đổi diện mạo của các làng quê. Tuy nhiên, sau hàng loạt nỗ lực, chính quyền một số địa phương đã trở thành "con nợ" khi chưa thể tìm ra nguồn vốn thanh toán nợ đọng XDCB, còn các doanh nghiệp ứng vốn thi công thì lao đao...

Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ là một trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước nhưng đến nay vẫn còn nợ tiền xây dựng cơ bản. Ảnh: Bá Hoạt


Dốc sức xây dựng NTM

Xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) là một trong 11 xã điểm xây dựng NTM của cả nước từ năm 2009. Sau vài năm triển khai, diện mạo của xã đã thay đổi hoàn toàn với hàng chục kilômét đường giao thông được cứng hóa; Trạm bơm Trại Tằm, Bờ Xa, Chúc Đồng được hoàn thành, 7,3km kênh mương được kiên cố; 7/7 thôn có nhà văn hóa bảo đảm tiêu chuẩn với 250 chỗ ngồi; 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia... Tất cả tạo nên sự yên bình, khang trang, sạch đẹp cho một vùng quê. Năm 2014, xã Thụy Hương đã hoàn thành đủ 19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Không chỉ Thụy Hương, bộ mặt nông thôn ở nhiều vùng quê đã thay đổi rõ rệt. Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã khơi dậy tinh thần toàn dân chung sức xây dựng NTM, huyện đã có 13/21 xã hoàn thành xây dựng NTM, 9 xã còn lại đạt từ 14 đến 18 tiêu chí. Còn tại huyện Ba Vì, theo kế hoạch thành phố giao, năm 2012-2013 phải dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) 4.652ha nhưng đã thực hiện được 5.333ha, vượt kế hoạch 681ha... Đây là cơ sở để địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân (Chương trình 02) thành phố cho thấy, nhiều chỉ tiêu mang tính "dẫn đường" để tiến hành hiệu quả các công việc khác đã được tập trung triển khai sôi động tại các địa phương. Tính đến hết năm 2015, toàn thành phố đã hoàn thành công tác DĐĐT với tổng diện tích 76.891ha. Cùng với đó, hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất đã được triển khai xây dựng, hoàn thiện. Hơn 34 nghìn tỷ đồng đã được đầu tư vào các công trình hạ tầng NTM, làm đổi thay căn bản diện mạo khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội. Trước khi thực hiện xây dựng NTM, bình quân mỗi xã chỉ đạt và cơ bản đạt 7 tiêu chí thì đến nay bình quân mỗi xã đã đạt 16,9 tiêu chí. Kết quả này tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn tới.

Vẫn còn nợ đọng 547,8 tỷ đồng

Bộ mặt nông thôn Hà Nội đã thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, một số địa phương do quá tập trung vào kiến thiết hạ tầng nên đã rơi vào tình trạng nợ đọng vốn XDCB. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương cho biết: Để hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, xã Thụy Hương đã triển khai 54 dự án với tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian triển khai xây dựng NTM của xã chỉ có 2 năm, lại là xã đầu tiên làm điểm, cơ chế chính sách chưa cụ thể nên triển khai còn nhiều bỡ ngỡ. Theo quy định, vốn xây dựng NTM gồm các nguồn: Trung ương, thành phố, huyện hỗ trợ cùng vốn đối ứng của xã và nguồn xã hội hóa. Do đời sống người dân trong xã còn nhiều khó khăn, phần vốn xã hội hóa không đạt mục tiêu, trong khi nguồn thu eo hẹp, nên địa phương đang nợ hơn 36 tỷ đồng.

Không riêng gì xã điểm NTM Thụy Hương, nhiều địa phương khác, nhất là những nơi điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nôn nóng đầu tư để đạt chuẩn NTM cũng rơi vào cảnh nợ đọng vốn XDCB khá lớn. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện nợ đọng vốn XDCB trong xây dựng NTM của toàn thành phố là 547,8 tỷ đồng. Những huyện có khoản nợ lớn là: Quốc Oai (194 tỷ đồng), Chương Mỹ (89 tỷ đồng), Phú Xuyên (79 tỷ đồng)...

Nợ đọng vốn trong XDCB đã khiến không ít doanh nghiệp ứng vốn thực hiện chương trình lâm vào cảnh lao đao. Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Sơn (đơn vị ứng vốn đầu tư 9 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã Thụy Hương) Nguyễn Văn Toàn cho biết: "Để đầu tư xây dựng các công trình ở Thụy Hương, tôi đã phải thế chấp nhà đất, vay hơn 20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình cải tạo trường tiểu học, THCS, giao thông, thủy lợi. Tất cả công trình đều hoàn thành, hồ sơ quyết toán đúng quy định, nhưng đến nay vẫn bị nợ đọng 8,7 tỷ đồng. Phía ngân hàng thì đòi nợ, còn phía địa phương chưa trả nên doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn". Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Năm, Chủ doanh nghiệp tư nhân Phương Lâm cho biết, gia đình đã bán 1 bãi sản xuất vật liệu xây dựng rộng hơn 8ha tại xã Ngọc Hòa, thế chấp sổ đỏ 3 ngôi nhà để vay vốn ngân hàng và dốc toàn bộ vốn liếng thực hiện 16 công trình XDCB với giá trị xây lắp khoảng 17 tỷ đồng tại xã Thụy Hương. Từ năm 2009 đến nay, qua rất nhiều lần thanh toán, doanh nghiệp mới nhận được khoảng 9 tỷ đồng.

Trong khi đó, Giám đốc HTX xây dựng Xuân Thủy, ông Nguyễn Xuân Thi cho biết: Từ năm 2012 đến nay đã đầu tư 10 công trình xây dựng ở xã Cấn Hữu (Quốc Oai), nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn nợ HTX hàng tỷ đồng chưa thanh toán. "Trường đã ra trường, lớp ra lớp, đường giao thông, thủy lợi nội đồng thuận tiện, sản xuất nông nghiệp của người dân đỡ nhọc nhằn hơn trước nhiều, chỉ có HTX chúng tôi là lao đao" - ông Thi nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Chính quyền nợ, doanh nghiệp lao đao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.