(HNM) - Từ ngày 2 đến 30-4, Canada mở cuộc tập trận lớn tại Bắc cực mang tên
Cuộc tập trận thường niên của Canada tại Bắc cực. |
Cuộc tập trận không chỉ làm nóng bầu không khí lạnh giá tại Bắc Băng Dương mà còn góp phần khẳng định ý kiến của nhiều chuyên gia rằng thế kỷ XXI là "thế kỷ đại dương". Chưa khi nào những tuyên bố chủ quyền biển, đảo ở nhiều nơi trên thế giới diễn ra căng thẳng như hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc quân đội Canada mở cuộc tập trận "Nunalivut 2013" cũng là thông điệp rõ ràng để khẳng định chủ quyền tại vùng biển được xem là đầy tiềm năng của thế giới.
Từ lâu nay, Canada đã xác định Bắc cực là một mục tiêu quân sự mang tính chiến lược và đang lên kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại đảo Cornwallis thuộc Bắc Băng Dương. Nhiều thập niên qua, Canada đã liên tục đẩy mạnh hoạt động quân sự tại đây. Đầu tháng 2-2012, Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 1 của Canada tiến hành cuộc tập trận "Arctic Ram" tại khu vực băng tuyết Yellowknife, phía bắc nước này. Việc đẩy mạnh trang bị khí tài cho các lực lượng phụ trách hoạt động tại đây cũng không nằm ngoài mục tiêu tăng khả năng ứng phó có thể xảy ra ở vùng biển lạnh giá. Năm 2012, Canada đã ký hợp đồng trang bị 8 tàu tuần tra trị giá gần 3 tỷ USD để hoạt động xa bờ và ở Bắc cực. Ottawa còn chi khoảng 700 triệu USD để đóng tàu phá băng CCGS John G.Diefenbaker. Đây là tàu phá băng lớn nhất từ trước đến nay mà Canada sở hữu, có thể mang theo 2 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Sikorsky CH-148 Cyclone tích hợp ngư lôi, bom và súng máy. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay không giấu giếm tham vọng khi khẳng định rằng, những kế hoạch đầu tư trên nằm trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Canada đối với khu vực tiềm ẩn nhiều nguồn năng lượng này.
Sự quan tâm của Ottawa cũng đã khiến vùng biển tưởng như nghèo nàn vì quanh năm buốt giá này tăng nhiệt. Không chỉ Canada, Mỹ, Na Uy, Đan Mạch và Nga cũng là những quốc gia tuyên bố chủ quyền với Bắc cực. Nhiều động thái quân sự và dân sự tại vùng biển này đã khiến nảy sinh những nhận định về một "cuộc chiến ngầm" giữa các quốc gia tại đây. Theo tờ Ouest France, các nhà khoa học Nga ước tính khu vực lạnh giá này chiếm 25% nguồn tài nguyên "chưa được phát hiện" toàn cầu. Còn báo cáo từ Viện Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cho thấy 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt chưa được thăm dò trên thế giới đang "ngủ yên" dưới các lớp băng. Đó là chưa tính đến các mỏ uranium, đất hiếm, vàng, sắt, bạc… Riêng Greenland đã chiếm 10% nguồn dự trữ nước ngọt của Trái đất. Băng tan nhanh cũng sẽ mở ra những tuyến giao thông hàng hải mới quanh Bắc cực vào mùa hè. Từ Châu Âu sang Châu Á, các công ty vận chuyển hàng hải có thể rút ngắn được 6.000 đến 8.000km và khoảng hai tuần cho các chuyến hải trình.
Vì thế, một Bắc cực cất giữ nhiều tài nguyên đã trở nên có sức nặng giữa lúc nguồn năng lượng đang là bài toán hóc búa cho nhiều quốc gia. Điều này cũng là nguyên nhân khiến cho cuộc chạy đua nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Bắc cực giữa một số cường quốc ngày càng ráo riết hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.