LTS: Lâu nay, vấn đề bản quyền xuất bản được nhắc tới nhiều. Tuy nhiên, nhìn nhận thế nào cho thấu đáo từ chính thực tế vận động của ngành xuất bản mới là điều quan trọng. Ba câu chuyện dưới đây đặt ra những bộn bề có tính gốc gác quanh bản quyền xuất bản.
Mua, bán sách cũng là một hoạt động văn hóa cần được quan tâm. |
1. "Giấy phép" mất thiêng?
Việc các NXB "bán giấy phép" một cách dễ dàng và tràn lan bấy lâu nay đã trở thành một điều bình thường. Đáng buồn hơn còn đang diễn ra một cuộc chạy đua, cạnh tranh nhau về giá thu quản lý phí (QLP) ở các NXB. Và người được lợi đương nhiên là các nhà sách tư nhân. Cách đây chục năm, để xin được một giấy phép của NXB là điều không đơn giản. Chủ nhà sách phải đích thân lên gặp giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản trình bày. Còn giá QLP thì cứ tính 7% đến 9% giá bìa nhân số lượng. Hiện nay, tình hình quay ngoắt 180 độ. Các NXB đua nhau mọc ra, đua nhau giảm giá QLP. Có nơi biên tập viên (BTV) rủ nhau đi tiếp thị giá QLP và danh mục bản thảo tới từng nhà sách. Giá QLP giờ không tính theo % (trừ một số nhà "đặc thù" như Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Chính trị quốc gia…) mà khoán cho BTV. Giả sử quỹ lương của BTV một năm khoảng 30 triệu đồng thì anh làm sao phải thu được QLP 30 triệu đồng. Còn giá QLP thì dăm trăm một triệu hoặc hơn nữa. Giá QLP thấp, phải chạy theo số lượng thì khó có chất lượng. Nói như một BTV có kinh nghiệm là "bản thảo không vi phạm Điều 10 Luật Xuất bản thì… ôkê". Có chuyện, một NXB một năm cấp mấy trăm đến hàng nghìn giấy phép xuất bản nhưng nhà đó chỉ có mấy đầu sách tự phát hành, hoặc đặt hàng, còn lại toàn sách liên kết xuất bản.
Bên cạnh QLP, thì còn tình trạng cấp giấy phép cho những đầu sách không có hợp đồng bản quyền hoặc không biết chính xác có bản quyền hay không. Cũng có NXB thì yêu cầu giấy cam kết về bản quyền của đối tác, nhưng đối tác có thực hiện hay không lại là chuyện khác. Trong khi đó, các hợp đồng liên doanh - liên kết xuất bản đều ghi "Bên chịu trách nhiệm bản quyền (tức bên xin cấp giấy phép - tác giả chú thích) giải quyết mọi phát sinh liên quan tới quyền tác giả của xuất bản phẩm, chịu mọi phí tổn phát sinh từ đó…". Hiểu nôm na là NXB không có trách nhiệm giải quyết tranh chấp bản quyền. Trường hợp nhà sách Quỳnh Mai in ấn, phát hành hàng trăm đầu sách học ngoại ngữ của các NXB nước ngoài là một ví dụ. Trong trường hợp này trách nhiệm của NXB sẽ bị xử lý như thế nào?
2. In nối bản là vi phạm
Sách lậu có thể phân thành hai loại: sách in không đúng số lượng giấy phép của NXB (nhưng khó phân biệt bằng mắt, chỉ có nhà sách và nhà in biết với nhau) và sách in lậu có thể phân biệt được bằng mắt, giấy xấu, bìa mỏng, nhiều lỗi, in chỗ mờ chỗ tỏ. Hiện nay, sách in lậu ở hình thức thứ hai đang được dư luận soi kỹ nhưng về bản chất cả hai hành vi này đều đáng bị lên án như nhau. Có chăng, hành vi thứ nhất khó bị phát hiện bởi người thực hiện thường cũng chính là nhà sách. Với số lượng nhà in tư nhân mọc lên như nấm, có máy móc, có công nhân nhưng lại không có việc làm, thì việc nhận in lậu cho một vài đối tác là một "lối thoát"?!. Hơn nữa, mức xử lý vi phạm hiện nay không đủ sức răn đe. Có lẽ cần thiết phải nghiên cứu áp dụng biện pháp (như đã từng được nêu) là tịch thu máy móc với giá trị hàng chục tỷ đồng nhằm triệt để ngăn chặn hành vi in lậu.
3. Bán - mua sách còn là hoạt động văn hóa
Các siêu thị sách lớn và một số nhà sách uy tín thường không bán sách lậu (hoặc ít). Còn lại sách lậu được bán hầu hết ở các nhà sách bán lẻ. Sách in lậu chiết khấu cao, lợi nhuận lớn nên người bán nào chả ham. Ở Hà Nội, có công ty sẵn sàng chiết khấu cho nhà sách bán lẻ cao hơn để nhà sách đó không nhận bán sách in lậu sản phẩm của chính công ty mình.
Tuy nhiên, việc này không dễ. Chủ một hiệu ở phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí chia sẻ: nhà sách mình không bán sách in lậu, nhưng nhà bên cạnh bán, giá rẻ hơn nên hút hết khách. Sao làm ăn được? Có nhà sách nổi tiếng từ lâu trong giới làm lậu, ở đấy sách bị thiếu tôn trọng một cách "vô tư": sách nằm trên giá, dưới đất, xếp thành hàng và cả vứt lung tung. Ai cần mua cứ trèo lên, dẫm lên sách mà tìm. Mua, bán sách như thế, phỏng có văn hóa không? Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm đã trao đổi với Hànộimới: "Có ý kiến cho rằng sách lậu (rẻ tiền) cũng góp phần quảng bá tri thức, nhất là đối với sinh viên khó khăn. Đây là một quan điểm sai lầm. Đọc sách là một hành vi văn hóa. Mua sách lậu, được cái lợi trước mắt, nhưng hỏng về lâu dài. Rất cần một chiến lược tuyên truyền về việc mua sách có bản quyền là hành vi văn hóa".
Tuyên truyền, đúng vậy, nhưng bên cạnh người mua, hiện nay không ít người, cả giới trí thức chưa hiểu rõ về hoạt động xuất bản, cũng như bản quyền. Trên truyền hình, một cán bộ quản lý thị trường gọi một nhà sách là NXB?! Ở một cuộc trao đổi dịch sách khác, một trí thức cho rằng không lo bản quyền vì chỉ dịch để làm tài liệu tham khảo?!
Nhận thức hạn chế của xã hội về vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của ngành xuất bản nói chung cũng ảnh hưởng xấu đến thực thi bản quyền xuất bản. Năm 2010 được coi là năm ngành xuất bản tập trung xây dựng cơ chế chính sách. Hy vọng sẽ có bước đột phá!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.