(HNM) - Lớp học tình thương của bà giáo Đỗ Thị Thoa khiêm nhường ẩn trong một ngõ nhỏ ở phố Lê Lai, phường Lê Lợi (Sơn Tây, Hà Nội). Lớp học đơn sơ chỉ với một cái bảng gỗ cũ kỹ, chục bộ bàn ghế, còn học sinh thì đủ mọi lứa tuổi, tất thảy đều là trẻ em khuyết tật có cuộc sống nghèo hàn, lam lũ.
Giữa cái nắng oi nồng của trưa tháng 6, gian nhà nhỏ rộng chừng 10m2 nằm sâu trong con ngõ nhỏ văng vẳng tiếng trẻ ê a tập đọc. Bà giáo Đỗ Thị Thoa say sưa giảng bài, đám học trò chăm chú lắng nghe. Thấy khách, đám trẻ lễ phép ngẩng lên chào. Lòng chúng tôi chợt thắt lại trước những câu nói ngọng nghịu, chưa tròn vành rõ chữ . "Chị cả" của lớp năm nay xấp xỉ tuổi 30, còn "em út" cũng đã 12 tuổi, nhưng nhận thức chỉ như đứa trẻ với những nụ cười hồn nhiên, ngây ngô. Có lẽ điểm chung lớn nhất của các em là hoàn cảnh với trò đùa trớ trêu của số phận. Các trò đều là trẻ em khuyết tật, bị tự kỷ, thiểu năng trí tuệ. Ngay từ nhỏ, các em đã phải lăn lộn với cuộc mưu sinh, thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm, dạy bảo từ bố mẹ.
Bà giáo Đỗ Thị Thoa cùng các học trò tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa. |
Hôm chúng tôi đến, lớp học có chương trình ngoại khóa đặc biệt, bà giáo Thoa và các bạn tình nguyện viên trẻ của Câu lạc bộ những người yêu Sơn Tây sẽ tổ chức buổi sinh hoạt tự làm bánh cho các em. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của lớp phối hợp với các tổ chức xã hội của địa phương. Sau phút làm quen, chốc lát câu chuyện giữa chúng tôi, các bạn trẻ với bà giáo Đỗ Thị Thoa đã trở nên cởi mở hơn... Nhìn những đứa trẻ ngoan ngoãn, vui vẻ nhào bột, nặn bánh, bà giáo nói: "Lúc mới nhập học, các em rất mặc cảm. Nhưng được đi học, được tiếp xúc với các bạn tình nguyện viên, nhiều em thoát ra khỏi tâm trạng mặc cảm và trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ. Nếu không vì lý do sức khỏe thì rất hiếm khi các em nghỉ học".
Bà giáo kể về đời mình, cái nghiệp "chở đò qua sông" như vận vào số phận. Năm 1991, bà nghỉ hưu. Nỗi nhớ phấn trắng, bảng đen, cộng thêm sự xót thương đối với những đứa trẻ khuyết tật khiến bà đau đáu về kế hoạch mở lớp học tình thương. Bà giáo thủ thỉ: "Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt khát thèm sự học của các cháu khi nhìn những bạn bè đồng trang lứa được cắp sách đến trường. Nguyện vọng duy nhất của tôi là đem lại chút niềm tin, sự hy vọng cho các cháu, giúp các cháu hòa nhập với cuộc sống". Rồi với chiếc xe đạp cũ kĩ từ những năm 70 của thế kỷ trước, bà giáo âm thầm đến từng hộ gia đình có trẻ khuyết tật, tìm hiểu về từng em, vận động phụ huynh cho con em họ đi học, rồi vận động tài trợ, tổ chức lớp. Ngày 29-4-1994, lớp học tình thương được mở. Ánh mắt nhìn xa xăm, bà giáo nhớ lại những bài giảng đầu tiên thấm đẫm mồ hôi, nước mắt. Các em không thể ghi nhớ, học trước quên sau, có em 3 tháng chưa nhớ hết mặt chữ. Biết bao đêm trằn trọc vì thương những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nuôi thân chưa nổi thì lấy tiền đâu ra để mua sách vở, bút thước… Không cam lòng bỏ mặc các em cho dòng đời xô đẩy, bà chạy vạy ngược xuôi để xin tài trợ, rồi tự bỏ tiền lương của mình ra để mua sách vở, bút mực. Có thời gian, khoảng 4 tháng bị tai nạn nằm liệt giường, ngày nào bà giáo già cũng gạt nước mắt vì lo chuyện học hành của các em dang dở. Tưởng như khó khăn có thể khiến mọi người bỏ cuộc, nhưng lòng yêu thương của bà giáo đối với những mảnh đời cơ cực cứ lớn dần và lớp học vẫn được duy trì đến hôm nay.
Thấm thoắt, lớp học đầu tiên đó đã cách đây hơn 20 năm, những khuôn mặt giờ gặp lại rất khó nhận ra nhưng trong tâm trí bà giáo hình ảnh của những cô cậu học trò ngày nào vẫn còn nguyên vẹn. Lớp học được xây bằng chữ, bằng tình yêu, bằng những nỗ lực không ngừng của bà giáo Đỗ Thị Thoa đã trở thành ngôi nhà ấm áp, hạnh phúc nhất với những đứa trẻ khuyết tật.
Đọng lại một chữ "tình"
"Tiếng lành đồn xa" bà giáo không phải đến từng nhà để vận động các em tham gia lớp học nữa mà chính những người làm cha, làm mẹ đã tự đưa con em mình đến gửi gắm cô giáo chỉ dạy. Lớp học hiện có 17 em, trong đó 6 em bị câm điếc, 3 em bị ảnh hưởng chất độc da cam, còn lại là các em bị thiểu năng trí tuệ và hội chứng down. Bà giáo chia thành 4 nhóm theo trình độ nhận thức để kèm cặp, dạy dỗ. Những em bị khiếm thính đã nói được những câu ngắn, biết chào hỏi, nhiều em chịu ảnh hưởng của chất độc da cam biết đọc, biết viết, biết ca hát, cư xử lễ phép.
"Lần đầu tiên, sau khoảng 3 tháng dạy có em đã nói tròn vành rõ chữ: Thưa cô! Hạnh phúc quá, vui mừng quá! Thế là hai cô trò ôm nhau khóc. Tất nhiên không thể kỳ vọng quá nhiều điều, bởi sẽ quá sức với các em". Bà giáo tâm sự: "Tôi luôn vui vì các em đều ngoan ngoãn, cố gắng. Có em khiếm thính đã được chuyển sang Trường Tiểu học Phú Thịnh, học hòa nhập với trẻ bình thường. Nhiều em trưởng thành đã đi làm tại xưởng sản xuất, khu công nghiệp, tự nuôi được bản thân và giúp đỡ được gia đình". Nhìn vào ánh mắt rơm rớm, ngân ngấn lệ của bà giáo tôi hiểu rằng, với bà đó là niềm động viên, an ủi lớn nhất cho những tháng ngày vất vả đã qua.
Các em của lớp học đặc biệt này không chỉ thiệt thòi về khả năng nhận thức, hoàn cảnh gia đình cũng rất đáng thương. Như em Phúc có bố bị thiểu năng trí tuệ, sinh được ba người con thì hai em bị khuyết tật. Một mình mẹ Phúc vất vả nuôi cả nhà. Bố mẹ em Nguyễn Ngọc Sơn đã ly hôn, mẹ mất, em phải sống với bà nội. Ngày ngày, bà nội đi bán từng cây mía để nuôi em..., vì thế các em không có cơ hội đến trường. Khi biết bà giáo Thoa mở lớp nhận dạy học miễn phí, có em nhà cách lớp hơn mười cây số hằng ngày vẫn đều đặn đạp xe đến lớp. Mỗi em mỗi hoàn cảnh, hầu hết đều xuất thân từ những gia đình nghèo.
Chị Nguyễn Thị Lan - Hội trưởng Hội Phụ huynh của lớp học, chia sẻ: "Cô không chỉ dạy chữ, rèn người, mà truyền cả yêu thương cho những số phận kém may mắn, bất hạnh". Còn trong lòng mỗi học trò nhỏ, bà giáo chính là "bà tiên", là người "nâng cánh ước mơ" cho chúng.
Chia tay chúng tôi, bà giáo Đỗ Thị Thoa bảo: "Gia tài của tôi không có gì ngoài những con chữ. Tôi tặng chúng - những học trò khuyết tật - gia tài của mình. Còn sức khỏe, tôi còn cố gắng đứng lớp, dạy học và chăm sóc cho các cháu. Ước nguyện lớn nhất của tôi lúc này là có thể tìm được người sẽ tiếp tục duy trì lớp học để giúp đỡ nhiều hơn nữa các em nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.