Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Chính quyền làm sai, người dân chịu thiệt

Nhóm phóng viên PSĐT| 26/11/2013 06:05

LTS: Thời gian qua, việc UBND quận Cầu Giấy ra quyết định thu hồi 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của các hộ dân tổ 49, phường Nghĩa Đô do chính UBND quận cấp cách đây chưa lâu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

LTS: Thời gian qua, việc UBND quận Cầu Giấy ra quyết định thu hồi 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của các hộ dân tổ 49, phường Nghĩa Đô do chính UBND quận cấp cách đây chưa lâu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Vụ việc bắt nguồn từ những sai phạm của một số cán bộ phường Nghĩa Đô và quận Cầu Giấy trước đây trong công tác xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn. Với tinh thần "thượng tôn pháp luật", "đã sai phải sửa", thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy đang từng bước giải quyết vụ việc thời "hậu sổ đỏ", thu hồi toàn bộ diện tích đã cấp sai quy định để lập dự án mở rộng Trường Tiểu học Nghĩa Đô.

Bài 1: Chính quyền làm sai, người dân chịu thiệt

Sau hơn 3 năm được UBND quận Cầu Giấy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) tại khu đất thuộc tổ 49, phường Nghĩa Đô, cuối năm 2012, các hộ dân bàng hoàng trước thông tin toàn bộ 5 cuốn "sổ đỏ" của họ đều bị thu hồi với lý do trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ có nhiều sai sót. Trong kết luận, Thanh tra thành phố đã chỉ rõ trách nhiệm của từng cá nhân cán bộ phường, quận trước đây đã để xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo đảm quyền lợi của những hộ dân bị thu hồi sổ đỏ.

Khu đất nông nghiệp được phường Nghĩa Đô và quận Cầu Giấy cấp “sổ đỏ” cho 5 gia đình.


Sai nghiêm trọng về quy trình...

Theo Kết luận thanh tra số 1018/KL-TTTP ngày 3-5-2013 của Thanh tra thành phố Hà Nội, trước năm 1993, HTX nông nghiệp An Phú (nay là HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Phú) được giao quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy). Khu đất trước cổng Trường Tiểu học Nghĩa Đô nằm trong xứ đồng Cầu Lá, có tổng diện tích 2.377m2, nguồn gốc là đất nông nghiệp, thuộc quản lý của HTX nông nghiệp An Phú. Năm 1993, thực hiện Luật Đất đai, toàn bộ quỹ đất nông nghiệp được UBND thị trấn Nghĩa Đô quản lý. Ngày 20-5-1993 UBND thị trấn Nghĩa Đô lập sổ thuế nông nghiệp gia đình, giao 1.668m2 đất tại khu xứ đồng Cầu Lá cho 3 hộ xã viên HTX canh tác, trong đó: Ông Đặng Khạ sử dụng 720m2, ông Nguyễn Văn Hội sử dụng 540m2, ông Nguyễn Văn Đạt sử dụng 408m2. Tại các sổ thuế nông nghiệp của 3 hộ chỉ ghi diện tích đất được giao, địa điểm tại khu xứ đồng Cầu Lá, không ghi số tờ, số thửa đất mà các hộ được giao khoán nên không xác định được ranh giới, vị trí đất được giao khoán của 3 hộ trên bản đồ địa chính 1994. Ngày 11-6-2003, gia đình ông Đặng Khạ và vợ là bà Nguyễn Thị Mười lập 5 giấy chuyển nhượng 1.263m2 đất cho 5 hộ gồm các ông bà: Nguyễn Thị Liền, Trần Thị Quyên, Nguyễn Thị Hùy, Nguyễn Thị Thanh Thủy và Trần Thị Thanh Ngoan - Nguyễn Văn Thanh. Giấy chuyển nhượng đất không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không có bản vẽ sơ họa hình thể thửa đất; không ghi có công trình trên đất. Theo con trai ông Khạ, sở dĩ diện tích đất chuyển nhượng tăng 543m2 so với diện tích ghi trong sổ thuế nông nghiệp năm 1993 là do gia đình tự khai hoang và lấn ra phần đất trống giáp Viện Khoa học, lấn mương bên cạnh thửa đất. Sau khi nhận chuyển nhượng, năm 2006, cả 5 hộ trên thuê Công ty cổ phần tư vấn dịch vụ trắc địa và thương mại đo vẽ hồ sơ kỹ thuật thửa đất cho từng hộ để làm thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất. Hồ sơ kỹ thuật thửa đất có dấu của đơn vị đo vẽ, không có chữ ký của các chủ sử dụng đất và không thể hiện có công trình trên đất. Với những hồ sơ "thiếu trước, hụt sau" như vậy, nhưng không hiểu bằng cách nào và lý do gì, ngày 4-9-2004, ông Nguyễn Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô vẫn vội vàng chủ trì cuộc họp xét cấp GCN và ký tên là Chủ tịch Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở của phường. Sau khi xét duyệt, hồ sơ của cả 5 hộ được cán bộ địa chính phường tập hợp và gửi lên UBND quận. Ngày 13-7-2009, UBND quận Cầu Giấy ban hành Quyết định số 1388/QĐ-UBND do ông Nguyễn Lễ - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký, cấp GCN cho 5 hộ gia đình tại tổ 49, phường Nghĩa Đô.

Tại Kết luận thanh tra số 1018/KL-TTTP ngày 3-5-2013, Thanh tra thành phố khẳng định: "Việc xét cấp GCN cho 5 hộ gia đình tại tổ 49 phường Nghĩa Đô có nhiều vi phạm về trình tự, thủ tục, hồ sơ và điều kiện xét cấp GCN theo quy định tại Điều 10, Điều 18 Quyết định số 69/1999/QĐ-UB ngày 18-8-1999 và Điều 4, Điều 7, Điều 22, Điều 33 Quyết định số 23/2008/QĐ-UBND ngày 9-5-2008 của UBND thành phố. Cụ thể: Hồ sơ xét cấp GCN không có 10 tài liệu theo quy định; những tài liệu hiện có trong hồ sơ chưa đầy đủ tính pháp lý; nội dung các giấy tờ tài liệu trong hồ sơ cấp GCN mâu thuẫn... Về điều kiện xét cấp GCN, khu đất 1.263,5m2 tại tổ 49 phường Nghĩa Đô không đủ điều kiện xét cấp GCN đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân do có nguồn gốc đất nông nghiệp giao khoán cho xã viên.... Trình tự, thủ tục xét cấp GCN cho 5 hộ dân đã không thực hiện theo quy định: Tại UBND phường Nghĩa Đô, Văn phòng đăng ký đất nhà và Phòng Tài nguyên Môi trường quận Cầu Giấy không có tài liệu thể hiện việc tiếp nhận 5 hồ sơ cấp GCN cho 5 hộ tại tổ 49 phường Nghĩa Đô; từ cấp phường đến quận đã không thực hiện việc kiểm tra, xác minh hồ sơ, không công khai, không tổng hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân. UBND phường không có tờ trình (kèm danh sách) đề nghị UBND quận Cầu Giấy xét cấp GCN...".

Sau khi được cấp GCN, năm 2010, các hộ đã nộp gần 14,4 tỷ đồng tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. Tiếp đó, ngày 28-4-2010, bà Nguyễn Thị Hùy, một trong năm hộ dân được cấp GCN tại khu đất thuộc tổ 49, phường Nghĩa Đô đã chuyển nhượng quyền sử dụng 205m2 đất cho ông Lê Văn Thân - trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Tháng 12-2011, các hộ đồng loạt tiến hành việc xây dựng công trình mới trên khu đất, gồm 5 nhà cấp 4, kết cấu tường gạch 220mm, cao 3,5m, tổng diện tích 250m2. Trong quá trình các hộ xây dựng, UBND phường Nghĩa Đô tiến hành kiểm tra và đang thực hiện các trình tự xử lý trật tự xây dựng tại khu đất thì các hộ gia đình xuất trình các bản GCN do UBND quận Cầu Giấy cấp năm 2009. Trên cơ sở phản ánh của cử tri phường Nghĩa Đô tại hội nghị tiếp xúc cử tri ngày 15-12-2011 đối với việc cấp GCN tại khu đất trước cổng Trường Tiểu học Nghĩa Đô, ngày 22-5-2012, UBND quận Cầu Giấy đã thành lập đoàn thanh tra việc cấp GCN của 5 gia đình. Nhận được báo cáo kết quả thanh tra, ngày 21-8-2012, UBND quận Cầu Giấy có Kết luận số 3535/KL-UBND về việc thanh tra cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với khu đất trước cổng Trường Tiểu học Nghĩa Đô. Kết luận nêu rõ: "Căn cứ Điều 25 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19-10-2009 của Chính phủ và Điều 32 Quyết định số 117/2009/QĐ-UBND ngày 1-12-2009 của UBND thành phố ban hành về việc cấp GCN thì cần phải thu hồi 5 GCN đã cấp cho 5 hộ gia đình và có biện pháp kiểm điểm, quy trách nhiệm đối với các cán bộ thụ lý, giải quyết 5 hồ sơ có sai phạm nêu trên". Tiếp đó, ngày 1-2-2013 UBND quận Cầu Giấy có Quyết định số 774/QĐ-UBND thu hồi và thông báo dừng tiếp nhận, giải quyết các thủ tục giao dịch của GCN cho người sử dụng đất... đối với 5 GCN đã cấp cho các hộ dân tại tổ 49 phường Nghĩa Đô.

Bức xúc trước việc bỗng dưng bị thu hồi sổ đỏ, các hộ dân đã đồng loạt gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng, mời luật sư bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình, đồng thời có đơn khởi kiện vụ việc tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy.

Quyền lợi người dân được giải quyết thế nào?

Mặc dù trong kết luận của Thanh tra số 1018/KL-TTTP ngày 3-5-2013, Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ rõ trách nhiệm đối với từng cá nhân khi để xảy ra những sai phạm trong quá trình cấp GCN cho 5 hộ gia đình tại khu đất thuộc tổ 49 - phường Nghĩa Đô, song thiệt hại nặng nề nhất vẫn thuộc về chính người dân. Có thể nói, việc chỉ đạo thu hồi các GCN của cơ quan thẩm quyền đã khiến các hộ gia đình "chết đứng". Trong đơn khiếu nại gửi chính quyền và cơ quan chức năng quận Cầu Giấy và UBND phường Nghĩa Đô, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, một trong năm hộ dân bị thu hồi sổ đỏ, nêu rõ: "Năm 2009, theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, tôi đã tiến hành thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch và xin cấp GCN. Tôi đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước và được UBND quận Cầu Giấy ra Quyết định số 1388/QĐ-UBND về việc cấp GCN cho tôi một cách hợp pháp. Trong quá trình làm việc với chính quyền phường Nghĩa Đô, tôi và 4 hộ khác đã được các cán bộ chuyên môn hướng dẫn một cách nguyên tắc, khắt khe để làm đầy đủ các thủ tục cần thiết về mặt hồ sơ giấy tờ theo yêu cầu của chính quyền. Nhưng nay chính quyền lại đổ lỗi cho nhau vì trong hồ sơ lưu trữ đang bị thiếu một số giấy tờ mà chúng tôi đã nộp. Vậy số giấy tờ này bị mất, thất lạc... không phải lỗi của chúng tôi".

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy khẳng định, UBND quận đang xem xét, xin ý kiến cơ quan cấp trên để việc đền bù cho các hộ dân được thỏa đáng nhất. Nếu được đồng ý, ngoài việc thoái thu gần 14,4 tỷ đồng theo đề nghị của Thanh tra thành phố, các hộ dân sẽ được đền bù số tiền chênh lệch tính theo lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho những lợi ích mà số tiền hơn 14 tỷ đồng sẽ mang lại cho các hộ dân nếu họ không dùng để nộp ngân sách nhà nước từ năm 2010 để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp GCN? Đặc biệt, trường hợp của ông Lê Văn Thân, sau khi nhận chuyển nhượng thửa đất từ bà Hùy năm 2010, đã làm thủ tục sang tên và hiện sổ đỏ mảnh đất đã được gia đình ông dùng làm tài sản thế chấp để vay tiền ngân hàng. Vậy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường phần lãi suất mà ông Thân đã phải trả cho ngân hàng trong những năm qua?

Ai đã phù phép biến đất nông nghiệp thành đất ở, trách nhiệm và mức xử lý kỷ luật đối cán bộ phường, quận trước đây khi tham gia xét, cấp "sổ đỏ" cho các hộ dân này đến đâu; UBND quận Cầu Giấy hiện nay làm gì để thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố và bảo đảm quyền lợi của người dân? Vấn đề này, chúng tôi sẽ thông tin trong số báo tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Chính quyền làm sai, người dân chịu thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.