Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bà tiên” của những trẻ tật nguyền

Mai Lệ Huyền| 28/06/2010 06:44

(HNM) - Dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi đến thăm lớp học "tình thương" của cụ Hồ Hương Nam. Lớp học là một gian phòng rộng chừng 12m2, sạch sẽ, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, bàn ghế... đặt trong khuôn viên Trường THCS An Dương.

Thấy tôi đến, cụ Nam ra đón và ngay lập tức có một tiếng hô ngọng nghịu: "Tất cả đứng dậy". Tôi thật bất ngờ. Khi có khách đến thăm, các trò của cụ Nam - những trẻ bị khuyết tật - đều đứng dậy chào rất lễ phép như học sinh bình thường ở các trường phổ thông. Riêng hai cháu ngồi trên xe lăn thì giơ tay lên trán chào theo kiểu quân sự làm tôi hết sức cảm động. Tôi chào lại các cháu, lúc đó các cháu mới ngồi xuống.

Cụ Nam bộc bạch: "Trò của tôi là thế đấy, bất kỳ ai đến thăm đều đứng dậy chào. Ban đầu thì hơi khó, nhưng nay các cháu quen dần". Bây giờ tôi mới có dịp quan sát, lớp học hôm nay thiếu hai cháu vì ốm mệt, phụ huynh xin cho cháu nghỉ ở nhà. Còn lại 8 cháu, mỗi cháu một vẻ. Cháu Đỗ Kim Thúy gần 20 tuổi, bị liệt nửa người, nói chưa tròn tiếng. Cháu Nguyễn Thị Linh mắc bệnh tự kỷ, rất xinh gái nhưng chẳng nói năng gì. Có cháu thì mắc bệnh đao, cháu bị di chứng chất độc da cam. Cháu Hà còi cọc, hơn mười tuổi nhưng chỉ bé bằng đứa lên 5, lên 6 tuổi. Cháu Nguyễn Anh Tuấn nhà ở tận phường Bách Khoa, 25 tuổi, người to cao, da dẻ trắng trẻo nhưng thiểu năng trí tuệ, hỏi bao tuổi thì cười: "Tám tuổi" làm cả lớp cười ồ lên. Nói chung, hễ ai bước vào thăm lớp học tình thương đều cảm động.

Cụ Nam nói tiếp: "Suốt hơn mười năm qua, tôi thiết tha, gắn bó với các học trò như con, cháu của mình, các cháu quý tôi lắm, một câu bà, hai câu bà và xưng con. Cứ mỗi ngày đến lớp nhìn các cháu ngồi cặm cụi viết, làm toán, ê a đánh vần là tôi thấy mình khỏe ra. Các cháu đến đây thân thương và quý nhau lắm. Tôi rất vui khi cuối đời mình còn làm được việc hữu ích, phục hồi chức năng trí tuệ cho các cháu, để các cháu biết đọc, biết viết, xem ti-vi, viết thư cho người thân nơi xa...".

Cụ Hồ Hương Nam sinh năm 1933, quê ở Huế, là học sinh miền Nam ra Bắc tập kết. Được vào lớp đào tạo sư phạm cấp tốc, năm 1955, cô nữ sinh Đồng Khánh thuở trước trở thành cô giáo và xung phong vào tận huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình dạy học. Năm 1957, cô giáo Nam được điều ra Hà Nội, về dạy ở Trường cấp II An Dương, phường Yên Phụ cho đến ngày nghỉ hưu. Gần 30 năm đứng trên bục giảng, đào tạo bao lớp học trò thân yêu, cô giáo Nam được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" về thành tích dạy học tốt, đóng góp nhiều sáng kiến hay về dạy và học.

Về "cơn cớ" của công việc không hề nhẹ nhàng hôm nay, cụ Nam kể: "Từ khi được nghỉ hưu, bản tính mô phạm của một nhà giáo khiến tôi vẫn đau đáu một lòng yêu trẻ. Với những gì còn lại, tôi tự nhủ hãy cố gắng hết mình cho sự nghiệp giáo dục, vào Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức, Hội Phụ nữ, Hội CTĐ, cố gắng tìm ra những việc làm hữu ích nhất cho "sự nghiệp trồng người". Một hôm tôi ra thắp hương ở đài tưởng niệm các nạn nhân bị trận bom B52 Mỹ sát hại đêm 21-12-1972, ở khu tập thể lao động An Dương, tôi gặp một bà mẹ cõng trên lưng đứa cháu liệt nửa người. Qua tâm sự, tôi biết gia đình cháu có mấy người bị chết vì bom B52, hoàn cảnh khó khăn, cháu bị bệnh nhưng không có tiền chữa trị nay thành tật, không thể đến trường. Về nhà, tôi suy nghĩ: Mình tuy nghèo, mỗi tháng vài trăm nghìn lương hưu, phải làm gì để giúp những con người tật nguyền, để họ được hòa nhập với cộng đồng, coi đây cũng là làm việc thiện. Tôi nghĩ ra việc mở một lớp học tình thương, cái đó nằm trong tầm tay vì bản thân từng là nhà giáo. Ban đầu, tôi liên hệ với các tổ chức quần chúng như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Ban Thương binh và xã hội phường... để xem có bao nhiêu cháu tật nguyền trong phường. Rồi lên danh sách và tới từng nhà vận động gia đình cho các cháu đến học tại nhà mình. Quả là khó khăn, bởi cha mẹ các cháu chưa tin tưởng, có người còn cho tôi là "hâm", già rồi hóa lẩm cẩm. Bỏ mặc những lời dị nghị, khuyên can, tôi tìm mọi cách thuyết phục và bảo đảm với các gia đình: "Sau 1 tháng không kết quả thì xin trả cháu về". Thế là từ đấy tôi có việc làm, nhận một số cháu tật nguyền đến nhà dạy chữ, dạy nói…

Kiên trì, tâm sáng, ban đầu cụ Nam đã thu hút được 3 đến 5 cháu tới học. "Hữu xạ tự nhiên hương", lớp học đông dần, nhà chật hẹp, chẳng còn chỗ dạy các cháu, cụ Nam đi cầu cứu các cơ quan, tổ chức, xin dành cho một chỗ mở lớp. Cụ nghĩ, mình trước đây là giáo viên Trường Trung học cơ sở An Dương, trong khuôn viên có một gian phòng 12m2 rất tiện cho việc mở lớp. Cụ đi xe ôm lên Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tây Hồ đề đạt nguyện vọng. Những người đương chức ở đây thật khó tin một cụ già lại nhiệt tình làm việc thiện bằng cách dạy học cho các cháu tật nguyền. "Có lần tôi đã khóc trước các đồng chí ấy. Các đồng chí ấy thông cảm và cử người đến Trường Trung học cơ sở An Dương khảo sát, cô hiệu trưởng Trần Thị Vân đồng ý ngay".

Từ đấy, cụ Nam có lớp dạy đàng hoàng. Lớp của cụ thường nhận 8-10 học sinh, độ tuổi từ 6 đến ngoài 30, hầu hết bị tật nguyền ở phường và có một số từ quận khác đến. Kinh phí hoạt động của lớp như mua sắm sách vở, thiết bị, đồ dùng học tập cho các cháu đều lấy từ tiền túi của cụ, không yêu cầu các phụ huynh đóng góp. Mỗi lớp học 5 buổi sáng trong tuần, thứ bảy và chủ nhật nghỉ. Hôm nào cụ đi họp, thì học vào buổi chiều. Một năm 9 tháng đều đặn cụ đến lớp. Lắm lúc đang học có em bị lên cơn bệnh hoặc đang ngồi học khóc hu hu, nước mắt, nước dãi chảy ròng ròng... vậy mà cụ vẫn điều hành suôn sẻ, điều này ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Giáo án thì tự biên, tự diễn, trong lớp có đến 5-6 chương trình, cháu tập viết, cháu tập nói, cháu rèn chữ, cháu học toán...

"Ngày lễ, tết, Ngày Nhà giáo, các phụ huynh có biếu quà cô giáo không?" - Tôi hỏi. Cụ Nam cười: "Cũng có phụ huynh đem quà, đem hoa đến tặng, nhưng tôi chỉ nhận hoa, còn quà và phong bì thì tuyệt nhiên không cầm một đồng. Ai cố tình tặng, tôi nhẹ nhàng bảo: "Tôi là người mô phạm, khi đã làm việc thiện, thì không được tham vọng, nhất là việc tiền bạc, cần nhất để đức lại cho con cháu, mong gia đình thông cảm".

Không có kinh phí, thi thoảng lớp học nhận được chút ít từ một vài cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm ủng hộ mua thiết bị học tập. Còn tiền điện, nước thì đã có nhà trường lo hộ. Cụ Nam được hơn 1 triệu đồng lương hưu mỗi tháng, nhưng được cái các con ủng hộ việc làm từ thiện này và giúp mẹ trang trải tiêu pha, nên phần nào cuộc sống cũng dễ chịu. Cụ ông mất sớm. Các con cháu nội, ngoại của cụ Nam nay đều đã trưởng thành và hầu hết có trình độ đại học, là những công dân tốt. Năm nay cụ Hồ Hương Nam 77 tuổi. Hơn 10 năm "cõng" chữ cho các cháu tật nguyền, lưng có còng thêm nhưng tinh thần thì còn sáng láng, trí tuệ còn minh mẫn lắm.

"Nhờ hoạt động nhiều, tham gia hầu hết các tổ chức hội và dạy lớp học tình thương nên tôi sống vui, sống khỏe ra, bệnh cao huyết áp cũng bị đẩy lùi. Hôm nào xa các cháu là tôi nhớ, hôm nào được phê điểm khá cho các cháu là tôi vui. Hạnh phúc lớn nhất đời tôi là được làm nhịp cầu giúp những người tật nguyền vào đời". Những nghĩa cử, tình cảm cao đẹp ấy khiến cụ được người dân quanh vùng trìu mến gọi “Bà tiên của những trẻ tật nguyền”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bà tiên” của những trẻ tật nguyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.