(HNM) - Cả đêm, bà Nhung ở xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất trằn trọc mãi không ngủ. Phần vì tuổi già khó ngủ, phần nữa cứ nghĩ tới đứa cháu đích tôn mà thấy lo, lo nó sẽ giống mấy thanh niên trẻ ăn chơi, đua đòi bà gặp hôm qua ở đầu làng!
Thanh niên gì mà chẳng coi người lớn tuổi ra gì, đi lại nghênh ngang giữa đường chả thèm chào hỏi ai, đầu tóc thì nhuộm xanh, nhuộm đỏ, quần áo te tua rách gối, rách đùi trông gớm chết. Bà Nhung băn khoăn, chẳng lẽ thời buổi này mà vẫn có gia đình không may nổi cho con được bộ quần áo lành lặn? Đem băn khoăn ấy hỏi đứa cháu, nó thủng thẳng bảo: "Đó là mốt sành điệu đấy! Bà lạc hậu quá rồi". Nghe cháu nói mà bà ngỡ mình đang sống ở cái thời xa lắc, xa lơ. Mốt miếc kiểu gì mà mặc quần áo rách hở cả da thịt, chả hợp với thuần phong mỹ tục ở làng quê. Quả thật, từ khi sinh ra đến năm nay gần 80 tuổi bà mới biết thứ mốt quái gở này. Đã ở cái tuổi "tri thiên mệnh" nên bà hiểu, thói đời cái hay học khó vào, còn cái dở tiêm nhiễm vào người lúc nào không hay, nhất lại là lớp trẻ mới lớn suy nghĩ chưa thấu đáo. Thế nên, bà Nhung lại càng thấy lo cho đứa cháu nội.
Vốn là chỗ người nhà, nên bà Nhung gọi điện cho Người Xây Dựng đem câu chuyện trên ra kể và dặn, khi nào tranh thủ về quê ngày thứ bảy, chủ nhật nhớ bảo ban đứa cháu giúp đôi câu, kẻo bà mà khuyên nhủ khéo nó lại bảo: Bà già quá nên nghĩ lẩn thẩn! Luôn tin ở báo chí, bà bảo, nếu báo chí mà phê phán mạnh chuyện này, người trong cuộc đọc thấy hẳn phải có suy nghĩ, biết đâu lớp trẻ nông thôn quê bà sẽ tự điều chỉnh mình, không còn học đòi nữa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.