(HNM) - Ngày 10-6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND huyện Ứng Hòa về các hoạt động văn hóa, GD-ĐT, công nghệ thông tin…
Theo báo cáo của lãnh đạo huyện, khó khăn nhất hiện nay là cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở bậc học mầm non (MN). Toàn huyện có 30 trường MN, nhưng chỉ có một trường đạt chuẩn. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới 2010-2011 là thực hiện đề án Phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, song tỷ lệ giáo viên MN đạt chuẩn toàn huyện mới ở mức gần 89% (thấp hơn so với mức trung bình của TP là 96%). Theo đề nghị của lãnh đạo Sở GD-ĐT, huyện cần sớm có chính sách, tạo điều kiện cho giáo viên MN được bồi dưỡng, nâng cao trình độ, như vậy mới đảm nhiệm được nhiệm vụ huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp như chủ trương của Bộ GD-ĐT. Còn ở cấp THPT thì chất lượng "đầu vào" thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, số HS đỗ ĐH hằng năm ít. Vì vậy, việc lãnh đạo huyện đề xuất xây dựng một trường TCCN trên địa bàn được các sở, ngành đánh giá là cần thiết. Năm 2010, để thực hiện kiên cố hóa trường lớp, huyện đã huy động gần 70 tỷ đồng (trong đó ngân sách TP là 40,6 tỷ đồng) nhưng mới đủ để xóa hơn 400 phòng học tạm, chưa thể đầu tư chiều sâu để xây dựng thêm số trường đạt chuẩn.
Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận những nỗ lực của chính quyền huyện Ứng Hòa thời gian qua, đồng thời khẳng định lãnh đạo TP luôn ưu tiên quan tâm đầu tư cho Ứng Hòa. Ngoài yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch ngân sách, phát huy giá trị truyền thống văn hóa, đẩy mạnh CNTT, tuyên truyền và hưởng ứng các hoạt động hướng tới Đại lễ, Phó Chủ tịch đề nghị lãnh đạo huyện cần quan tâm dành quỹ đất cho GD-ĐT. 3 vấn đề cần được đầu tư đồng bộ gồm: cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ và đổi mới phương pháp dạy học. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch, việc đầu tư cho các trường học phải theo hướng đồng bộ và kiên cố, tránh đầu tư dàn trải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.