(HNM) - Ở nhiều nước tiên tiến, mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) đã hình thành từ rất lâu. Khi có bệnh, mọi người dân đều đi qua hệ thống này, chứ không tự ý chạy lên tuyến trên hoặc tìm bác sĩ chuyên khoa chữa bệnh. TP Hồ Chí Minh được xem là nơi đầu tiên của cả nước manh nha mô hình BSGĐ nhưng đã vấp phải nhiều trở ngại…
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, phụ trách bộ môn Y học gia đình (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết, hiện bộ môn đang trực tiếp đào tạo BSGĐ gồm 2 hệ: hệ đào tạo bài bản gồm 250 sinh viên theo học; hệ định hướng gồm 17 bác sĩ tại các trạm y tế phường, xã của các quận, huyện trên địa bàn. Số bác sĩ này sẽ đủ trình độ về các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, nhiễm trùng, kỹ năng giao tiếp và nắm bắt tâm lý để chăm sóc tinh thần cho người bệnh… để có thể thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe tổng quát, toàn diện và liên tục.
Nếu bác sĩ gia đình phát huy tốt thì bệnh viện sẽ không đến mức quá tải thế này. |
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, ở các nước tiên tiến, mô hình BSGĐ đã ra đời từ lâu. Khi có bệnh, mọi người dân không tự ý chạy lên tuyến trên hoặc tìm bác sĩ chuyên khoa chữa bệnh mà thường qua BSGĐ, nên chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân được nâng lên mà bệnh viện thì không quá tải.
Tuy nhiên, mô hình này ở Việt Nam lại gặp nhiều trở ngại. Cụ thể, hiện nay, muốn đào tạo chuyên ngành BSGĐ phải bảo đảm mỗi trạm y tế phường, xã có 2 bác sĩ trở lên, trong khi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ có chưa tới 10 trạm đáp ứng tiêu chuẩn đó. Hiện tại, lứa sinh viên đầu tiên học chuyên khoa gia đình phải đến 5 năm nữa mới ra trường nên lượng BSGĐ theo đúng chuẩn hiện nay vẫn chưa có. Bên cạnh đó, đa số người dân vẫn chưa hiểu đúng về chức năng và nhiệm vụ của BSGĐ. Đơn cử, nhiều trường hợp khi người dân có bệnh lại gọi cho một bác sĩ nào đó đến khám chữa bệnh và cho là BSGĐ nhưng thực chất không phải như vậy. Bởi BSGĐ phải được đào tạo bài bản riêng cho từng ngành và theo dõi người bệnh liên tục, toàn diện từ khi lọt lòng cho đến khi qua đời, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mặt khác, do mới là đề án nên hiện chưa có một văn bản hay quy định cụ thể nào về định nghĩa căn bản cho chuyên ngành BSGĐ. Các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như các chế độ ưu đãi cho lượng bác sĩ này cũng chưa có. "Tất cả điều đó khiến cho các bệnh viện tuyến trên bị quá tải và bệnh nhân không được khám chữa bệnh đúng cách và kỹ lưỡng!" - GS.TS Đặng Vạn Phước, chuyên khoa y học gia đình (ĐH Y dược TP) nhận định.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, hiện sở đang phối hợp với ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch xây dựng và phát triển "Đề án BSGĐ" và trình Bộ Y tế xem xét trong thời gian tới. "Đề án mang lại nhiều tín hiệu khả thi cho ngành y tế, bởi nếu được áp dụng, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân sẽ tốt hơn, đồng thời giảm tải cho bệnh viện. Hiện TP có chính sách điều chuyển bác sĩ có kinh nghiệm ở các bệnh viện trung tâm kết hợp cùng với lượng BSGĐ được đào tạo để về công tác tại các tuyến y tế cơ sở. Nếu liên kết 3 mô hình: Tuyến y tế cơ sở - BSGĐ - hệ thống y tế công cộng, thì mạng lưới y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu chắc chắn sẽ được triển khai tốt", ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói.
GS.TS Đặng Vạn Phước, chuyên khoa y học gia đình (ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay tại trường ĐH Y dược TP cũng có trung tâm đào tạo BSGĐ, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho y học gia đình các tỉnh phía Nam. Hoạt động BSGĐ sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các BS chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, cho cơ quan bảo hiểm y tế.
Trong đề án giảm quá tải bệnh viện đến năm 2020, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã xác định việc triển khai thí điểm mô hình BSGĐ là một trong 5 giải pháp trọng tâm. Đề án được chia làm 3 giai đoạn, từ nay đến năm 2025. Theo đó, dự kiến trong giai đoạn 1 (năm 2012), TP sẽ triển khai thí điểm mô hình này ở 6 quận, huyện gồm: Quận 5, 8, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và huyện Hóc Môn. Bước đầu sẽ phát triển mô hình tại 2 trạm y tế trên địa bàn quận Tân Phú. Giai đoạn 2 (2013-2016), phát triển lên thành 10 đến 12 trạm và trong giai đoạn 3 sẽ phủ sóng các trạm y tế trên địa bàn TP. Trước mắt, đề án trên được TP đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm được 70-75% tình trạng quá tải ở bệnh viện.
Tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng "Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trước mắt Bộ Y tế sẽ thực hiện thí điểm hệ thống BSGĐ tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số TP lớn khác. Mô hình này sẽ được lồng ghép với mạng lưới cơ sở y tế sẵn có để quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cá nhân, gia đình. Bộ Y tế cũng sẽ có những quy định về chế độ, chức năng, vị trí của BSGĐ và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút người theo học và làm việc ở chuyên ngành BSGĐ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.