(HNM) - Lo ngại về nguy cơ một quốc hội "treo" do không đảng nào giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử hạ viện hôm 21 vừa qua - điều chưa từng xảy ra tại xứ sở Kangaru từ 70 năm nay - đã có lối thoát.
Công đảng của tân Thủ tướng Julia Gillard vừa giành thêm được sự ủng hộ của hai nghị sĩ độc lập Tony Windsor và Rob Oakeshott (chiều 7-9) để có thể thành lập chính phủ mới. Hai lá phiếu quan trọng có được vào phút chót không chỉ giúp Công đảng hội đủ 76 ghế cần thiết để chiếm đa số trong Quốc hội 150 ghế, giúp nữ Thủ tướng J.Gillard tiếp tục đứng vững mà còn góp phần phá vỡ thế bế tắc trên chính trường Australia trong hơn hai tuần qua. Công đảng cầm quyền đã chọn bà J.Gillard làm Thủ tướng mới của Australia hồi tháng 6 vừa qua sau một cuộc bỏ phiếu nội bộ.
Nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia Julia Gillard sẽ thành lập Chính phủ sau khi giành được sự ủng hộ của hai nghị sĩ độc lập chiều 7-9. Ảnh: AFP |
Không phải ngẫu nhiên hai nghị sĩ độc lập trên lại trao "số phận" cho Công đảng cầm quyền của nữ Thủ tướng J.Gillard. Với nghị sĩ Tony Windsor, việc triển khai kế hoạch xây dựng mạng internet băng thông rộng trên toàn quốc và chương trình đối phó với biến đổi khí hậu là lý do chủ yếu khiến ông ủng hộ Công đảng. Trong khi đó, hạ nghị sĩ Rob Oakeshott quyết định ủng hộ Công đảng vì ông coi trọng sự ổn định tại Quốc hội và lợi ích của các vùng miền của Australia.
Lên nắm quyền cách đây chưa đầy 3 tháng sau khi người tiền nhiệm Kevin Rudd phải ra đi vì mất uy tín trước cử tri cũng như gây ra bất đồng trong nội bộ Công đảng cầm quyền, sự kiện bà J.Gillard trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước và là thủ tướng thứ 27 của Australia được kỳ vọng sẽ đem lại luồng gió mới cho nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, sự thất bại của Công đảng trong cuộc đấu quyền lực đầy cam go hôm 21-8 vừa qua đã không chỉ dội gáo nước lạnh vào những nỗ lực của Thủ tướng J.Gillard mà còn cho thấy sự hoài nghi của cử tri Australia về khả năng chèo lái con thuyền kinh tế cũng như xử lý một loạt vấn đề nóng của đất nước ở nhà lãnh đạo 49 tuổi này. Sự chia rẽ trong Công đảng trước đó là nguyên nhân lớn khiến đảng này đánh mất sự ủng hộ của cử tri và bị phe đối lập khai thác triệt để. Điều này dự báo tương lai đầy thách thức trên chiếc "ghế nóng" mà bà J.Gillard vừa giành được.
Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ của hai nghị sĩ độc lập Tony Windsor và Rob Oakeshott có ý nghĩa quyết định sống còn với sự tồn tại của Công đảng cầm quyền cũng như chiếc ghế của Thủ tướng J.Gillard. Ngược lại, sự ủng hộ Công đảng của hai nghị sĩ độc lập như một đòn mạnh giáng lên thủ lĩnh đối lập Tony Abbott, giúp bà Julia tránh được nguy cơ trở thành một trong những thủ tướng cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử Australia. Đây cũng là mong muốn của nhiều cử tri Australia trong bối cảnh những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa thực sự chấm dứt. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do Tập đoàn truyền thông Fairfax phối hợp với JWS Research thực hiện vừa công bố cho thấy, 37% số cử tri Australia mong muốn cả ba hạ nghị sĩ độc lập ủng hộ Công đảng đứng ra thành lập Chính phủ mới.
Những tranh cãi trên chính trường Australia đã khép lại sau quyết định của hai nghị sĩ độc lập trên. Song, điều đó không có nghĩa con đường chinh phục lòng tin với cử tri Australia của nữ Thủ tướng J.Gillard sẽ thuận buồm xuôi gió. Gánh nặng vực dậy nền kinh tế cùng một loạt vấn đề cấp thiết mà Chính phủ Australia đang phải đối mặt là những thách thức không dễ vượt qua với nữ Thủ tướng J.Gillard. Với kinh nghiệm lãnh đạo, trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh quốc gia còn khá khiêm tốn, đặc biệt trong bối cảnh một chính phủ liên minh hiện nay, làm thế nào để hoạt động hiệu quả xem ra không đơn giản với Thủ tướng J.Gillard.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.