(HNM) - Nói Bắc Sơn là xã nghèo điển hình của huyện Sóc Sơn và cũng là nghèo nhất của Hà Nội cũng không ngoa. Tổng số hộ nghèo năm 2010 của xã còn 593 hộ, dù đã giảm được 3,9% so với năm 2009, bình quân thu nhập 4,3 triệu đồng/người/năm - chỉ bằng khoảng 1/10 thu nhập bình quân của TP.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Tiên Chu, Bắc Sơn là một đại lý bán chậu xi măng trồng cây cảnh kiêm luôn bán bia mộ, vòng hoa, khăn tang, vải niệm, quan tài. Tiếng là đại lý nhưng ở đất này, đại lý cũng nghèo. Chị Hoa tổng kết: "Cỡ 40% dân mua chịu. Gần dịp Tết chúng em mới lãi khoảng 1 triệu/tháng còn có nhiều tháng trong năm không bán được thứ gì hoặc chỉ toàn bị mua chịu". Chủ tịch xã Bắc Sơn Tạ Hồng Thái cho biết, người nghèo ở đây không chỉ thiếu tiền mà còn thiếu cả nước dùng hằng ngày. Xã có chừng 3.500 hộ, chỉ 300 hộ có điều kiện khoan giếng, số còn lại dùng giếng đào, giếng khơi. Một năm 3-4 tháng mùa khô, ngày nào những hộ này cũng phải xách xô, chậu đi xin nước. Bãi rác của thành phố đặt ngay trên đất Bắc Sơn nên chúng tôi biết nước ngầm chắc cũng bị ảnh hưởng, ô nhiễm, không thể dùng cho sinh hoạt được, nhưng người dân dù biết vẫn đành phải nhắm mắt làm liều.
Theo Trưởng thôn Tiên Chu Tạ Văn Trung: "Giàu ở thôn tôi may ra bằng người nghèo ở thành phố. Thôn có 57 hộ nghèo, đợt xét mới còn 48 hộ, coi như là đạt chỉ tiêu. Trong số đó có 28 hộ rất nghèo, đủ phiếu hạng A luôn. Thôn mở hội nghị bình xét, tổng số 78 hộ được 48 hộ nghèo còn 30 hộ không được bởi lý do phải lấy từ thấp đến cao, hộ nào bị nhiều phiếu gạch là không được dù vẫn nghèo.
Ông Tạ Quang Ninh, cán bộ chuyên trách xóa đói giảm nghèo của Bắc Sơn, phân trần: "Chuẩn nghèo mới quy định cứ được trên 52 điểm là loại ra danh sách điều tra hộ nghèo. Tính điểm bằng cách mỗi thứ trong nhà bán được 1 triệu đồng thì được 1 điểm. Cả làng này trên 300 hộ theo tôi có khi chỉ được 24-28 hộ ở ngưỡng trên 52 điểm vì có lương hưu cao, vì hai vợ chồng đều là giáo viên còn như nhà tôi cũng chỉ cỡ 30 điểm. Hỗ trợ các hộ nghèo cũng khó lắm! Cho tiền thì sợ họ ăn hết. Cho bò thì 30-40% là bán vì mua bò ở vùng đồng bằng mang lên đồi gò hay bị ốm. Lúa vụ vừa rồi mất mùa do bọ rầy, vụ đông hạn hán cũng đành bỏ hóa. Nói thật nếu không có nghề bới rác thì không biết sự thể ra sao. Vừa rồi, chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long, trong 2 năm xã tôi được cấp trên hỗ trợ xây 15 cái nhà cho người nghèo nhưng chẳng thấm vào đâu khi có hàng trăm hộ nhà dột nát, xiêu vẹo".
Nhặt rác là kế sinh nhai duy nhất
Nhặt rác là sinh kế của người dân Bắc Sơn. Mỗi cân túi ni lông giặt sạch, hong khô bán được cỡ 2.000 - 3.000 đồng. Hằng ngày cứ một giờ đêm, hàng trăm dân Bắc Sơn lại vén màn dậy, vác cào, xếp bao tải lên xe rồi đi đến bãi rác, bới kiếm từng chiếc túi ni lông. Tới 7 giờ sáng, bãi rác đóng cửa, mọi người lại trở về nhà phân loại. Chịu khó họ cũng được 60.000 đồng/ngày.
Hiện xã đang có chương trình hỗ trợ lợn, bò và một số khoản cho hộ nghèo ở các xã khó khăn tại huyện Sóc Sơn nên nảy sinh mâu thuẫn giữa hộ cận nghèo và nghèo bởi họ so bì nhà tôi cũng rách như nhà ông mà người được nghèo, người không. Mỗi cuộc bình xét hộ nghèo điều ra tiếng vào không ngớt, thôn xóm lúc nào cũng nóng như chảo lửa.
Chủ tịch xã Bắc Sơn đúc rút: "Nhiều nhà, đời bố nghèo truyền sang đời con, đời con truyền sang đời cháu. Không phải đời sống chúng tôi không tiến lên. Mỗi năm tốc độ phát triển của xã cũng cỡ trên 10%. Đời sống giờ khá hơn trước nhiều chứ. Nhưng chúng tôi làm được một thì ở thành phố làm được tám, được mười nên không bao giờ đuổi được mức thu nhập của người thành thị". 90% dân Bắc Sơn sống bằng nông nghiệp nhưng đất đai lổn nhổn toàn sỏi cơm với đá óc chó. Giao thông là huyết mạch của mọi nền kinh tế thì hệ thống đường liên tỉnh dài 22km chạy trên địa bàn Bắc Sơn đều là cấp phối, toàn ổ trâu, ổ gà, xấu vào hạng nhất nhì Hà Nội.
Đến nhà bà Lê Thị Thanh quá trưa, đập vào mắt chúng tôi là căn nhà thủng lỗ chỗ, vá chằng vá đụp, gia cố bằng đủ thứ chủ nhân nghĩ ra như ba mảnh ni lông, dăm cái lốp xe cũ nhặt từ bãi rác về. Góc sân có một chiếc giường tre, cũ xỉn, mốc thếch. Cạnh đó là cái giếng nước cạn khô. Bà Thanh phân trần: "Nhà tôi có ba sào ruộng. Mùa rồi bọ rầy phá quá, chỉ được hai bì thóc nhiều lửng, lắm lép, khéo độ 60kg. Tôi có hai đứa con đi học, năm nay chưa được vay tiền sinh viên nên phải vay bằng vàng mà vàng càng ngày càng trượt giá, hốt quá. Nhưng được cái các cháu học giỏi lắm!". Bà Thanh nói đến đây đầy vẻ tự hào. Trong phút chốc mọi khó khăn, nợ nần như tan biến trong mắt người đàn bà này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.