LTS: Mặc dù thành phố đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhưng việc đào tạo nghề cho nông dân chưa đạt được kết quả mong muốn. Vậy đâu là nguyên nhân?
LTS: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là nghề nông nghiệp là một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu, kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao của thành phố. Mặc dù thành phố đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhưng việc đào tạo nghề cho nông dân chưa đạt được kết quả mong muốn. Vậy đâu là nguyên nhân?
Bài 1: Chất chưa đi đôi với lượng
Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai tại các địa phương, đã có không ít bất cập dẫn đến hiệu quả đào tạo nghề không cao.
Hướng dẫn nông dân thâm canh cây lúa chất lượng cao ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Tào Ngọc |
Vẫn chỉ là số lượng
Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, từ lâu người dân cũng như một bộ phận không nhỏ cán bộ địa phương luôn quan niệm, nghề nông là một nghề truyền thống, cha truyền con nối, không cần đào tạo và chỉ có khoảng 10% người làm nông nghiệp được đào tạo nghề nông, chủ yếu là đào tạo ngắn hạn thông qua các chương trình khuyến nông. Tuy nhiên, ngày nay, trong sự phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật và nhu cầu thực phẩm ngon, sạch của con người đòi hỏi phải có đội ngũ nông dân lành nghề mới có thể trụ vững. Hơn nữa, bình quân đất nông nghiệp của Hà Nội chỉ được khoảng 2.000m2/hộ, nếu không đầu tư các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thì hơn 4 triệu nông dân Hà Nội không thể sống được nhờ nghề nông. Nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy nghề nông cho nông dân, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp, chương trình đào tạo nghề trồng trọt và chăn nuôi cho người dân. Việc đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân cũng đã có những chuyển biến, theo hướng tập trung vào các vùng chuyên canh: Rau an toàn, rau hữu cơ, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản…
Theo kết quả điều tra nhu cầu học nghề của UBND TP Hà Nội tại địa bàn 18 huyện, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây với khoảng 2,129 triệu lao động nông thôn cho thấy, có hơn 131.000 người có nhu cầu học nghề. Thành phố đã đặt mục tiêu năm 2013 dạy nghề cho 39.525 lao động nông thôn, trong đó nhóm nghề nông nghiệp là 19.325 người. Sau một thời gian triển khai, công tác dạy nghề nông nghiệp tại các huyện, quận, thị xã làm điểm đã đạt được những kết quả nhất định. Nghề trồng rau hữu cơ, rau an toàn có 2.675 người tham gia; chăn nuôi thú y có 5.324 người; trồng lúa chất lượng cao có 3.322 người; kỹ thuật trồng nấm ăn, nấm dược liệu có 1.941 người tham gia. Phương thức dạy nghề khá linh hoạt, chủ yếu lưu động tại thôn, xã với thời gian dạy nghề là 3 tháng. Trong năm 2013, UBND thành phố đã dành gần 97 tỷ đồng cho đào tạo nghề, trong đó có 88,6 tỷ đồng hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề nông.
Sau 3 năm gắn đào tạo nghề nông cho nông dân với việc triển khai đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ, cơ cấu kinh tế các địa phương đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đa số nông dân sau đào tạo nghề đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập.
Chưa sát nhu cầu
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, song đa số các đại biểu trong Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo 1956 TƯ tại Hà Nội còn băn khoăn về tính khả thi của đề án cũng như hiệu quả mang lại. Việc đào tạo nghề còn chưa gắn với nhu cầu, chưa phù hợp với tâm lý của người lao động, tuyển sinh còn chồng chéo. Sự hỗ trợ của các cấp, các ngành về đất đai, vốn, giới thiệu việc làm để phát huy kiến thức sau học nghề cho nông dân còn rất hạn chế, hầu như chưa bố trí được. Việc xây dựng kế hoạch dạy nghề chưa thực sự sát với nhu cầu người học, còn có hiện tượng giao chỉ tiêu cho các cơ sở dạy nghề chưa đúng năng lực, thực tế. Chế độ đối với đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng cần phải thay đổi mới có thể thu hút được người có trình độ, kinh nghiệm tham gia dạy nghề nông cho nông dân. Hiện việc chi trả ngày công cho giáo viên dạy nghề nông chỉ 25.000 đồng/giờ, và không quá 300.000 đồng/ngày đối với giáo viên là người Việt Nam và 1.000 USD/tháng đối với chuyên gia nước ngoài. Với quy định như thế này, ngành nông nghiệp Hà Nội không thể thuê giáo viên tại các cục, vụ viện và các trường nông nghiệp uy tín về giảng dạy... Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu hết ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi khi học nghề. Nhiều lao động không xác định học để có nghề và kiếm tiền từ nghề đã học.
Qua tìm hiểu ở một số địa phương cho thấy, hiệu quả kinh tế từ việc dạy nghề cho nông dân mang lại không cao. Hầu hết những người theo học nghề nông để áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, phát triển kinh tế gia đình là chính, còn học nghề nông xong để có việc làm tại doanh nghiệp, HTX rất ít, chỉ chiếm khoảng 3% số người tham gia học nghề. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Đại Ngọc cho rằng, đào tạo nghề phải chú trọng chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Trước khi xây dựng chương trình và chọn nghề nông đào tạo, các địa phương cần phải bám sát vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương mình thì mới phát huy được hiệu quả sau dạy nghề. Theo ông Ngọc: "Nông dân học nghề nông xong phải góp phần thay đổi căn bản về chất sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, hướng tới sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, công nghệ cao, còn học chỉ để phổ cập kiến thức cơ bản về trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi… là chưa đi đến đích của đề án".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.