Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ðẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thu Hằng| 24/11/2020 07:21

(HNM) - Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là xu hướng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là giải pháp then chốt, trọng tâm cho việc xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

Việc ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm chất lượng.

Nhiều kết quả nổi bật nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ước tính đến năm 2050, nền nông nghiệp cần tăng năng suất 60-110% để đáp ứng nhu cầu lương thực trong khi diện tích đất nông nghiệp mở rộng mới chỉ tăng dưới 5%.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong các giải pháp quan trọng, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp như nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt là giải quyết bài toán “cực đoan” về biến đổi khí hậu... phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp bao gồm: Cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học, tin học hóa... giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cả nước hiện có 47 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận. Ngoài 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Phú Yên, Bạc Liêu và Hậu Giang đã được thành lập, hiện Thủ tướng Chính phủ đang xem xét thành lập 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên, Quảng Ninh và Lâm Đồng.

Các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ cao tạo các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ở 3 trục sản phẩm. Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học và công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra… Hàng chục doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam miền Trung (tôm), Vingroup (rau)... Điều này đã làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững.

Hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam

Theo các chuyên gia, để xây dựng nền nông nghiệp thông minh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu; phấn đấu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu đến năm 2025 và 50% đến năm 2030 cần tập trung thực hiện tốt nhiều giải pháp.

Đó là đồng bộ cơ chế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Cần có cơ chế hỗ trợ đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong nông nghiệp; các cơ chế, quy chế phối hợp, liên kết viện, trường và doanh nghiệp để thúc đẩy xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... Ưu tiên phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ tích hợp trên nền tảng công nghệ số vào một số lĩnh vực trọng điểm về giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, chế phẩm sinh học, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường; phát triển công nghệ tái chế phế phụ phẩm nông nghiệp, hình thành nền sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, các thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thông minh, quản trị quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản xuất quy mô hàng hóa...

Và một trong các giải pháp hết sức quan trọng là phải đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế nhằm đưa những tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới trong nông nghiệp vào áp dụng; phát huy vai trò then chốt của doanh nghiệp trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ, sản phẩm nông nghiệp để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam thông minh, thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.