(HNM) -
(HNM) - LTS: Đã bước sang ngày thứ 40 kể từ khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cũng chừng ấy ngày, vượt qua mưa gió, sóng dữ, bất chấp hiểm nguy, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam như Cảnh sát biển (CSB), Kiểm ngư (KN) và những ngư dân vẫn liên tục ra khơi, kiên trì bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Có mặt trên tàu CSB 2015, phóng viên Báo Hànộimới ghi lại những nỗ lực, tinh thần quả cảm của những người con nước Việt nơi "đầu sóng".
Bài 1: Bình minh trong tiếng còi báo động
"Reng, reng, reng, reng, reng…". Tiếng chuông báo thức kéo dài của tàu CSB 2015 đánh thức chúng tôi dậy sau đêm đầu tiên trên vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng. Tôi chạy vội ra mũi tàu nhìn về phía Mặt trời đang mọc, cũng là phía giàn khoan trái phép Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương - 981) đang án ngữ từ hôm 1-5.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Ảnh: Đức Trường |
Truy vây từ sáng sớm
"Kìa, vòi rồng xịt vô tàu đó rồi!", tiếng một CSB đang làm nhiệm vụ quan sát trên buồng điều khiển vang lên. Tàu CSB 2015 kéo một hồi còi báo động dài. Đại úy Đặng Lê Sơn, Thuyền trưởng CSB 2015 cầm vội loa: "Toàn tàu chú ý! Tàu Trung Quốc đang vây một tàu KN". Nhìn sang bên trái, tôi không tin vào mắt mình khi thấy một nhóm 6 tàu của Trung Quốc đang vây kèm và phun vòi rồng vào một tàu KN của ta. Từ xa, con tàu KN nhỏ nhoi giữa vòng vây đang cố gắng tăng tốc. Một tàu không rõ số hiệu của Trung Quốc áp sát phun vòi rồng thẳng vào tàu KN, hai tàu kèm phía sau, ba tàu khác vây vòng ngoài. Tôi vội vàng chạy lên buồng điều khiển để có thể quan sát rõ hơn. Lúc đó, đồng hồ mới chỉ 6h sáng 28-5. Bình minh trên biển Hoàng Sa như vỡ vụn theo bọt nước phun ra từ chiếc vòi rồng.
Cầm máy ảnh chụp lia lịa nhưng vì khoảng cách khá xa và vì bọt nước mù mịt nên hình ảnh không rõ nét. Tôi mượn một chiếc ống nhòm, khung cảnh được kéo lại gần cả mấy hải lý. Có lúc bọt nước trùm hẳn lên tàu KN của ta. Con tàu nhỏ bé cố gắng chạy ngược chiều gió để giảm sức công phá của vòi rồng. "Chạy thế là đúng kiểu rồi đấy!" - nhận xét của một chỉ huy phần nào trấn an chúng tôi. Lúc này, mấy tàu KN cùng tàu CSB cơ động lại gần con tàu đang bị vây chặt. Sau khoảng nửa tiếng bị vây kèm, bị phun vòi rồng, con tàu KN của ta đã thoát ra.
Bữa cơm sáng bị muộn. Bưng bát cơm lên mà đầu óc tôi ngổn ngang suy nghĩ: "Không biết có ai bên đó bị thương không?". Một chiến sĩ CSB ngồi bên cạnh tôi đặt một câu hỏi khác: "Tại sao cánh bên đó ở xa giàn khoan hơn mình mà lại bị vây sớm thế nhỉ?". Lúc này, tàu CSB 2015 cách giàn khoan khoảng 10 hải lý. Còn cánh có tàu KN vừa bị vây kèm và phun vòi rồng cách xa giàn khoan khoảng 19 hải lý.
Lùa vội bát cơm, tôi lại chạy lên buồng điều khiển. Qua bộ đàm, chúng tôi biết rằng anh em bên đó không ai bị thương và tàu vẫn hoạt động bình thường.
Nhưng chẳng được bao lâu. 7h20, một nhóm hàng chục tàu Trung Quốc, dẫn đầu là một tàu đầu kéo sơn đỏ, đang lao về đội hình tàu trong đó có tàu CSB 2015, 2016 của ta. Một hồi còi báo động vang lên. Mọi người về vị trí. Thuyền trưởng Sơn ra lệnh: "Ngành 5 chú ý! Khởi động cả hai máy. Máy trái trước". Tàu CSB 2015 cơ động về vị trí theo lệnh chỉ huy. Đến 7h35, tàu đầu kéo đi chậm lại. Các tàu Trung Quốc khác vẫn tìm cách tiếp cận đội hình tàu của ta. Khoảng 10 phút sau, hai tàu Hải cảnh của Trung Quốc xuất hiện bên mạn phải của tàu CSB 2015.
Khoảng nửa tiếng sau, khi đội hình tàu của ta đang tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 để thực thi pháp luật, một nhóm tàu Trung Quốc lại lao ra ngăn chặn. Lần này, dẫn đầu là tàu Hải cảnh mang số hiệu 3411 chạy với tốc độ hơn 12 hải lý/giờ. Cứ thế, các tàu Trung Quốc vây kèm, ngăn chặn liên tục tàu của Việt Nam.
Ngư dân bám biển đánh cá, bảo vệ vùng biển tổ quốc bằng sự hỗ trợ của tàu kiểm ngư Việt Nam. |
Tàu nước ngoài chú ý!
Đó không phải là lần đầu tiên và đương nhiên cũng chẳng phải là lần cuối cùng các tàu của Trung Quốc kéo ra ngăn cản và cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật của ta. Một sáng khác, muộn hơn một chút, lúc 7h15 khi những chiến sĩ CSB đang ăn cơm sáng, một nhóm tàu Trung Quốc lao ra từ phía giàn khoan Hải Dương - 981. Dẫn đầu nhóm tàu hơn chục chiếc này là các tàu Hải cảnh 31, tàu đầu kéo quân sự 242, 22 hướng thẳng vào đội hình tàu của Việt Nam. Riêng tàu Hải cảnh số hiệu 31 cùng với sự hỗ trợ của ba tàu khác kèm sát và khiêu khích tàu KN 951. Đội hình tàu của ta cơ động né tránh thoát khỏi sự khiêu khích và chủ động đâm va của tàu Trung Quốc.
Khoảng tiếng rưỡi sau, khi đội hình tàu của ta tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981, một nhóm hơn chục tàu Trung Quốc lại lao ra vây kèm và khiêu khích. Ba tàu Hải cảnh, hai tàu đầu kéo quân sự tăng tốc vây sát tàu CSB 2015 và tàu KN 951 của ta. Thuyền trưởng Đặng Lê Sơn ra lệnh: "Toàn tàu chú ý! Đóng tất cả các cửa. Đề phòng tình huống xịt vòi rồng vào ống khói. Hai máy tiến hai. Ngành 5 bố trí người trực ở hai máy". Con tàu rướn lên, rẽ sóng.
Cùng lúc, tiếng loa tuyên truyền công suất lớn dõng dạc vang lên. "Tàu nước ngoài chú ý! Tàu nước ngoài chú ý! Lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển Việt Nam thông báo: Đây là vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam theo Luật Biển Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Mọi hoạt động của các vị tại khu vực biển này là trái phép, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Yêu cầu tất cả các vị chấm dứt ngay mọi hành động và rời khỏi vùng biển Việt Nam".
Tàu Trung Quốc số hiệu 263 đang lao thẳng vào tàu của Việt Nam. |
Tuy nhiên, bất chấp luật pháp quốc tế, các tàu Trung Quốc vẫn ỷ đông, cậy lớn liên tục khiêu khích trắng trợn và nhiều lần cố tình đâm va các tàu thực thi pháp luật của ta. Sáng nào cũng thế, cứ mỗi khi ánh bình minh ló rạng trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, các tàu Trung Quốc lại hung hăng kéo ra phun vòi rồng và tìm mọi cách để đâm va. Cho dù đã nhiều lần linh hoạt, mưu trí vượt vòng vây nhưng tàu Trung Quốc quá hung hãn, chủ động đâm va các tàu CSB, KN của ta. Tàu CSB 2016 bị đâm thủng 4 vết, vết thủng lớn nhất dài tới 40cm, rộng tới 7cm vào chiều 1-6. Vết thủng chỉ cách mấng nước 40cm. Mới đây nhất và cũng tàn nhẫn nhất là trường hợp một tàu cá của Đà Nẵng bị một tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm ngay trên vùng biển của ta. Trong khi phía Trung Quốc ngày càng có các hành vi leo thang căng thẳng ở khu vực giàn khoan Hải Dương - 981, các tàu Việt Nam vẫn kiên trì thực thi pháp luật trong nỗ lực gìn giữ hòa bình.
Trên thực địa xung quanh khu vực giàn khoan Hải Dương - 981, Trung Quốc luôn duy trì một số lượng tàu gấp bốn, thậm chí có lúc gấp năm số lượng tàu của Việt Nam. Trên màn hình rada, nhìn rõ số lượng tàu Trung Quốc nhiều như vừng trên chiếc bánh đa. Vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam đang nổi sóng vì những hành động bất chấp luật pháp của Trung Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.