Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bác sĩ chỉ cách phòng sốc nhiệt khi nắng như ''chảo lửa''

Thu Trang| 03/06/2020 05:22

(HNMO) - Những ngày qua, thời tiết tại Hà Nội tiếp tục nắng nóng gay gắt. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề do nóng như: Cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng..., trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt. Do đó, mọi người cần biết cách tự phòng tránh sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng.

Chăm sóc cho bệnh nhân sốc nhiệt tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Hai thể sốc nhiệt cần tránh

Trong những ngày, Hà Nội nắng nóng như "chảo lửa", những đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh lý mạn tính về tim mạch, gan, ung thư; những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường...

Bác sĩ Phạm Đăng Hải, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và kèm theo rối loạn chức năng thần kinh, như: Rối loạn ý thức, hôn mê, co giật. Sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm, gồm: Sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức. Hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng biểu hiện lâm sàng giống nhau.

"Cụ thể, sốc nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hay các rối loạn nội tiết. Những trường hợp này thường tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Thể còn lại là sốc nhiệt do gắng sức hay gặp ở những người trẻ, khỏe mạnh. Những trường hợp này thường phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao, đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức", bác sĩ Phạm Đăng Hải lý giải.

Cũng theo bác sĩ Phạm Đăng Hải, sốc nhiệt có thể gây biến chứng cho tất cả các cơ quan như: Nhịp tim nhanh, thủng cơ tim, phù phổi, suy thận cấp, suy gan, rối loạn đông máu, liệt nửa người, hôn mê, mất trí nhớ...

Sơ cứu đúng cách khi sốc nhiệt

Bác sĩ Phạm Đăng Hải cho rằng, khi phát hiện một người có các dấu hiệu và triệu chứng như: Mệt, đau đầu, đỏ mặt, nôn, khó thở, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp..., ngay lập tức đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm, đồng thời hạ thân nhiệt bằng mọi cách có thể. Thậm chí, vừa vận chuyển người bệnh đến bệnh viện, vừa hạ thân nhiệt cho họ. Việc phát hiện và sơ cứu sốc nhiệt là cực kỳ quan trọng vì thân nhiệt cao kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục.

Để phòng, chống sốc nhiệt, bác sĩ Phạm Đăng Hải khuyến cáo, mỗi người cần uống đủ nước, các loại nước chứa muối. Hạn chế ra ngoài trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, nhất là những người cao tuổi, có các bệnh lý nguy cơ. Ở người khỏe mạnh nên giảm bớt vận động thể lực vào lúc thời tiết quá nóng. Còn ở người cao tuổi và có các bệnh lý nguy cơ thì không được tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng.

Theo bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa trung ương, trong những ngày nắng nóng, quan trọng nhất là tránh để người già bị sốc nhiệt. Vào những ngày này, người già có bệnh mạn tính cần tránh ra ngoài nắng. Ngoài ra, người nhà cần nhắc nhở họ duy trì việc uống thuốc đều đặn, đúng giờ để tránh "bệnh chồng bệnh". Mặt khác, trời nóng thường khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, mất khoáng, vì vậy, người già cần được bổ sung đủ nước thường xuyên, thậm chí cả lúc không khát. Nếu nhiệt độ ngoài trời từ 35 độ C trở lên, cần điều chỉnh nhiệt độ điều hòa khoảng 26-27 độ C là phù hợp, không nên để nhiệt độ trong nhà quá thấp và quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài.

Để phòng nắng nóng, sốc nhiệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo người dân:

Hạn chế đi ra ngoài đường, trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính chống nóng.

Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, có thể uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol. Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.

Đặc biệt, thời điểm 12-16h là nhiệt độ cao nhất trong ngày, do vậy, không lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này. Vì cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ chỉ cách phòng sốc nhiệt khi nắng như ''chảo lửa''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.