(HNMO) - Có lẽ, mấy trăm năm về trước, cha ông ta không nghĩ rằng rồi một ngày, lớp lớp con cháu của mình sẽ vươn ra với sức mạnh “lấp biển” để bồi đắp, dựng xây nên hình hài, máu thịt của Tổ quốc trên vùng phên dậu phía đông này...
Sau 2 ngày lênh đênh, chúng tôi đã “chạm” được vào một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc đó là đảo Song Tử Tây. Song Tử Tây cách đảo Song Tử Đông (Philippin đang chiếm giữ) 1,5 hải lý, cách đảo Đá Nam 2,5 hải lý. Từ xa nhìn vào, Song Tử Tây như một khu rừng thu nhỏ giữa đại dương. Màu xanh của cỏ cây trên đảo hòa quyện với màu xanh của nước biển tạo nên sự thanh bình giữa trùng khơi.
Xã đảo Song Tử Tây là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Mà lạ, giữa trưa, bất chợt nghe tiếng gà gáy. Vẫn là tiếng gà ấy, nhưng ở giữa biển trời quê hương, tiếng gà vừa quen thuộc, thân thương, lại vừa có điều gì mới lạ. Chúng tôi ngồi dưới tán cây phong ba, nghe gió biển vần vũ những rặng phi lao, ngọn dừa, bàng vuông và cây phong ba. Tiếng reo phần phật của những lá cờ trên đảo và tiếng lá xào xạc tạo nên giai điệu của một bản hùng ca đầy kiêu hãnh giữa biển khơi.
Xung quanh chúng tôi là khung cảnh bình yên, tươi tốt và thân thuộc như không phải cách xa đất liền cả nghìn cây số. Màu xanh mát rượi của cây cối, của rau, hình ảnh những chú bò đủng đỉnh gặm cỏ. Tất thảy toát lên một sức sống mãnh liệt, tươi trẻ.
Phó chỉ huy trưởng cụm chiến đấu Song Tử Tây Đàm Xuân Hùng cho biết, ngoài giờ huấn luyện, anh em đều có thú vui là tăng gia sản xuất, chăm sóc vườn rau và chăn nuôi, không đơn thuần là tăng gia cải thiện mà những cây cối, vật nuôi đó thực sự là những người bạn thân thiết của lính đảo. Để trồng sống được một cây, nuôi được một vật nuôi trên đảo phải tốn không biết bao nhiêu công sức, không thể tính được bằng giá trị kinh tế, vì ngoài sự gian nan, thì trong đó là tình cảm sâu nặng của người lính. Có lẽ để đền đáp với ân tình của người lính nên một khi đã thích nghi, cây trồng, vật nuôi đều phát triển rất nhanh.
Được nghe kể lại, cách đây nhiều năm, những người lính đóng quân trên đảo lúc nào cũng thèm nghe một âm thanh của làng quê. Nên lãnh đạo đảo đã thực hiện ý tưởng “đưa quê hương ra đảo, xây dựng đảo bình yên như một làng quê có tiếng chim kêu, chó sủa, gà báo sáng”. Đầu năm 2009, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây bắt đầu thực hiện kế hoạch “làng quê hoá đảo xa”. Anh nhờ anh em bạn bè trong Nha Trang gửi theo tàu công tác ra đảo vài gốc tre, mấy gốc hoa súng, dăm khóm bèo tây, cả ếch, cá chuối, cá trê và một chú kì nhông. Đào một hố đất, trồng một cây xanh là một việc không mấy khó khăn trong đất liền. Nhưng ở nơi giữa biển và trời, nơi chỉ có gió mặn, nắng lửa và nền đá san hô, để ươm trồng cây xanh nhân bóng mát cho đảo thực sự là một công việc cần đức tính cần cù và tình yêu. Trồng mỗi cây, phải mất hàng năm trời chuẩn bị, sau đó phải chăm chút suốt cả đời cây. Trong nhiều năm, đối mặt với những điều kiện gian khổ, khắc nghiệt của biển đảo, Song Tử Tây hôm nay không còn cách trở với đất liền như trước đây. Tất cả đều do quân và dân trên đảo khắc phục khó khăn, kiên trì, sáng tạo xây dựng cảnh quan môi trường, điều kiện sinh hoạt thân quen không khác so với làng quê trong đất liền, điều mà nhiều năm trước đây không ai dám mơ đến những vườn hoa, vườn rau xanh mướt, cây ăn quả sai trĩu, gà vịt đầy đàn, lại còn cả bò, lợn...
Song Tử Tây là đảo đầu tiên nuôi được bò từ gần chục năm nay. Bò ở Trường Sa luôn là đề tài độc đáo được báo chí khai thác. Bò khôn đến mức biết ghếch mõm lên nóc tủ, giá sách sục tìm sữa hộp, bánh kẹo tha ra chỗ đất trống, sữa thì úp xuống cho chảy ra để liếm ăn, bánh kẹo thì dùng chân giẫm nát, bóc bỏ lớp vỏ ni lon để ăn. Chúng ăn tất cả các loại lá cây trên đảo, đặc biệt là bàng ta và bàng vuông.
Chỉ huy trưởng, Thượng tá Trương Sĩ Nam cho biết: Song Tử Tây là đảo lớn có vị trí địa lý quan trọng về an ninh, quốc phòng trên biển khu vực Bắc quần đảo Trường Sa. Âu tàu có sức chứa từ 80 đến 100 tàu cá vào tránh gió bão và tham gia các dịch vụ trên biển. Làng chài có thể bảo đảm cùng lúc cho gần 400 ngư dân ăn nghỉ tại đảo; trạm bảo đảm kỹ thuật có khả năng sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân; bệnh xá có quy mô 12 giường bệnh với trang tiết bị hiện đại có thể cấp cứu, xử lý các trường hợp tai nạn thương tích trên biển.
Cung cấp điện trên đảo cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Có điện, việc tiếp phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam được thuận lợi hơn, trên cơ sở đó, quân và dân trên đảo Song Tử Tây có thể tiếp cận, nắm bắt kịp thời các thông tin kinh tế - xã hội, cũng như tri thức trong cuộc sống; giúp cho công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước được nhanh chóng, hiệu quả hơn, góp phần thiết thực nâng cao trình độ dân trí, phòng chống và làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh. Đồng thời, điện còn giúp việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng an ninh tại đảo được thuận lợi hơn, nhất là việc khai thác, đánh bắt, bảo quản và chế biến các sản phẩm từ biển.
Tổng Công ty Điện lực miền Nam tiếp nhận hệ thống cung cấp điện tại đảo Song Tử Tây. |
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty điện lực miền Nam Nguyễn Phước Đức cho biết: Tổng Công ty Điện lực miền Nam được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ tiếp nhận hệ thống cung cấp điện tại các đảo và điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 5-5 vừa qua, Tổng Công ty đã cử 2 đoàn phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân ra các đảo thống kê tài sản để tiến hành thủ tục giao nhận. Tại Song Tử Tây cũng đang có 1 đoàn tiến hành kiểm đếm, dự kiến đến hết ngày 11-5 sẽ hoàn thành. Sau khi tiếp nhận, Tổng Công ty Điện lực miền Nam sẽ tiến hành cải tạo, sửa chữa và nâng cấp để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho quân và dân trên đảo. Hệ thống điện ổn định sẽ là cơ sở để nhân dân mạnh dạn đầu tư, xây dựng các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Thu hút lực lượng lao động ngày càng đông đảo trong các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và đánh bắt hải sản xa bờ, cùng với các phương tiện tàu thuyền, cơ sở hạ tầng nghề cá tại ngư trường sẽ góp phần tạo nên thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc, che chở, bảo vệ đất liền, vừa là căn cứ để tiến ra khai thác các tiềm năng, nguồn lợi ngoài khơi xa; góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Buổi sáng, tại đảo Song Tử Tây, đoàn công tác đã thực hiện nghi lễ chào cờ, thắp hương tại đài tưởng niệm Trần Hưng Đạo, chùa Song Tử và tổ chức khánh thành Bảo tàng 3D của Bảo tàng Quân đội, đồng thời đi thăm, tặng quà quân và dân trên đảo. Chương trình giao lưu văn nghệ với những người lính đảo đã làm cho không khí thêm ấm cúng.
Buổi chiều, đoàn công tác đến đảo Đá Nam. Chỉ huy trưởng đảo Đá Nam Đoàn Văn Hiển cho biết, từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm thường có bão, biển động, sóng cao từ 4 đến 5 mét, những tháng cao điểm mưa to, gió lớn rất khó khăn cho việc neo đậu tàu vào đảo. Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, đảo đã tiến hành khám và cấp phát thuốc điều trị, hỗ trợ 480 lít nước và 50kg gạo cho 70 lượt ngư dân. Ngày 30-12-2016, đảo đã cứu hộ và đảm bảo an toàn cho 10 ngư dân trên tàu QNg 96248TS gặp nạn trên biển.
Ẩn sau mỗi loài rau ở đảo này là một câu chuyện kể về sự thích nghi với khí hậu, sự nuôi dưỡng của bàn tay người lính đảo. Những thứ “đặc sản” riêng có ở xứ mặn mòi biển cả Trường Sa sẽ vỡ vạc thêm cho chúng ta rất nhiều về cung cách sống, cung cách ứng xử của con người với tự nhiên giữa trùng dương sóng gió này.
Chiến sĩ đảo Đá Nam Nguyễn Thành Công chỉ những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu gần đảo nói, ngư dân đánh bắt cá ở vùng này phần lớn là người Phú Yên, họ đi từ đất liền ra được đến đây phải mất 3-4 ngày đêm. Những chiếc thuyền này neo đậu hết rằm sẽ đi tiếp để đánh bắt cá. Đêm xuống, nhìn những ánh đèn hắt ra từ đảo giống như những ánh mắt giữa biển ken đặc ngàn vạn con sóng. Con tàu cứ dập dềnh, lắc lư theo nhịp sóng, duy chỉ có “ánh mắt” ấy là vẫn đăm đăm bao quát một vùng biển, đảo của Tổ quốc. Trong đêm tối bịt bùng sóng gió, ngư dân sẽ vững tâm và tự tin khi hướng ánh nhìn về phía ánh sáng chủ quyền này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.