(HNM) - LTS: Thời gian qua, báo chí nói nhiều đến tình trạng lãng phí trong việc quản lý, khai thác sử dụng các chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn Thủ đô. Nhiều chợ truyền thống đang đông đúc, sầm uất bỗng
(HNM) - LTS: Thời gian qua, báo chí nói nhiều đến tình trạng lãng phí trong việc quản lý, khai thác sử dụng các chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn Thủ đô. Nhiều chợ truyền thống đang đông đúc, sầm uất bỗng "vắng như chùa Bà Đanh" từ khi "lột xác" thành trung tâm thương mại. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều trung tâm thương mại đầu tư xây dựng hoành tráng lại kém hiệu quả, gây lãng phí?
Từ ngày 21-8-2012, Sở Công thương đã thành lập đoàn công tác kiểm tra hoạt động của các chợ trên địa bàn Hà Nội, tập trung vào những chợ có vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý, kinh doanh, khai thác và đầu tư xây dựng, nhất là các chợ thuộc những quận nội thành.
Những chợ "sống" được
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn kiểm tra là chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, quy mô lên đến 2.315 gian hàng, trong đó hộ kinh doanh nhóm bông vải sợi, quần áo chiếm hơn một nửa.
Cảnh đìu hiu tại Trung tâm Thương mại Cửa Nam.
Thống kê sơ bộ của Phòng quản lý chợ - Công ty cổ phần Đồng Xuân, mỗi ngày có khoảng 10.000 người ra vào chợ. Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, hoạt động kinh doanh tại chợ Đồng Xuân thời gian qua ổn định. Kế hoạch thu thuế năm 2012 là 58,3 tỷ đồng, đến nay đã đạt 62%, tăng 12% so với năm 2011. Đây thực sự là những con số ấn tượng, khiến chợ Đồng Xuân được đánh giá là một mô hình chuyển đổi thành công trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Một khu chợ khác quy mô nhỏ hơn nhưng lại là đơn vị đầu tiên thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý trên địa bàn thành phố là chợ Cửa Nam. Chợ cũ chỉ có 65 hộ kinh doanh hoa quả, vàng mã, trầu cau, mỗi năm doanh thu chỉ khoảng 300 triệu đồng. Được khởi công năm 2006, sau ba năm thi công, tháng 8-2009 tòa nhà Trung tâm Thương mại - chợ Cửa Nam với quy mô 15 tầng nổi và 4 tầng hầm, diện tích sàn 1.293m2 được đưa vào sử dụng. Ban đầu khu vực chợ dân sinh dành cho 65 hộ buôn bán được bố trí tại tầng hầm thứ nhất, tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do khách quan, chủ yếu do vắng khách, các hộ này lần lượt bán lại chỗ cho chủ đầu tư. Hiện chủ đầu tư đã bố trí siêu thị mi ni và quầy rau an toàn tại khu vực này.
Theo quan sát của phóng viên, khu tầng hầm dành cho siêu thị và quầy rau an toàn khá vắng vẻ. Có lẽ vì đường xuống tầng hầm không thuận tiện nên lượng khách vào đây không nhiều, nhất là gần đó lại có chợ Ngô Sĩ Liên sầm uất, đông đúc. Nhưng ba tầng hầm khác của tòa nhà này lại chật ních ô tô, xe máy. Ông Nguyễn Sử Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Hà Nội, đơn vị quản lý Trung tâm Thương mại Cửa Nam cho biết, hiện có khoảng 600 người làm việc tại đây, ba tầng hầm đủ chỗ chứa 104 ô tô và hơn 500 xe máy. Nhìn vào tổng doanh thu và tiền nộp ngân sách nhà nước hằng năm thì có thể khẳng định, tòa nhà hoạt động rất hiệu quả, nhưng chủ yếu là nhờ vào việc cho thuê văn phòng.
Những chợ "túc tắc" và chờ... "chết"
Cũng nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm là Trung tâm Thương mại Hàng Da được xây dựng trên nền chợ Hàng Da cũ. Tòa nhà này gồm 5 tầng nổi và 2 tầng hầm, được đưa vào sử dụng tháng 10-2010 với tổng kinh phí xây dựng trên 200 tỷ đồng do Công ty cổ phần Thương mại Hàng Da làm chủ đầu tư.
Tại khu vực chợ dân sinh được bố trí tại tầng hầm và tầng một của tòa nhà, chị Nguyễn Thị Lan cho biết, đã bán hàng rau - củ - quả ở chợ Hàng Da từ hơn chục năm trước. Từ ngày có chợ mới, đường đi lối lại phong quang sạch đẹp, không lo mưa nắng, rau quả được bảo quản trong môi trường có máy điều hòa nhiệt độ, tiền thuê ki ốt cũng hợp lý, bà con tiểu thương đều chấp nhận được. Tuy nhiên, do lối lên xuống tầng hầm không thuận tiện, cả tòa nhà chỉ có hai cửa chính ra vào nên lượng khách hàng sụt giảm đáng kể. Quầy hàng của chị Lan chủ yếu bán cho khách quen là nhà hàng, khách sạn nên vẫn sống khỏe, một số gian hàng khác cũng "túc tắc" sống được, dù không bằng chợ cũ nhưng chỉ ít bà con "bỏ chợ".
Theo ông Vũ Danh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Hàng Da, sau khi xây dựng, công ty đã bố trí ki ốt bán hàng cho tất cả 544 tiểu thương kinh doanh ở chợ cũ. Hiện có hơn 400 hộ đang kinh doanh tại đây, số còn lại đóng cửa ki ốt hoặc bán hàng ngoài mặt phố, sử dụng gian hàng trong chợ làm kho chứa đồ. Ông Hòa thừa nhận, do tình hình kinh tế suy giảm, lượng khách đến mua bán trong năm 2012 giảm đáng kể. Bên cạnh đó, sự tồn tại hàng loạt chợ cóc, tụ điểm bán hàng rong trên các tuyến phố Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Quang Bích, Yên Thái… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh ở chợ Hàng Da.
Trái ngược với quang cảnh tấp nập của các hàng ăn, quán giải khát trên tuyến đường Ngọc Hồi, Tứ Hiệp xung quanh Trung tâm Thương mại Thanh Trì (thị trấn Văn Điển) khá ảm đạm. Khối nhà 7 tầng trên tổng diện tích 7.906m2 này từng là "điểm nhấn" tại cửa ngõ phía nam Thủ đô. Thế nhưng, theo thông tin từ Xí nghiệp Khai thác và Phát triển Trung tâm Dịch vụ thương mại Thanh Trì, thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác quản lý dịch vụ đô thị và thương mại, đến tháng 6-2012 chỉ có 158 hộ vào kinh doanh trên tổng số 268 hợp đồng mua ki ốt. Đến cuối tháng 7, lại có thêm 3 hộ đóng cửa quầy. Cả dãy ki ốt trước nhà làm việc của văn phòng xí nghiệp đóng cửa treo biển cho thuê hoặc bán lại gian hàng, có biển còn ghi rõ giá cho thuê chỉ là 500.000 đồng/tháng, cho dù tiền mua thuê ki ốt trong 30 năm là 100 triệu đồng/ki ốt. Chợ rau xanh và thực phẩm tươi sống ở tầng hầm cũng vắng vẻ, tối om, bốc mùi ẩm mốc, chứ tầng 3 và tầng 4 từ lâu đã biến thành lớp học và văn phòng làm việc của Đại học Mở Hà Nội. Tầng 6 mới có một doanh nghiệp bất động sản tìm đến thuê một phần để mở văn phòng, còn lại tất cả vẫn chỉ là mặt bằng thô. Không khó để nhận ra hàng nghìn mét vuông nhà kiên cố ở Trung tâm Thương mại Thanh Trì đang để cho… bụi phủ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.