Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba sẵn sàng!

Lê Văn Ba| 23/03/2011 06:40

Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang, Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần đến.

Năm 1964, một phong trào mới bùng phát rất nhanh mà nội dung toàn diện, kịp thời đáp ứng nhiệt tình cứu nước như đang sôi trong tim thế hệ trẻ lúc ấy: Phong trào "Ba sẵn sàng". Người chấp bút nội dung chính của phong trào là Lê Tám…

Lê Tám tên thật là Hoàng Quốc Liên, quê tại huyện Phù Cừ - Hưng Yên. Anh tham gia hoạt động Việt Minh từ năm 1944. Năm 1950, anh được điều vào nội thành Hà Nội, phụ trách phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến. Hà Nội trở thành “quê hương thứ hai máu thịt của tôi” như anh nói, cả cái tên Lê Tám cũng ra đời trong quá trình hoạt động ở 36 phố phường “Phủ Doãn, Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Bông”… (nơi có cơ sở và nhà ở của anh trong những năm Hà Nội tạm bị chiếm và sau ngày giải phóng Thủ đô).

Hàng triệu thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”. Ảnh: Tư liệu

Học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội có một tờ báo bí mật tên là Nhựa Sống, ra đời từ năm 1949, in thạch, in li tô. Từ khi có thêm Lê Tám phụ trách, Báo Nhựa Sống thật sự khởi sắc. Bài vở phong phú, sát đối tượng học đường, nổi bật là những bài về phong trào chống bắt lính, chống văn hóa dâm ô trụy lạc rõ ra tiếng nói của một đoàn thể chính trị. Lê Tám còn có sáng kiến lập Bảng vàng ghi danh các “chiến sĩ Nhựa Sống”, biểu dương những nam, nữ học sinh dũng cảm đọc và kín đáo chuyển tờ báo bí mật của Đoàn cho nhiều người cùng xem. “Chiến sĩ Nhựa Sống” làm những người cảm tình để rồi phát triển thành học sinh kháng chiến và tương lai sẽ kết nạp làm đoàn viên Đoàn Thanh niên Cứu quốc. “Nhà in Nhựa Sống” in cả tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi, “Ký sự Cao Lạng” của Nguyễn Huy Tưởng và truyền đơn, tờ rơi của Đoàn. Anh đã trực tiếp chỉ đạo một tổ học sinh kháng chiến ném truyền đơn giữa ban ngày và ngay tại cổng trại Đệ tam Quân khu Bảo chính Đoàn (nay là trụ sở Tổng cục Cảnh sát, trước rạp chiếu bóng Tháng Tám). Giữa năm 1952, cơ sở vỡ, Lê Tám cùng một số đoàn viên bị bắt. Biết anh là cán bộ lãnh đạo, kẻ thù dùng mọi cực hình tra khảo liên tục. Trong xà lim Nha Công an Bắc Việt, Lê Tám thà hy sinh để bảo vệ tổ chức.

Sau ngày Giải phóng Thủ đô, Lê Tám là Trưởng ban Tuyên huấn, Ủy viên Ban Chấp hành rồi Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội. Với anh, đây là những năm tháng sôi nổi, thăng hoa, phát huy tài năng, cống hiến nhiều nhất. Thanh niên Hà Nội nhớ mãi một hình ảnh Lê Tám hoạt bát, năng động, đôi mắt thông minh lấp lánh sau cặp kính trắng, nụ cười đôn hậu và cái miệng cười tươi, đọc thơ sang sảng, diễn thuyết có lửa, thúc giục lòng người.

Hầu như chủ nhật nào cũng thấy anh cùng cán bộ Thành đoàn theo hàng vạn thanh niên Hà Nội quang sọt, xẻng cuốc trên vai, vừa hò hát vừa đẩy xe rầm rập tỏa ra đường phố tới các công trường san nền xây dựng Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Diêm Thống Nhất, Nhà máy Gỗ Cầu Đuống… Đấy là thời kỳ thanh niên Hà Nội mở ra phong trào “Lao động kiến thiết Thủ đô”, sau này phát triển thành những ngày chủ nhật lao động Vì miền Nam ruột thịt, đấu tranh thống nhất nước nhà, những ngày lao động xã hội chủ nghĩa… Công viên Thống Nhất tươi đẹp, đường Thanh Niên thơ mộng giữa Hồ Tây, hồ Trúc Bạch là những công trình hình thành trong thời kỳ này và Lê Tám còn là một trong những người tham gia duyệt mẫu thiết kế, đặt tượng Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi tại nơi đây.

Ngày 4-8-1964, đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom, bắn phá miền Bắc. Hà Nội ngùn ngụt căm thù. Thanh niên Hà Nội hừng hực khí thế. Ai cũng muốn ngồi lên mâm pháo, vào miền Nam, xông thẳng ra tiền tuyến sống chết một phen với giặc Mỹ. Lúc này, cần dấy lên một phong trào mạnh mẽ, đáp ứng tinh thần yêu nước, khí thế trào dâng của tuổi trẻ Thủ đô, tuổi trẻ cả nước trước sứ mệnh lịch sử. Và lúc này cũng cần một sự chỉ đạo sáng suốt, động viên mọi người vừa yên tâm, vững vàng xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, vừa hăng hái ra trận chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những ngày đêm tuổi trẻ rầm rập xuống đường mít tinh, biểu tình, hô vang: “Đả đảo đế quốc Mỹ!” là những ngày đêm cán bộ lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội bàn bạc, tranh luận, xin ý kiến Thành ủy, Trung ương Đoàn, Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng... Các anh gặp Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Báo Tiền Phong, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam để tham khảo ý kiến và thống nhất kế hoạch tuyên truyền, ủng hộ… Một phong trào mới bùng phát rất nhanh mà nội dung toàn diện, kịp thời đáp ứng nhiệt tình cứu nước như đang sôi trong tim thế hệ trẻ lúc ấy: Phong trào Ba sẵn sàng và người chấp bút nội dung chính là Lê Tám:

Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm,
Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang,
Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần đến.

Đêm 9-8-1964, nghĩa là chỉ 5 ngày sau khi máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời miền Bắc, Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội sáng rực ánh đèn, đỏ rực màu cờ, dậy lên những tiếng trống và lần đầu tiên, từ nơi đây vang lên tiếng hô như sấm động, lời thề đanh thép “Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!”. Những người dự mít tinh tay cầm đuốc, tay cầm súng, gậy tầm vông… tỏa ra, rầm rập tuần hành trên các đường phố, quanh hồ Hoàn Kiếm. Phong trào đi rất nhanh vào quần chúng. Chỉ trong thời gian ngắn, hai mươi vạn thanh niên Hà Nội tình nguyện “Ba sẵn sàng”, tám vạn thanh niên Thủ đô náo nức ghi tên gia nhập lực lượng vũ trang. Cuối năm 1964, đã có hơn hai triệu năm mươi vạn thanh niên miền Bắc tình nguyện “Ba sẵn sàng”.

Phong trào “Ba sẵn sàng” mang trong mình sức sống vĩ đại của dân tộc được phát triển thêm nhiều phương thức hoạt động mới của tuổi trẻ như Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, các phong trào “nhánh” Hai mũi tiến công thắng Mỹ, Luyện tay nghề thi thợ giỏi… Các cung đường Thanh niên, bến phà Thanh niên, cánh đồng Thanh niên… đã thành tên gọi vinh dự của thế hệ thanh niên thời đó là Thanh niên “Ba sẵn sàng”. Ở nhiều vùng, ngày hội thanh niên tòng quân được gọi là Ngày hội Ba sẵn sàng, những gia đình có con em thoát ly đi Thanh niên xung phong, làm công nhân bảo đảm giao thông trên tuyến lửa, tự hào giới thiệu khi có khách đến thăm nhà “em nó đi Ba sẵn sàng”.

Lịch sử mãi mãi ghi tên phong trào “Ba sẵn sàng”, cống hiến to lớn của thế hệ trẻ đồng thời là niềm tự hào của cả dân tộc trong sự nghiệp vẻ vang vì độc lập tự do, làm rạng rỡ hai tiếng Việt Nam trên bản đồ thế giới. Những người khởi xướng phong trào, gồm Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội do đồng chí Vũ Hữu Loan làm Bí thư và người có công chỉ đạo phong trào lan rộng ra cả nước là đồng chí Vũ Quang trong những năm đó là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn. Nhưng Lê Tám chính là người “đẻ ra” ý tưởng và chấp bút nội dung Ba sẵn sàng. Trong lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày phát động phong trào Ba sẵn sàng, Trung ương Đoàn đã biểu dương và trao tặng anh Huy chương danh dự của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…

Lê Tám còn là nhà thơ. Những hoạt động sôi nổi chan hòa tiếng hát, nụ cười và cả trong gian khó là nguồn cảm hứng dồi dào cho thơ anh. Thơ Lê Tám khỏe khoắn, tràn đầy sức sống, đúng là “Những trang thơ giục giã cuộc đời” (tên gọi tuyển tập thơ Lê Tám, xuất bản năm 2006). Những thế hệ cán bộ Đoàn hôm nay và mãi mãi sau này sẽ soi vào tấm gương Lê Tám để không chỉ học tập kinh nghiệm công tác thanh vận mà chủ yếu để bồi dưỡng nhiệt tình cách mạng: Làm công tác Đoàn là lẽ sống của tôi, về mục đích cuộc đời: Hạnh phúc có một thời để nhớ, về cuộc sống trong sáng, giản dị, thanh bạch mà một người bạn rất thân một lần đến thăm anh đã cám cảnh: Ông là dân Thổ mừ (ý nói người miền núi, hiền lành, dại) còn nhà khi là sa mạc (nóng) khi là đầm lầy (mưa dột)…

Còn nhớ anh cùng gia đình sống trong một căn hộ trên tầng bốn khu nhà tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Anh không biết chạy chọt cho các con vào trường “điểm”, nghề “thơm” (hai con trai đều đi bộ đội)… Nhiều lần đi công tác nước ngoài nhưng không “mang, xách” gì. Chuyến đi cuối cùng, nghe lời bạn bè khuyên, anh mới mua một chiếc tủ lạnh. Lúc ấy là đúng thời kỳ Liên Xô (cũ) sụp đổ, cái tủ lạnh Saratốp lênh đênh trên tàu biển rồi… mất hút. Chúng tôi an ủi:

- Thế là đi tong công sức mấy năm trời ông Lê Tám dành dụm tiết kiệm!

Bất ngờ, chị Thuận, vợ anh giãy nảy:

- Có phải tiền của ông ấy đâu! Tiền tôi bán lợn đấy!

Chúng tôi ngẩn người: Thì ra là hai con lợn mà chị vất vả cám bã, nâng giấc ngót năm trời trong gian nhà tắm chật hẹp tận trên tầng tư này!... Nhưng rồi cả mấy chị em đều cười xòa (riêng Lê Tám thì cười trừ).

Lê Tám là thế đấy. Lúc nào anh cũng lạc quan: Soi gương - ừ nhỉ, mình già/Soi tâm hồn, vẫn thấy là thanh niên… Cả những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh, anh vẫn lạc quan Vẫn rất yêu nghề (nghề công tác tuyên giáo, nghề công tác thanh niên), yêu đời đấy chứ/Vẫn có mặt hằng ngày trong đội ngũ!

Đúng thế, những người như anh, Lê Tám, vẫn có mặt hằng ngày trong đội ngũ chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba sẵn sàng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.