(HNM) - Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Thực tế từ nhiều năm nay, các trụ cột an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ quan điểm phát triển kinh tế gắn liền với sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Nổi bật là những chủ trương mang tính định hướng lớn được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành, như: Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp… Đặc biệt, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội then chốt. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV cũng đã thông qua Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025…
Hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã dành nguồn lực đáng kể để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Trong đó, hệ thống an sinh ngày càng được hoàn thiện và đã trở thành một trong những trụ cột hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Cấu trúc đó bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro và các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Các chính sách khi triển khai thực hiện đều cho thấy rõ tính ưu việt, từng bước nâng cao đời sống cho người dân. Các dịch vụ xã hội cơ bản, như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch… cũng được quan tâm, củng cố vững chắc qua từng năm. Đặc biệt, càng trong khó khăn như bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chính sách an sinh xã hội càng phát huy hiệu quả và thể hiện rõ hơn hết tính nhân văn, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Phát biểu ở phiên thảo luận tổ về việc thực hiện chính sách, chế độ, quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vào chiều 22-10 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội phải dựa trên ba trụ cột, ba thành tố chính: Thứ nhất, giảm thiểu rủi ro thông qua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thứ hai, khắc phục rủi ro thông qua bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách người có công. Thứ ba, phòng ngừa rủi ro trên cơ sở việc làm bền vững, năng suất cao, phục hồi và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các trụ cột an sinh được người đứng đầu Chính phủ nêu, trong thực tế có mối quan hệ tương hỗ và đều hướng đến việc bảo đảm một cuộc sống tốt nhất cho người dân. Với thực tế có tới gần 70% lực lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và nông nghiệp, dịch Covid-19 đã khiến hơn 28 triệu người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, thì các chính sách an sinh xã hội càng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tục giữ ổn định đời sống nhân dân.
Trước những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, công tác mở rộng và bảo đảm an sinh xã hội phải đồng thời gắn với phát triển việc làm, thu nhập thỏa đáng, nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn cho người lao động. Trong đó, “giải pháp gốc” là tập trung nâng cao trình độ người lao động ở hai khu vực: Lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động và lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân. Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành, lĩnh vực có năng suất thấp sang lĩnh vực lao động có năng suất cao; tăng năng suất lao động bằng cách đầu tư công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề và quản trị doanh nghiệp…
Một giải pháp căn cơ khác là thực hiện hiệu quả bảo hiểm y tế toàn dân cùng với việc quản lý chặt chẽ nguồn quỹ này; đồng thời thực hiện cho được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TƯ là bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân và bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi người tham gia. Làm sao để bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thực sự trở thành những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội.
Cũng có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội là việc thực hiện giảm nghèo phải đa chiều và thực sự bền vững. Phải tiếp cận theo tư duy là chuyển người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể và quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, nhóm hộ, coi đây là “đòn bẩy” cho công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu tăng dần gắn với mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và nâng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Bảo đảm thực hiện tốt các trụ cột an sinh xã hội chính là giải pháp căn cơ nâng cao đời sống, giảm rủi ro trước thiên tai, dịch bệnh cho người dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng cho trước mắt cũng như lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.