(HNM) - LTS: Thủ đô Hà Nội là trung tâm y tế quan trọng và lớn nhất cả nước. Hệ thống bệnh viện ở nhiều cấp với đội ngũ cán bộ, thầy thuốc có trình độ, tay nghề cao; cơ sở hạ tầng và phương tiện khám, chữa bệnh hiện đại đã giúp cho hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô ngày càng tốt hơn.
(HNM) - LTS: Thủ đô Hà Nội là trung tâm y tế quan trọng và lớn nhất cả nước. Hệ thống bệnh viện ở nhiều cấp với đội ngũ cán bộ, thầy thuốc có trình độ, tay nghề cao; cơ sở hạ tầng và phương tiện khám, chữa bệnh hiện đại đã giúp cho hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành y tế Hà Nội đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có tình trạng quá tải ở các bệnh viện đầu ngành như Xanh Pôn, Ung bướu, Phụ sản, Tim… Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng quá cao so với năng lực đáp ứng của bệnh viện, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, đòi hỏi các bệnh viện phải tìm cách khắc phục. Báo Hànộimới sẽ cung cấp cho bạn đọc bức tranh tổng thể về thực trạng quá tải bệnh viện cũng như giải pháp khắc phục của ngành y tế Hà Nội trong thời gian tới.
Chiều qua, 23-8, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định hệ thống bệnh viện (BV) tại Hà Nội, đặc biệt là BV tuyến thành phố, dù đã được nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, đào tạo bổ sung nhân lực… nhưng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu điều trị chất lượng cao do tình trạng quá tải diễn ra phổ biến ở mức 113%. Cá biệt, tại Khoa Nhi của BV Đa khoa Xanh Pôn - BV hạng I của thành phố, công suất sử dụng giường bệnh đã lên tới hơn 200%. Với Xanh Pôn, điều đó đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng thực hiện các dự án nâng cấp trong thời gian gần.
Bệnh viện nào cũng quá tải
Theo Sở Y tế Hà Nội, tình trạng quá tải BV làm giảm chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Việc bệnh nhân quá đông phải nằm ghép làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo, khiến bệnh nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị, chi phí điều trị tăng cao, tạo gánh nặng cho người bệnh. Đối với nhân viên y tế, sự quá tải làm tổn hại sức khỏe tâm thần, giảm khả năng chẩn đoán và điều trị, giảm sự tận tình đối với người bệnh. Quá tải BV không những ảnh hưởng đến chất lượng điều trị mà còn tác động tiêu cực đến y đức thầy thuốc.
Tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội.Ảnh: Thảo Phương
Nguyên nhân gây "bệnh" quá tải BV, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội là do cơ sở vật chất của các cơ sở y tế còn kém, số giường bệnh tăng chậm so với tốc độ gia tăng dân số; nhân lực y tế còn thiếu, năng lực chuyên môn hạn chế; mô hình bệnh tật thay đổi, từ mô hình bệnh tật mang đặc trưng của các nước kém phát triển với các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm là chủ yếu chuyển sang mô hình bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường… Xã hội ngày càng phát triển, nhận thức và sự tiếp cận thông tin về sức khỏe của người dân ngày càng cao, nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng tăng nên người bệnh và gia đình luôn có xu hướng muốn được điều trị tại các BV tuyến trên, những nơi có điều kiện trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao... Bên cạnh những yếu tố trên, thì hệ thống cơ chế, chính sách về lĩnh vực y tế lại chưa đồng bộ. Giá thu viện phí quá thấp, chế độ chi trả bảo hiểm ở các tuyến khác nhau chưa thực sự khuyến khích các BV tuyến dưới phát triển đủ sức cung cấp dịch vụ kỹ thuật; cơ chế chuyển tuyến, phân tuyến cũng chưa hợp lý. Chính những bất cập này đã khiến người dân đổ xô lên BV tuyến trên, bỏ qua tuyến y tế cơ sở, gây quá tải cho tuyến trên.
Điểm nóng quá tải
BV Đa khoa Xanh Pôn, trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, hiện được coi là điểm nóng về quá tải. Với 957 cán bộ công nhân viên, 43 khoa phòng và 1 khối khám bệnh, BV được giao chỉ tiêu 570 giường bệnh, trung bình mỗi năm tiếp nhận khám, điều trị cho trên 240 nghìn lượt người bệnh (mỗi ngày khoảng 1.200 lượt). Do được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, trải qua trên 100 năm sử dụng nên cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, điển hình là khu nhà B (2 tầng) của các khoa Xương, Tiết niệu, Nội 1, Giải phẫu bệnh lý, Phục hồi chức năng, Xét nghiệm và khu nhà D (2 tầng), gồm Khoa Nội 2, Khoa Dược, Đông y… Nhiều dãy nhà bị nứt, lún, sụt mái, không bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, BV đã phải dồn ép các khoa và điều đó khiến tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng.
Khoa Nội 1 được giao chỉ tiêu 25 giường bệnh nhưng lượng bệnh nhân nội trú lúc nào cũng từ 60 đến 70 người, vào mùa dịch bệnh thường lên tới hàng trăm người. Việc bố trí nằm ghép 2-3 bệnh nhân/giường bệnh xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăm sóc và điều trị người bệnh. Khoa đã phải tận dụng tối đa diện tích trong mỗi phòng điều trị, thậm chí cả khu vực hành lang, lối đi, cửa nhà vệ sinh, chân cầu thang để kê thêm 15 giường bệnh. Còn ở Khoa Nội 2, ngoài tình trạng quá tải chung giống như các khoa khác, bệnh nhân nằm điều trị nội trú ở đây còn phải thường xuyên xê dịch hoặc mang chăn, màn, chiếu đi trú tạm ở khoa khác vì mỗi khi trời mưa, buồng bệnh bị dột, bong vữa… Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, nơi chỉ dành riêng cho các bệnh nhân đặc biệt nặng hoặc vừa trải qua các ca phẫu thuật phức tạp, mặc dù thuộc diện được ưu tiên vào loại nhất nhưng giường bệnh vẫn phải kê san sát mới tạm đáp ứng nhu cầu.
Trước thực trạng đáng báo động tại một bệnh viện đầu ngành của Thủ đô, Sở Y tế Hà Nội đã xác định thời gian tới, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hàng đầu. Riêng với BV Đa khoa Xanh Pôn, ngành sẽ đầu tư xây dựng để trở thành một bệnh viện kiểu mẫu, là trung tâm ứng dụng thực hiện những kỹ thuật cao, chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.