Sáng 21/8, cử tri Australia đi bỏ phiếu bầu Quốc hội liên bang khóa 43. Cuộc tổng tuyển cử này được đánh giá sẽ có kết quả sít sao nhất trong vòng 50 năm qua.
Hai đối thủ chính ganh đua quyết liệt là Công đảng cầm quyền của Thủ tướng Julia Gillard và liên đảng Tự do-Dân tộc đối lập do ông Tony Abbott lãnh đạo.
Một cử tri Australia đi bỏ phiếu. (Nguồn: Getty Images) |
Các điểm bỏ phiếu đã bắt đầu mở cửa từ 8 giờ sáng (giờ địa phương).
Theo Ủy ban Bầu cử Australia (AEC), hơn 14 triệu cử tri sẽ bỏ phiếu tại khoảng 7.700 địa điểm ở sáu tiểu bang và hai vùng lãnh thổ để bầu toàn bộ 150 ghế ở Hạ viện và bầu lại 40 ghế trong tổng số 76 ghế của Thượng viện.
Tổng cộng có 1.198 ứng cử viên ra tranh cử, trong đó có 849 người ứng cử vào Hạ viện với nhiệm kỳ ba năm và 349 người ứng cử vào Thượng viện với nhiệm kỳ sáu năm (trừ 4 ghế dành cho Vùng lãnh thổ thủ đô và Vùng lãnh thổ phía Bắc có nhiệm kỳ 3 năm).
Luật pháp Australia quy định đi bầu cử là nghĩa vụ của các công dân từ 18 tuổi trở lên khi đã đăng ký cử tri và có thể bị phạt tiền nếu không tham gia.
Cuộc bầu cử năm nay được cho là gay go và quyết liệt nhất trong nhiều thập niên qua, với tỷ lệ ủng hộ dành cho hai phe chỉ chênh nhau vài phần trăm.
Chính phủ Công đảng bắt đầu tranh cử với ưu thế dẫn trước, nhưng kết quả thăm dò dư luận ngay trước thềm bầu cử cho thấy phe đối lập đang giành thế cân bằng và cả hai phía đang ráo riết vận động những cử tri còn do dự.
Các chủ đề vận động tranh cử ở Australia năm nay chủ yếu tập trung vào chính sách kinh tế và việc làm, dân số và người nhập cư, kế hoạch "siêu thuế" 30% đánh vào lợi nhuận của ngành khai mỏ, biến đổi khí hậu và môi trường, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội. Các vấn đềvề an ninh-quốc phòng và ngoại giao - những lĩnh vực mà cả Thủ tướng Gillard và thủ lĩnh đối lập Abbott đều được đánh giá là hầu như không có kinh nghiệm được đề cập ít.
Thủ tướng Gillard đã phải gắng sức thuyết phục các cử tri sau cuộc "đảo chính không đổ máu" gây nhiều tai tiếng trong nội bộ Công đảng khiến ông Kevin Rudd phải từ chức hồi tháng Sáu, và tiếp theo là những dị nghị xung quanh lập trường của bà Gillard khi còn làm cấp phó cho ông Rudd.
Phe đối lập cũng đang gặp khó khăn về lãnh đạo, với việc ông Abbott cuối năm ngoái trở thành thủ lĩnh thứ ba trong vòng một năm, thay ông Malcolm Turnbull bị lật đổ vì ủng hộ kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Chính phủ Công đảng.
Theo quy định, đảng nào giành được 76 ghế tại Hạ viện là có thể đứng ra thành lập chính phủ. Liên đảng đối lập cần giành thêm 17 ghế Hạ viện nữa để nắm quyền, trong khi Công đảng hiện đang nắm 83 ghế phải cố gắng chỉ được để mất tối đa 7 ghế.
Trong trường hợp không đảng nào giành đủ 76 ghế cần thiết, cán cân quyền lực sẽ do các hạ nghị sĩ độc lập và có thể là một hạ nghị sĩ đầu tiên của đảng Xanh quyết định.
Các nhà phân tích cho rằng đảng Xanh sẽ có khoảng 10 thượng nghị sĩ sau cuộc bầu cử ngày 21/8 và nắm vai trò chi phối cán cân quyền lực ở Thượng viện.
Các phòng bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào 18 giờ cùng ngày.
Theo thông lệ, kết quả bầu cử sẽ được công bố ngay trong đêm. Tuy nhiên, trong trường hợp kết quả sít sao đến mức không thể công bố thắng lợi ngay, thì việc kiểm phiếu có thể sẽ kéo dài vài ngày hoặc thậm chí vài tuần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.