Hơn 500 lần bắt những tên trộm, cướp trên đường phố, từng bị kẻ xấu vác dao đến trả thù nhưng bác tài xế xe ôm Trần Văn Hoàng (50 tuổi, quê Bình Định, tạm trú quận Tân Bình, TPHCM) không chút nao núng, vẫn ngày đêm rong ruổi trên đường để chặn đứng cái xấu.
Rời quê hương Bình Định vào TPHCM lập nghiệp, ông Hoàng lấy nghề chạy xe ôm làm kế sinh nhai. Hàng ngày xuôi ngược chở khách rong ruổi qua nhiều tuyến đường, ông đã chứng kiến không biết bao nhiều lần người đi đường bị cướp giật mất hết tài sản mà còn té ngã chấn thương. Từ những hình ảnh đó đã thôi thúc ông phải làm một điều gì để chặn đứng cái xấu.
Ông Trần Văn Hoàng kể lại những lần bắt cướp của mình |
Ông Hoàng vẫn nhớ như in lần đầu tham gia bắt cướp: “Khi đó tôi đang chở khách ngang qua đường Nguyễn Thái Bình thì nghe người dân tri hô “cướp, cướp”. Lúc này 2 thanh niên đang chĩa dao vào người đàn ông để cướp chiếc xe máy. Nạn nhân tím tái mặt mày cầu cứu nhưng người dân xung quanh không dám xông vào. Tôi bảo khách nán chờ, chạy đến nhằm tên cầm dao đá một phát. Quá bất ngờ, hắn rơi dao, đang luống cuống định nhặt lại thì tôi áp sát quật ngã. Lúc đó người dân mới dám xông vào hỗ trợ cùng tôi khống chế 2 tên cướp”.
Khi được hỏi về bí kíp để có thể khống chế những tên cướp manh động, ông Hoàng bật mí: “Anh trai tôi là võ sư đất Bình Định, chính anh ấy đã truyền lại cho tôi và những người trong gia đình các thế võ. Môn võ mà anh tôi truyền lại thuộc dạng đối kháng, giáp lá cà với địch thủ. Nhờ vậy tôi mới dám đối đầu với kẻ cướp”.
Muốn truy bắt những tên cướp manh động và liều lĩnh, sẵn sàng chạy bạt mạng để thoát, ông Hoàng tự bỏ tiền sửa sang chiếc xe Wave alpha cũ của mình mới có thể “đua tốc độ” với kẻ xấu.
Ông Hoàng (thứ 2 phải qua) được Giám đốc Công an TPHCM trao kỷ niệm chương trong chương trình gương sáng phố phường năm 2014 |
Việc bị đe dọa tính mạng, trả thù đối với ông Hoàng xảy ra như cơm bữa. Có những tên cướp khi bị truy đuổi, bắt hụt đã quay lại tìm ông trả thù. Nhiều tên biết nơi ông Hoàng ngồi đậu xe chờ khách đã vác mã tấu tới chém dằn mặt nhưng ông may mắn né được. “Cách đây mấy hôm cũng có 2 tên xăm trổ đầy mình tới bảo sẽ chém chết nếu tôi can dự vào chuyện của chúng", ông Hoàng cho hay.
25 năm sống tại Sài Gòn, gia đình ông Hoàng vẫn ở nhà thuê mỗi tháng mất gần 3 triệu đồng. Kinh tế khó khăn nhưng khi nghe ai gọi báo cướp ở đâu, người đàn ông nhỏ thó lại phóng xe đi.
Những lúc vắng khách, ông giúp vợ bán hàng. Thu nhập chính của 2 vợ chồng chủ yếu là từ việc bán nón, khẩu trang, bao tay ngay góc đường Trường Chinh – Trương Công Định.
Nói về việc làm của mình, ông Hoàng cho hay: “Tôi tự ý thức được việc làm của mình là có ích cho xã hội nên tình nguyện tham gia, không ai bắt buộc mình phải đi bắt cướp cả. Tôi xác định là việc bắt cướp có nguy hiểm nhưng vì lỡ đam mê rồi”.
Với những cống hiến của mình, ông Hoàng đã được Công an TPHCM, UBND các quận Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú trao tặng hàng trăm bằng khen, giấy khen và kỷ niệm chương |
Nỗi trăn trở lớn nhất của ông Hoàng, đó là bọn tội phạm luôn manh động, trong người lúc nào cũng thủ dao, súng điện, bình xịt hơi cay, còn những người như ông thì dùng tay không bắt cướp.
Từ vụ bắt cướp đầu tiên năm 1995 đến nay, ông Hoàng đã tham gia bắt hơn 500 vụ nữa. Người đàn ông có gương mặt khắc khổ, thân hình nhỏ nhắn nhanh nhẹn đã trở thành nỗi khiếp sợ của những kẻ trộm cướp ở khu vực quận Tân Bình, TPHCM.
Hàng ngày, ông Hoàng vẫn rong ruổi trên đường phố để ngăn chặn cái xấu, góp phần đem lại bình yên cho người dân |
Với những cống hiến của bác xe ôm đầy nhiệt huyết, Công an TPHCM và UBND các quận Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú đã trao tặng ông Hoàng hàng trăm bằng khen và giấy khen.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.