(HNNN) - “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” là một trong các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước giai đoạn 2016 - 2020 thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Vậy công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay ra sao, Nhà nước cần có những giải pháp gì để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao? Hà Nội Ngày nay đã ghi ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý xoay quanh vấn đề này.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học - Tâm lý - Giáo dục Việt Nam:
Ðặc biệt chú ý đến chất lượng đào tạo đại học, đào tạo nghề
Nguồn nhân lực chất lượng cao được hiểu là nguồn nhân lực đạt mức độ cao cả về phẩm chất đạo đức, năng lực tác nghiệp và có thể lực tốt. Đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, tôi cho rằng về cơ cấu, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện chưa hợp lý, mất cân đối và chưa đa dạng. Về số lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu rất nhiều, nhiều nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhiệm vụ chuyên gia tư vấn, thiết kế. Về chất lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện chỉ đạt ở mức trung bình.
Nguyên nhân là do giáo dục đại học Việt Nam trong những năm trước đây, vô hình trung đã tự hạn chế mình và phần nào “nhường lại” mảnh đất đào tạo chất lượng cao “béo bở” trên chính sân nhà cho các cơ sở đại học nước ngoài. Trước đây quy mô của mảng này còn nhỏ, nhưng sau khi gia nhập WTO, nhu cầu về nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế tăng nhanh. Đã và hiện sẽ còn nhiều nữa các cơ sở đào tạo nước ngoài vào Việt Nam. Đây là vấn đề lớn. Giáo dục đại học nước ta nếu không khẩn trương vào cuộc ngay hôm nay thì có thể chúng ta lại chậm chân một lần nữa.
Để có thể đào tạo tốt và có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tiếp tục thực hiện cải cách giáo dục, đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo trong cả nước, trong đó đặc biệt chú ý đến chất lượng đào tạo đại học, đào tạo nghề hướng vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo đòi hỏi của đất nước. Đặc biệt, đảm nhiệm việc đào tạo học sinh chuyên không phải chỉ là giáo viên trường chuyên mà phải có sự phối hợp của các trường đại học, các viện nghiên cứu. Quan trọng hơn, các cơ sở sản xuất, các trung tâm nghiên cứu khoa học phải có cơ chế để các cơ sở có tiềm năng đỡ đầu những học sinh có năng khiếu, có lòng say mê. Ngoài ra, cần có chiến lược phát hiện, thu hút chất xám, nhân tài người Việt Nam hiện đang ở nước ngoài về nước làm việc.
Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm:
Nhận thức đúng vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao
Việt Nam đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta có nền giáo dục dù chưa phải là tiên tiến, dẫn đầu nhưng đủ năng lực để đáp ứng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chưa kể, chúng ta có đầy đủ các nghị quyết, nghị định, thông tư của Đảng và Chính phủ, của các bộ, ban, ngành quan tâm tới vấn đề này...
Tuy nhiên, nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tới. Chế độ đãi ngộ đối với nhân tài hiện chưa thực sự nhất quán, hấp dẫn. Bên cạnh đó, hiện chúng ta chỉ chú trọng tới năng lực chuyên môn, đào tạo dàn trải, manh mún mà không có tầm nhìn xa để đón đầu. Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay thiếu bài bản. Việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất, các tập đoàn kinh tế với các trường đại học, cao đẳng chưa chặt chẽ, từ trước đến nay tuy manh nha, có làm đấy nhưng chưa thành chủ trương lớn...
Muốn đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì đầu tiên chúng ta phải nhận thức đúng vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, cần phân rõ trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo, các cơ quan phối hợp để tạo ra cơ chế phù hợp, chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp đó, chúng ta phải đặt mục tiêu tự đào tạo và đào tạo có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, không trông chờ vào nước ngoài. Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải bắt đầu từ trường phổ thông, việc định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện ngay khi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.
Như UNESCO nhận định thì học để biết nhưng học cũng chính là để làm, để cùng chung sống, và học để làm người, vì thế, tôi kiến nghị nội dung giáo dục đạo đức, lối sống phải gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bản thân học sinh phải thấy được sứ mệnh của mình, từ đó mới có thể thổi bùng khát vọng được đứng trong đội ngũ nhân lực chất lượng cao để phục vụ Tổ quốc...
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ:
Người thầy là nhân tố quyết định
Về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, đặc biệt là trong phạm vi các trường phổ thông bao gồm THCS và THPT, chúng ta đang đứng trước hai lựa chọn, đó là bảo đảm nhu cầu an sinh và thực hiện hội nhập quốc tế như tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Trên thực tế, ở các thành phố lớn, do mức độ tăng dân số cơ học quá nhanh, yêu cầu bảo đảm an sinh luôn đặt lên hàng đầu, do vậy, việc quan tâm dành nguồn lực cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều. Vì thế, cho dù Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố đề ra chỉ tiêu mỗi quận, huyện có ít nhất 1 trường chất lượng cao nhưng vì chưa đáp ứng được nhu cầu an sinh, nhu cầu có đủ trường lớp cho con em nhân dân nên nhiều nơi chưa xây dựng được trường chất lượng cao và quận Tây Hồ là một ví dụ.
Tuy nhiên, cho dù còn đó những khó khăn, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn rất quan trọng để tạo động lực thúc đẩy đất nước bắt kịp đà hội nhập và phát triển của thế giới. Bởi vậy, để nhân rộng hơn nữa các mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tiên, chúng ta cần tạo cho các trường chất lượng cao quyền tự chủ thực sự. Tiếp đó, chúng ta cần có cơ chế về đất đai, cơ sở vật chất để khuyến khích các tập đoàn, công ty tư nhân xây dựng, thành lập các trường chất lượng cao. Nhà nước nên dừng lại ở việc xây dựng các trường đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.
Đặc biệt, trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tôi đánh giá cao vai trò của người thầy. Người thầy chính là nhân tố quyết định, người truyền cảm hứng, đánh thức tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển nội lực của học sinh. Tạo cho người học cảm hứng là cách khơi nguồn sáng tạo, để từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.