60 năm đã trôi qua và một mùa xuân năm Đinh Hợi đã đến. Mùa xuân Đinh Hợi này nhân dân ta đang sống trong hòa bình, ấm no, phấn chấn và đổi mới. Nhưng hình ảnh mùa xuân Đinh Hợi 60 năm trước đây vẫn chưa phai: một cái Tết khó khăn gian khổ nhưng hừng hực khí thế chiến đấu của những ngày đầu kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.
Ảnh: Nguyệt Ánh
Những ngày đầu xuân năm 1947, cuộc kháng chiến toàn quốc của ta mới diễn ra được hơn 10 ngày. Chưa đủ thời gian để khắc phục hậu quả của chiến tranh và nạn đói khủng khiếp năm 1945, nhân dân còn nghèo, bộ đội còn thiếu thốn, nhất là vũ khí nhưng cả nước sục sôi ý chí bất khuất và nhiệt tình cách mạng, lạc quan tin tưởng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ. Quân đội bám trụ chiến trường. Các tầng lớp nhân dân vui vẻ vâng lệnh Chính phủ tản cư về nông thôn, sẵn sàng chia sẻ gian khổ vì nghĩa lớn: Độc lập của Tổ quốc và tự do cho nhân dân. Bác Hồ cũng vất vả trên chặng đường di chuyển dần cơ quan từ Vạn Phúc Hà Đông (Người ở từ tối 13-12 đến 18 giờ 40 phút ngày 19-12-1946) qua Xuyên Dương, huyện Thanh Oai, Hà Đông (Người ở từ 20 tháng 12 năm 1946 đến hết ngày 13 tháng 1 năm 1947). Khoảng nửa đêm ngày 13 tháng 1 năm 1947, Người tới xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Sơn Tây (nay thuộc Hà Tây). Vậy là từ 22 tháng Chạp năm Bính Tuất, Người đã ở Phú Đa từ đó đến 18 giờ 30 chiều ngày 2 tháng 2 năm 1947 (tức 12 tháng 1 năm Đinh Hợi).
Ngày 1 tháng 1 năm 1947, Người viết Lời kêu gọi đầu năm mới (1947) gửi toàn thể đồng bào Nam, Trung, Bắc, chúc một năm mới đoàn kết, “một năm mới kiên quyết kháng chiến, một năm mới thắng lợi”. Người kêu gọi “Năm mới chúng ta phải đem lực lượng mới, quyết tâm mới để giành lấy thắng lợi mới, để xây dựng một đời sống mới, một nước non mới”.
Dù bận nhiều việc, Người không quên các chiến sĩ dân quân tự vệ Trung Nam Bắc nhân ngày Tết đã gửi thư chúc Người. Bức điện của Người gửi các chiến sĩ tràn đầy tình cảm: “Tôi vừa nhận được lời chúc tụng của bộ đội và dân quân trong dịp lễ Nguyên đán, tôi rất cảm động. Tôi nghiêng mình trước sự hy vọng lớn lao của các chiến sĩ vệ quốc quân và tự vệ đã tử trận ở khắp các mặt trận trong năm vừa qua, tôi rất lấy làm cảm kích nhận thấy toàn thể bộ đội và dân quân cùng một chí cương quyết kháng chiến, cùng một lòng sinh thành đoàn kết và thực hiện quân dân nhất trí”.
Một trong những hoạt động nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày đầu xuân 1947 và Đinh Hợi là Người viết khá nhiều thư gửi bạn bè quốc tế. Tiêu biểu cho ý chí yêu chuộng hòa bình. Không muốn chiến tranh của nhân dân ta.
Trong thư ngày 1 tháng 1 năm 1947 gửi Chính phủ và nhân dân Pháp, người chúc “một năm mới tốt đẹp” và viết:
“Mong quốc dân Pháp hiểu rằng chúng tôi không thù hằn gì dân tộc Pháp. Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu, chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ quốc chúng tôi, đưa chúng tôi vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Pháp và Việt. Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hợp tác thân ái”.
Cùng ngày 1 tháng 1 năm 1947, Người viết bức thư thứ ba gửi ông Lơcơlec. Rất tình cảm. Người viết:
“Ngài là một đại quân nhân và một nhà đại ái quốc. Ngài đã chiến thắng và chiến thắng anh dũng kẻ xâm lăng nước ngài. Đó là một điều mà thiên hạ - trước hết là người Việt Nam - rất khâm phục”.
Nhưng cũng rất đanh thép:
“Một nhà ái quốc trọng những người ái quốc nước khác. Một người yêu quê hương mình, trọng quê hương của kẻ khác. Tôi chắc rằng đó cũng là ý kiến của Ngài.
“Ngài muốn nước Pháp độc lập và thống nhất. Chúng tôi cũng muốn nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngài và chúng tôi cùng một chí hướng.
“Lừng danh với những chiến công, ngài lại đi đánh một dân tộc chỉ muốn độc lập, thống nhất quốc gia, và một nước chỉ muốn hợp tác như anh em với nước ngài sao?
“Phải chăng đó là một công việc bạc bẽo đau đớn?”...
“Thưa Đại tướng, thân hữu, tôi nói với ngài với một tấm lòng thành thực và đau đớn. Đau đớn vì cùng thấy bao nhiêu chiến sĩ thanh niên Pháp và Việt đang tàn sát lẫn nhau. Những thanh niên hy vọng của hai nước chúng ta đáng lẽ phải sống cùng nhau như anh em.
“Trân trọng chúc mừng ngài trong dịp đầu năm”.
Ngày 2 tháng 1 năm 1947, ông Bộ trưởng Bộ thuộc địa pháp Mariuyt Mutê đến Hà Nội. Không bỏ qua cơ hội thuyết phục đối phương, Người trả lời các nhà báo nhằm bày tỏ lập trường của nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình. Trả lời câu hỏi: Thưa Chủ tịch, Bộ trưởng Mutê sẽ ra gặp Chủ tịch không? Người trả lời: “Xin anh em hỏi Bộ trưởng Mutê thì rõ hơn. Dù sao, tôi với Bộ trưởng là bạn cũ. Tôi sẽ rất hoan nghênh gặp người bạn tôi!”.
Ngày 3 tháng 1 năm 1947, Người gửi thư cho ông Mutê, có đoạn:
“Tôi lấy làm vui mừng được biết ngài tới Hà Nội. Xin có lời chào mừng ngài vì ngài vừa là bạn cũ, vừa là đại diện cho nước Pháp mới, vừa là sứ giả của hòa bình.
“Tôi rất mong và rất sung sướng được hội kiến với ngài lâu một chút để tỏ rõ ý muốn thành thực hòa bình và cộng tác của chúng tôi và để chuyển đệ với ngài những đề nghị của chúng tôi về việc lập lại sự giao hảo giữa hai nước chúng ta”.
Thật đáng tiếc là ông Mutê đã không đáp lại nguyện vọng chân thành đó, nên 7 ngày sau đó trong Lời kêu gọi gửi nhân dân Pháp, Người đã nói rõ sự thật:
“Ông Bộ trưởng Mutê đã đến điều tra. Tiếc thay ông đã chẳng muốn gặp tôi. Vì thế ông đã trở về với một nhận định sai lầm về tình hình Việt Nam”.
Gần đến Tết Âm lịch, Người ra Lời Kêu gọi nhân ngày Tết Nguyên Đán năm 1974. Người nói với dân rằng: “Chiến sĩ ở tiền phương đang chịu đói chịu rét, xông pha bom đạn, đem xương máu để giữ gìn Tổ quốc, để bảo vệ cho đồng bào hậu phương được an toàn.
“Đồng bào các chiến khu thì nhà tan của mất, lưu lạc, tản cư, ăn đói mặc rét, cực khổ điêu linh.
‘Trước tình trạng đó, đồng bào nơi khác có nỡ lòng ăn Tết linh đình không?
“Chắc là không!”.
Tin tưởng ở ngày mai, người kết luận: “Bao giờ kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, chúng ta sẽ cùng nhau ăn Tết linh đình”.
Ngày 29 tháng Chạp (tức 20 tháng 1 năm 1947) Người đi họp Hội đồng Chính phủ. Người đến địa điểm và chờ từ 18 giờ đến 23 giờ. Do trời mưa, đường trơn và nhiều đoạn bị phá để cảnbước tiến của địch nên một số thành viên Hội đồng Chính phủ xe bị sa lầy không đến kịp. Phải hoãn cuộc họp - 23 giờ Người lên xe trở về Cần Kiệm.
Tối 30 tháng Chạp (21-1-1947) Người đi họp Hội đồng Chính phủ ở Phủ Quốc Oai. Trời vẫn mưa và đường trơn, xe trượt bánh xuống ruộng. Anh em cùng đi phải vào xóm gần đấy nhờ người ra khênh xe. 21 giờ xe mới tới được địa điểm. Sau lời chúc mừng Năm mới, Người nhắc nhở ba công việc chính là tổ chức tốt việc tản cư, di cư, công tác động viên nhân dân, đẩy mạnh tăng gia sản xuất. 22 giờ 30 Người lên xe đến Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đặt tại Chùa Trầm (nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Tây). Mưa nặng hạt hơn, đường lầy lội, nhiều lúc xe không đi nổi phải xuống đẩy. Gần đến giờ giao thừa, xe mới tới nơi. Người vào ngay buồng máy đọc bài thơ Chúc Tết gửi đồng bào cả nước.
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
Đọc xong, Người thân mật nói chuyện với anh chị em cán bộ nhân viên. Đài phát thanh, cảm ơn sư cụ chủ trì chùa Trầm, chúc nhà chùa sang năm mới làm cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công.
Quá giờ giao thừa Người mới ra xe trở về thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm.
Ngày mồng 1 Tết Đinh Hợi, Người dậy sớm và làm việc như thường lệ.
Người viết mấy chữ Hán “cung hỉ tân xuân” trên tờ giấy điều đề chúc Tết gia đình cụ chủ nhà. Người phân công từng người trong cơ quan đi chúc Tết các nhà lân cận. Người không đích thân đi để giữ bí mật.
21 giờ tối mồng 1 Tết, Người tiếp các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh đến chúc Tết. Tiếp đó Người họp bàn công việc với các vị cho đến 1 giờ sáng ngày mồng 2 Tết.
Bác Hồ đã làm việc và “ăn” Tết Đinh Hợi, đón xuân năm 1947 như thế. Người đồng cam cộng khổ với nhân dân những lúc khó khăn, Người đã dồn tâm sức, tranh thủ hết thời gian cho sự nghiệp độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Sáu mươi năm qua ôn lại chuyện cũ để chúng ta mãi mãi ghi sâu công ơn của Người.
Nguyễn Huy Hoan
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.