Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba điều cần - Tự trọng, tự vấn và tự an ủi

Hải Giang| 28/12/2014 07:34

(HNM) - Đạo diễn điện ảnh Việt Linh vừa về nước để ra mắt hai cuốn sách mới. Những ngày cuối năm, chuẩn bị đón năm mới 2015 và Tết Nguyên đán, đạo diễn Việt Linh đã trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới về cuộc sống và về nghề.

- Thưa đạo diễn, xem phim “Gánh xiếc rong”, “Mê Thảo - Thời vang bóng”... và đọc sách của bà “5 phút với ga xép”, “Chuyện và Truyện”, “Ở đây có nắng”... hình dung ra người phụ nữ Việt Linh hoàn hảo quá: thông minh, hóm hỉnh, kiên cường, nhân hậu... Nhưng con người thì chắc chắn không ai hoàn hảo, bà tự thấy đâu là nhược điểm lớn nhất của mình?

Đạo diễn Việt Linh.


- Cảm ơn chị đã hình dung quá… quảng đại! Thật ra, trong các tác phẩm của mình, qua nhân vật, sự kiện, hình ảnh, câu chữ, tôi đã không ít lần, một cách gián tiếp hay trực tiếp, tự kiểm hay tự vấn. Như mọi người, tôi cũng có nhiều nhược điểm. Vấn đề là những nhược điểm đó không hoặc rất ít làm hại người khác, ngay cả khi nó là nhược điểm thật mà tôi luôn cố gắng tu sửa. Nói nhược điểm thật bởi có những thứ người ngoài xem là nhược điểm nhưng với tôi là riêng tư, đôi khi là… phẩm cách.

- Thời hiện đại, phụ nữ ngày càng làm được nhiều việc “to nhớn”, nhưng phụ nữ cũng cô đơn nhiều hơn. Theo bà, đâu là sức mạnh, là điều khác biệt cần có ở người phụ nữ để có thể sống độc lập và hạnh phúc?

- Câu hỏi này cũng “to nhớn” (cười). Với những gì đã trải nghiệm, tôi tin bên cạnh tác động khách quan của hoàn cảnh, rốt cuộc mỗi con người cũng làm chủ ngôi nhà cuộc sống của mình. Chìa khóa của ngôi nhà đó xoay quanh ba chữ tự trọng, tự vấn và (đôi khi phải) tự… an ủi. Tôi không nghĩ có nhiều khác biệt giữa nam giới và phụ nữ khi muốn sống độc lập và hạnh phúc. Khác chăng là phụ nữ có vẻ phải dùng khóa thường xuyên hơn…

- Cha của bà, nhà biên kịch Việt Tân đã để lại trong bà ấn tượng gì về cách sống và cách làm nghề?

- Tôi chịu ảnh hưởng của ba từ khi ông vắng mặt. Ba tôi đi tập kết khi tôi còn chưa biết nói. Bằng nhiều cách, tinh tế, kiên nhẫn và bí mật vì đang sống ở vùng địch, mẹ tôi gieo vào tôi ấn tượng về một người cha yêu nghệ thuật, sống cho lợi ích xã hội. Đó là hai ấn tượng tôi giữ được về cha và luôn cố gắng giữ cho bản thân.

- Thưa đạo diễn, đối với thế hệ sinh ra sau chiến tranh thì cái tên Việt Linh có phần xa xôi, phần vì đa số phim của bà ra đời cách nay cũng hai mấy gần ba mươi năm rồi. Tuy nhiên, giới trẻ tiếp xúc với bà lại thấy rất gần gũi. Khi làm việc, tiếp xúc với thế hệ sau bà thường nghĩ gì?

- Cảm ơn bạn! Thực sự là tôi luôn cảm giác gần người trẻ. Gần để nhớ về quá khứ của mình và tin vào tương lai của đất nước. Nhờ khoa học - kỹ thuật, các bạn trẻ bây giờ hiểu biết, độc lập, tự tin hơn các thế hệ đi trước. Nhưng sự độc lập, tự tin cũng dễ khiến tuổi trẻ trở nên ích kỷ.

Năm 16 tuổi, một lần, do hoàn cảnh, cô con gái sinh trưởng ở Pháp của tôi phải ở nhà một mình cả tuần. Ngày thứ năm, nàng viết thư cho mẹ như sau: “Con vừa ăn xong, đang dọn bếp. Con vừa dọn vừa tự hỏi, làm sao mà bà ngoại và mẹ có thể đứng bếp mỗi ngày, gần như là cả cuộc đời”. Tôi đã vui rơi nước mắt bởi qua bức email tiếng Việt chưa hoàn chỉnh là một nhân cách đang hoàn thiện, con tôi đang bắt đầu biết nghĩ tới người khác.

- Việt Linh có một kịch bản phim truyền hình mà chưa trở thành một tác phẩm điện ảnh. Có phải câu chuyện này liên quan một bài viết của bà tên là “Sợ trộm”. Trong đó có đoạn “Kính thưa ông... Tôi không thể viết theo đúng yêu cầu của ông được. Mong ông lượng thứ, cho tôi trả lại hợp đồng”?

- Truyện phim “Ở đây có nắng” không liên quan trực tiếp truyện ngắn “Sợ trộm” và câu nói bạn trích dẫn, nhưng nó liên quan gián tiếp và căn bản tới chìa khóa tự trọng, tự vấn của tôi. Và trong trường hợp trong truyện “Sợ trộm”, còn phải tự an ủi mất hợp đồng nhưng giữ được lòng tự trọng.

- Thưa đạo diễn, “Tủ sách điện ảnh” do bà và các đồng nghiệp khởi xướng, thực hiện đến đâu rồi? Bà có hài lòng với những gì mình và các đồng nghiệp đã làm được?

- Vì nhiều lý do, tôi vừa quyết định ngừng dự án “Tủ sách điện ảnh” sau 6 lần xuất bản. Cùng với nhiều đồng nghiệp, chúng tôi đã làm việc cật lực và hài lòng với những gì làm được. Phải ngừng dự án này là điều tiếc nuối bởi đây là cuộc bắt tay ấm áp, trong sáng và hiệu quả của nhiều thế hệ.

- Một năm mới nữa lại đến, bà đã từng nhập viện đúng ngày 28 tháng Chạp và đã vượt qua cơn bạo bệnh. Từ sau chuyến thử thách về sức khỏe ấy, với bà, cuộc sống có thay đổi gì không?

- Tự ví mình như “vua”, các bộ phận của cơ thể như “dân”, sau bạo bệnh tôi biết yêu và quan tâm các phản ứng của “dân” hơn (cười)!

- Bà có cảm giác gì khi thường phải đón Tết xa quê?

- Quê hương là nơi mình nghĩ về. Tết cũng vậy, tôi không thấy hụt hẫng nhiều khi đón Tết ở xa. Nếu muốn, ta có thể tạo cho mình mọi không khí theo tâm cảnh…

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba điều cần - Tự trọng, tự vấn và tự an ủi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.