Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba giải pháp phát triển doanh nghiệp và câu chuyện khởi nghiệp

Hiền Anh ghi| 28/01/2017 08:50

(HNM) - Ngày 16-5-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, TS Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel, đại biểu Quốc hội khóa XIV đã đề xuất 3 giải pháp.

Ảnh: Viết Thành


Xây dựng "Chính quyền số"

Chính phủ cần xây dựng "Chính quyền số" làm công cụ hỗ trợ để thực hiện một nhà nước kiến tạo và phục vụ thực sự hiệu quả. Việc xây dựng "Chính quyền số" là xu hướng tất yếu, là bước tiếp theo của chính quyền điện tử khi việc sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) gắn liền với từng công đoạn, từng dữ liệu trong Chính phủ để cung cấp thông tin và dịch vụ tới DN, người dân một cách hiệu quả nhất, đồng thời cũng bám sát việc nâng cao năng lực hành chính và năng lực phục vụ của bộ máy Chính phủ.

Việc đẩy mạnh phát triển "Chính quyền số" sẽ hiện thực hóa các chủ trương của Chính phủ kiến tạo và phục vụ thông qua việc cụ thể hóa, có thể "đo" được hiệu năng các hoạt động của Chính phủ: Theo dõi các loại giấy phép con, sự nhất quán của chính sách, đặc biệt là theo dõi sự hài lòng của người dân và DN, đối tượng phục vụ của Chính phủ... Bằng cách cung cấp các dữ liệu hữu ích cho người dân và DN, Chính phủ thông qua "Chính quyền số" sẽ kiến tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân và DN sáng tạo, khởi nghiệp.

Chuẩn bị nguồn nhân lực khởi nghiệp

Cần chuẩn bị nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo bền vững từ trường phổ thông thông qua giáo dục khởi nghiệp STEM. Nghị quyết 35 cũng đề cập nhiều giải pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp và đưa chương trình khởi nghiệp vào giáo dục đại học, tạo làn sóng khởi nghiệp cho toàn xã hội. Nước ta đã có những làn sóng khởi nghiệp. Tuy nhiên, lần này làn sóng khởi nghiệp có sự khác biệt lớn, đó chính là sự nhấn mạnh tinh thần sáng tạo. Sự sáng tạo chỉ có được khi có những con người sáng tạo. Vì thế, để làn sóng khởi nghiệp được phát triển bền vững, cần đầu tư vào con người.

Đó chính là vấn đề của giáo dục khởi nghiệp ngay từ trường phổ thông. Trong mô hình giáo dục STEM, các kiến thức - kỹ năng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học được truyền đạt đan xen, kết dính lẫn nhau trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tư duy máy tính tạo điều kiện cho học sinh học, sáng tạo thông qua thực hành và hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn ngay từ những năm học đầu tiên. Liên hợp quốc và các quốc gia phát triển đều thống nhất đưa giáo dục STEM trở thành chiến lược phát triển ở nhiều nước.

Việc áp dụng giáo dục khởi nghiệp STEM ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chương trình giáo dục quốc gia hướng tới phương pháp dạy tích hợp và có thể triển khai ngay trên nền tảng hệ thống trường học hiện có tại Việt Nam theo mô hình xã hội hóa. Kết quả thí điểm cho thấy giáo dục STEM là con đường phù hợp để kiến tạo nguồn nhân lực sáng tạo ngay từ bậc phổ thông hướng tới một thế hệ khởi nghiệp sáng tạo bền vững.

Thiết lập quan hệ đối tác

Thiết lập quan hệ đối tác giữa Nhà nước và DN để làm chủ công nghệ trong các mảng kinh tế - xã hội chiến lược. Trong giai đoạn toàn cầu hóa mạnh hiện nay, quan hệ giữa Chính phủ và DN nên được đẩy mạnh lên thành quan hệ đối tác. Bởi, chính DN là những đầu mối có thể tiếp cận nhanh nhất các thành tựu phát triển toàn cầu và vì thế có thể mang những thành tựu đó phát triển lên, làm chủ công nghệ để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Quan hệ đối tác giữa Chính phủ và DN cũng sẽ tạo điều kiện cho DN có cơ hội ứng dụng và phát triển sản xuất, kinh doanh trên thị trường Việt Nam, lấy đó làm bàn đạp để phát triển ra thị trường quốc tế. Những công nghệ tiên tiến như "Internet của vạn vật và đô thị thông minh", "Bản đồ số và giao thông thông minh", "Nông nghiệp công nghệ cao" và "Công nghiệp chế tạo" là những công nghệ rất phù hợp với định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam.

Có quan hệ đối tác này, việc huy động nguồn lực sẽ dễ dàng thực hiện, tạo ra động lực đổi mới, sáng tạo.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập đạt kỷ lục mới

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký thành lập cả năm 2016 đạt kỷ lục mới với 110.100 doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015.

Số vốn các doanh nghiệp cam kết đưa vào thị trường trên 891.000 tỷ đồng, đạt quy mô 8,09 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp thành lập mới, tăng 48,1% so với năm 2015.

Năm 2016, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1% so với năm 2015. 

Đây là những con số hết sức “sống động” về sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây. Điều đó cho thấy “sức sống” của môi trường kinh doanh và những cơ hội đầu tư kinh doanh ngày càng hấp dẫn hơn. Thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn và đây chính là động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba giải pháp phát triển doanh nghiệp và câu chuyện khởi nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.