Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ba nhà” cùng vào cuộc

Thống Nhất| 17/03/2011 07:28

(HNM) - Nhằm tạo ra bước đột phá về ý thức tự giác chấp hành luật pháp của HS, lần đầu tiên, Sở GD-ĐT cùng Công an TP Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương và phụ huynh HS triển khai làm điểm việc quản lý HS đi xe máy và sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ).

Sự tích cực ngay từ những ngày đầu của cả "ba nhà" đã thể hiện quyết tâm làm thay đổi suy nghĩ, hành động của HS. Dẫu vậy, chặng đường phía trước của "chiến dịch" vẫn còn dài…

Con trẻ chưa hết vi phạm

Ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Điều dễ thấy sau 2 tuần ra quân khởi động "chiến dịch" làm điểm này là sự vào cuộc rốt ráo của ban giám hiệu 5 trường THPT. Các đơn vị đều xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, mọi thành viên đều cố gắng tự giác tham gia chỉ đạo thực hiện kế hoạch nhằm tiến tới giải quyết dứt điểm việc HS vi phạm Luật Giao thông và sử dụng ĐTDĐ gây hậu quả xấu. Cái "được" lớn nhất của kế hoạch lần này là đã thống nhất được việc quản lý HS và những phương án xử lý, với tinh thần nghiêm túc và quyết liệt.

Còn nhiều học sinh đi xe máy tới trường.

Để hạn chế tình trạng HS vi phạm Luật Giao thông, phương án quay camera hoặc chụp ảnh làm căn cứ xử lý vi phạm để HS "tâm phục, khẩu phục" được đánh giá là có hiệu quả. Một trong những đơn vị hưởng ứng nhiệt tình phương án này là Trường THPT Việt - Đức khi đích thân thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình cầm máy quay, "vi hành" tại những điểm trông giữ xe quanh khu vực trường để "mục sở thị" HS vi phạm. Đây cũng là đơn vị thường xuyên có thông tin phản hồi về việc phát hiện, giáo dục HS sau khi nhận được thông báo của công an về tình hình HS vi phạm để hai bên kịp thời điều chỉnh giải pháp cho hiệu quả.

Những nỗ lực ấy cũng đã làm giảm tình trạng HS đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, song thực tế chưa phải là đã hết vi phạm. Ghi nhận của PV tại khu vực cổng Trường THPT Trần Phú cho thấy, khá nhiều HS mặc đồng phục của trường có mặt tại bãi gửi xe Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và nhiều điểm trông xe phía cổng sau của trường (phố Nguyễn Khắc Cần). Tại Trường THPT Quang Trung - Đống Đa cũng có không ít HS gửi xe máy tại chợ tạm Ngã Tư Sở rồi đi bộ vào trường. Bên cạnh đó, việc định hướng HS sử dụng ĐTDĐ cũng chưa tạo hiệu quả như mong muốn, nhất là khi giờ học kết thúc.

Ban giám hiệu các trường đều cho rằng, cái khó hiện nay là nhà trường không thể quản lý được việc HS gửi xe máy bên ngoài trường. Việc chụp ảnh, ghi hình khó có thể bao quát được mọi vi phạm, mọi HS ở mọi nơi, mọi lúc. Vì vậy, cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền sở tại một cách chặt chẽ và quyết liệt thì mới mong có được những chuyển biến mạnh.

Người lớn phải làm gương

Điều này được Trưởng phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội Nguyễn Duy Ngọc chia sẻ khi cùng đại diện ngành GD-ĐT, các nhà trường, phụ huynh HS… bàn kế hoạch quản lý HS đi xe máy và sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích. Ông Ngọc cho rằng, vai trò của người lớn trong việc làm gương cho con trẻ là vô cùng quan trọng. Đây không phải là điều mới mẻ, song lại có hiệu quả rõ rệt. Việc tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho người dân nói chung và cho thanh niên, HS nói riêng không phải là việc làm đơn giản và cũng khó tạo chuyển biến ngay trong một sớm một chiều. Kinh nghiệm cho thấy điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì từ phía cơ quan quản lý và tinh thần nghiêm túc chấp hành luật của người lớn. Dẫn chứng về việc này, ông cho biết, hằng năm có khoảng 800 nghìn trường hợp người lớn vi phạm Luật Giao thông, bị xử lý và có thông báo gửi về nơi ở, nơi làm việc, nhưng rất ít cơ quan, địa phương nghiêm túc trong việc phối hợp xử lý.

Trong việc HS đi xe máy khi chưa đủ tuổi và sử dụng ĐTDĐ không đúng mục đích còn có phần trách nhiệm không nhỏ từ phía phụ huynh HS. Nhiều phụ huynh trang bị cho con xe máy, ĐTDĐ đắt tiền để thể hiện "đẳng cấp" mà không cần biết mục đích và coi đó là hình thức quan tâm, chăm chút cho con cái.

Về giải pháp cho tình trạng này, bà Trần Hồng Nhung, Trưởng ban đại diện cha mẹ HS Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, ban giám hiệu nhà trường và hội cha mẹ HS đã có quy định với các mức xử lý kỷ luật cụ thể, tùy theo hình thức, mức độ vi phạm, thậm chí, các em có thể bị buộc nghỉ học 6 tháng hoặc lưu ban nếu vi phạm nặng. Theo bà Nhung, để các em nhận thức đúng và tự giác chấp hành luật, những người lớn ở cả "ba nhà", mà trước tiên là những ông bố, bà mẹ trong mỗi gia đình phải gương mẫu..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ba nhà” cùng vào cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.