(HNM) - Sau rất nhiều nỗ lực, một định chế tài chính hoàn toàn mới dành cho phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) - Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã chính thức ra mắt. Đây là sự kiện quan trọng đối với cộng đồng khoa học và các doanh nghiệp có tinh thần đổi mới công nghệ đang ngày đêm tìm kiếm các
Doanh nghiệp - trung tâm của đổi mới công nghệ
Phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã nói lên nỗi trăn trở của cộng đồng KH-CN và đội ngũ quản lý KH-CN. Đó là dù ngành đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nhưng KH-CN chưa thực sự là động lực cho sự phát triển của đất nước. Bộ trưởng cho biết, hiểu rõ vị trí và tầm quan trọng của KH-CN, trong suốt 10 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, hoạt động trọng tâm của Bộ KH-CN hướng vào doanh nghiệp như nguồn cầu quan trọng của KH-CN, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực sự được coi là trung tâm của đổi mới công nghệ. Bởi chỉ có quan tâm đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có giá trị cao thì doanh nghiệp mới tồn tại được trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay.
Việc ra đời của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia sẽ góp phần phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao. Ảnh: Bích Ngọc |
Nhận thức sâu sắc và quyết tâm hành động, bên cạnh việc từng bước hình thành hệ thống chính sách, các chương trình KH-CN các chế định tài chính kèm theo cũng được xây dựng để hỗ trợ doanh nghiệp. Cơ chế quỹ đã được kiểm chứng về tính hiệu quả trong hoạt động KH-CN qua những thành công của Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia. Đi vào hoạt động từ năm 2008, Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia đã góp phần không nhỏ vào việc tăng số lượng công trình công bố quốc tế của Việt Nam trên các tạp chí ISI với mức tăng 20%/năm. Năm 2014, ngưỡng 2.000 bài báo quốc tế đã được vượt qua. Quỹ đã được cộng đồng KH-CN đánh giá cao.
Xây dựng, trình Chính phủ và cùng các bộ, ngành khác ban hành các cơ chế chính sách để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và cụ thể hóa Luật KH-CN 2013, trong đó đặc biệt là các cơ chế chính sách liên quan đến tài chính nhằm tháo gỡ các vướng mắc đã nhiều năm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động KH-CN là thành công lớn nhất của Bộ KH-CN trong năm 2014. Sự kiện Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia ra mắt và chính thức đi vào hoạt động, sự thành công của Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia cũng như sự ra đời trong tương lai của Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao là những minh chứng rõ nét nhất.
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp
Ra đời với mục đích nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm mới, dịch vụ mới, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia vừa là tổ chức tài chính, vừa là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng hỗ trợ tài chính, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ.
Đối tượng hỗ trợ của Quỹ chủ yếu là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Công nghệ mới, sản phẩm mới chỉ có thể được đưa ra thị trường thông qua các doanh nghiệp. Bởi vậy, Quỹ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, làm "bà đỡ" để doanh nghiệp "thai nghén" và cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới. Với nhiệm vụ đó, Quỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho các hoạt động: Nghiên cứu, phát triển công nghệ của doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ hoặc phục vụ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia; ươm tạo doanh nghiệp KH-CN; ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đào tạo cán bộ KH-CN phục vụ hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Để tạo thuận lợi cho Quỹ hoạt động, ngân sách nhà nước về hoạt động KH-CN sẽ cấp một nghìn tỷ đồng vốn điều lệ và sẽ cấp bổ sung hằng năm để đạt tổng mức vốn điều lệ đó. Quỹ được sử dụng đến 50% vốn ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các hình thức hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn. Vốn của Quỹ cũng được bổ sung từ các nguồn: huy động các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước; đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân; lãi cho vay từ các dự án vay vốn của Quỹ; các nguồn vốn hợp pháp khác.
Với bộ máy quản lý và điều hành đã được hình thành, các văn bản quản lý hoạt động đã được xây dựng, đặc biệt các định hướng, kế hoạch hoạt động cho giai đoạn trước mắt đã được xác định, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ để nâng sức cạnh tranh của chính mình, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.