(HNM) - Nhiều khiếm khuyết của giới báo chí đã được đề cập thẳng thắn tại Hội nghị Báo chí toàn quốc đánh giá công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ năm 2011 vừa diễn ra tại Hà Nội. Thực tế cho thấy, hiện nay, báo chí đang đứng trước những thách thức lớn về cả nội dung, hình thức và tài chính.
Những cảnh báo về mặt trái
Tính đến tháng 3-2011, trong lĩnh vực báo in, cả nước có 745 cơ quan báo chí với 1.003 ấn phẩm. Phát thanh, truyền hình có 3 đài TƯ (VTV, VTC, VOV) và các đài phát thanh - truyền hình địa phương với 200 kênh chương trình trong nước và 67 kênh nước ngoài (đang được phát trên hệ thống truyền hình trả tiền). Cả nước có 46 báo điện tử và tạp chí điện tử, 287 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và doanh nghiệp. Cũng tính đến tháng 3-2011, cả nước có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.
Sự nở rộ của các trang báo điện tử trong những năm qua đã đem lại sự đa dạng cho báo chí và nhiều tiện ích cho người đọc. Nhưng, xu hướng thông tin dễ dãi và quá chú trọng câu khách bằng nội dung giật gân của nhiều trang điện tử đã tạo nên ảnh hưởng xấu. Trung tướng Hữu Ước, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân cho rằng: "Do ý thức chủ quan, phóng viên trẻ, khi đưa tin về những sai phạm của cán bộ, chiến sĩ ngành công an hay bình luận một chiều, lên án thái quá, thậm chí quy chụp. Trong nhiều tình huống, thông tin như vậy dễ gây kích động, thậm chí nguy hại đến an ninh quốc gia". Đề cập đến vai trò của báo chí trong đấu tranh chống diễn biến hòa bình, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh: "Đây là cuộc chiến thực sự, diễn ra hằng ngày, hằng giờ mà báo chí phải đối mặt và có ứng xử thích đáng. Nhiều khi chúng ta còn coi thường việc này, cho rằng đây là sự cường điệu hóa".
Báo điện tử và truyền hình, với ưu thế đã được khẳng định, đã tạo sức ép rất lớn đối với báo in về thông tin và thị phần quảng cáo. "Giá cả tăng cao và báo điện tử, truyền hình mở rộng, đưa tin sự kiện gần như ngay lập tức khiến báo in không chỉ đau đầu về bài toán kinh tế mà còn rất khó khăn vì câu hỏi ngày mai mình ra cái gì, phải viết như thế nào để không bị lạc hậu" - một lãnh đạo cơ quan báo in chia sẻ. Để bảo đảm sức hấp dẫn cũng như số lượng in, các lãnh đạo cơ quan báo in thống nhất quan điểm phải không ngừng bám sát cuộc sống, gắn bó mật thiết với đời sống dân sinh và đặc biệt là tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích. Với một số cơ quan báo, quan điểm này được đúc rút từ thực tế khó khăn của năm 2009, 2010 và đầu năm 2011. Có cách vận hành tốt, một số tờ báo không những không giảm số lượng in mà còn tăng, nhưng đấy chỉ là số ít.
Sức ép tài chính nặng nề
Nhìn chung, báo giới Việt Nam vẫn đang vất vả đối phó với khó khăn gay gắt về kinh tế bởi ngoài việc phải san sẻ quảng cáo với loại hình khác thì chi phí sản xuất, đặc biệt là công in, giá giấy in đều tăng, nhưng giá báo thì rất khó để tăng. Ông Trần Thế Tuyển, Tổng biên tập Báo Sài gòn Giải phóng cho biết: "Để có sản phẩm đến tay bạn đọc, chúng tôi chi phí in mất trên 3.000 đồng/tờ, nhưng nguồn thu từ bán báo chỉ được khoảng 1.900 đồng/tờ". Trong khi đó, Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh bộc bạch: "Chúng tôi viết bài kêu gọi người dân không tăng giá bán hàng để giúp kiềm chế lạm phát, chả lẽ mình lại tăng giá báo. Rất khó cho báo chí chúng tôi trong thời điểm hiện nay".
Với báo chí nói chung, bài toán tài chính luôn có ý nghĩa sống còn, là yếu tố quan trọng để duy trì chất lượng. Mặc dù vậy, hiện nay, về mặt thuế thu nhập doanh nghiệp, báo chí vẫn phải nộp với mức tương tự như doanh nghiệp tư nhân. Chưa kể, trong khi giấy in sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, giấy in báo nhập khẩu từ tháng 2-2009 đã bị tăng thuế từ 20% lên 29%, có nghĩa là về mặt kinh tế, báo chí chưa được hưởng sự ưu tiên. Đây là lý do khiến nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, hội nhà báo TƯ và các địa phương đề nghị giảm thuế thu nhập và giảm thuế suất nhập khẩu giấy in báo, nhưng chưa có quyết định về vấn đề này.
Tại hội nghị, trước đề nghị này của báo giới, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên BCT, Thường trực Ban Bí thư đã bày tỏ sự đồng tình và khẳng định đề nghị trên là chính đáng. Đồng chí cũng nhấn mạnh rằng "không thể đánh đồng lĩnh vực tư tưởng, chính trị với kinh doanh đơn thuần được". Đây thực sự là hy vọng của báo giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.