Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 28-3, vùng áp thấp nóng phía Tây đang có xu hướng phát triển và mở rộng về phía Đông Nam.
Do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp phía Tây nên ngày 28 và ngày 29-3, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ và vùng núi phía Tây các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất từ 35-37 độ C.
Từ ngày 30-3, nắng nóng mở rộng ra toàn bộ khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Các tỉnh, thành phố phía Đông Bắc Bộ có nắng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 35-36 độ C.
Tại Thủ đô Hà Nội, trong các ngày 31-3 và 1-4 có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 35-36 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-16 giờ.
Cảnh báo đợt nắng nóng này ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 2-4. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng, chống các tác hại của nắng nóng, người dân không nên làm việc quá lâu, đi lại hoặc chơi thể thao trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức.
Sau mỗi một giờ làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong hầm lò, nhà máy, người lao động nên nghỉ giải lao khoảng 15 phút; luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, đi lại, làm việc ngoài trời nắng như: Quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính... (nên dùng áo cotton dài tay giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể được mát mẻ và nên mặc quần áo sáng màu để cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất).
Người dân cần mang theo đủ nước uống trước khi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng để bù nước kịp thời. Với trẻ em và người cao tuổi, trong những ngày nắng nóng cần hạn chế đến mức tối đa ra nắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.