(HNM) - Năm 2009, TP Hà Nội đã phê duyệt Chương trình Nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm 2009-2015 và định hướng đến năm 2020, nhưng ba năm đã trôi qua vẫn chưa có dự án nào thực hiện. Làm thế nào để chương trình này đi vào thực tiễn và mở ra hướng sản xuất mới cho nghề NTTS ở Hà Nội là vấn đề đang được đặt ra.
Khu vực nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia cầm tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Thái Hiền |
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2009-2015 đã có 13 dự án hỗ trợ hạ tầng phát triển NTTS (diện tích từ 50ha đến 300ha) được phê duyệt tại 10 huyện như Quốc Oai, Ứng Hòa, Ba Vì, Thanh Oai, Chương Mỹ... Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án rất ỳ ạch. Tính đến nay, mới có một dự án hoàn thành một phần công việc; 4 dự án đã được phê duyệt đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn thực hiện, 8 dự án đang chờ bố trí vốn chuẩn bị đầu tư.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chậm triển khai các dự án NTTS nhưng chủ yếu là do các huyện triển khai các công việc còn lúng túng, việc phối hợp với các sở, ban, ngành của TP trong việc lập, thẩm định và trình duyệt dự án còn nhiều bất cập, khó khăn. Đặc biệt, công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở nhiều địa phương còn chậm; việc lập dự án mới chỉ tập trung vào phần kết cấu hạ tầng cho các vùng phát triển NTTS trên địa bàn mà chưa đề cập đến các phương án DĐĐT, đầu tư và phương án sản xuất một cách có hiệu quả. Đặc biệt, nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án đều quá lớn nên chưa có vốn để triển khai... Vì vậy, đến nay ba năm vẫn chưa có dự án nào được đầu tư.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Dương Tôn Kiên, quá trình triển khai dự án NTTS tập trung (trên diện tích 70ha thuộc hai xã Hòa Thạch và Đông Yên với kinh phí 63 tỷ đồng), huyện cũng gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn người dân chưa quen với việc NTTS tập trung nên chưa mặn mà. Số hộ có đất trong vùng dự án quá nhiều (xã Hòa Thạch là 706 hộ; xã Đông Yên 475 hộ), trong khi đó diện tích của mỗi hộ ít nên khó khăn cho việc DĐĐT. Thực tế, trên địa bàn huyện, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, một số hộ dân sợ bị mất đất sản xuất, không có công ăn việc làm nên muốn giữ lại ruộng để cấy lúa. Mặt khác, trong khu vực dự án có một phần diện tích đất nhân dân khai hoang, Nhà nước chưa quản lý nên người dân không muốn DĐĐT. Đặc biệt, nguồn kinh phí đầu tư dự án quá lớn mà TP chưa cấp vốn nên không thể thực hiện. Ngay cả những dự án đã dồn đổi ruộng xong cũng chưa triển khai được do chưa có vốn như Dự án NTTS tập trung tại các xã Trung Tú, Đồng Tân, huyện Ứng Hòa với kinh phí 140 tỷ đồng cũng chưa khởi động được.
Trước những khó khăn và phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại cơ sở, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã yêu cầu các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án hỗ trợ hạ tầng NTTS, tập trung tuyên truyền vận động nhân dân hiểu rõ mục đích của dự án, lên phương án hoàn thành công tác DĐĐT và tổ chức sản xuất. Trước mắt, các địa phương cần khẩn trương triển khai các hạng mục của dự án đã được phê duyệt thuộc trách nhiệm của huyện, xã và người dân. Trong trường hợp cần thiết, phải tổ chức kiểm tra, rà soát, điều chỉnh dự án trên tinh thần: Bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của TP, kinh phí đầu tư hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định các dự án chưa được phê duyệt để sớm trình UBND TP phê duyệt, trong đó đặc biệt quan tâm đến tính khả thi của dự án. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cũng yêu cầu các sở Kế hoạch và Đầu tư và NN&PTNT chủ động kiểm tra, hướng dẫn các huyện đẩy nhanh thực hiện các dự án NTTS theo đúng tiến độ đề ra. Đối với các huyện cần phải coi đây là một cuộc cách mạng trong sản xuất để nâng cao giá trị đất canh tác mà tập trung dồn đổi ruộng, chủ động phối hợp với các sở, ngành triển khai nhanh thủ tục dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.