(HNM) - Với 15 hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có hiệp định thương mại với 60 nền kinh tế. Đây là những con "át chủ bài" mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta.
21h ngày 29-12-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len (UKVFTA) chính thức ký kết tại Luân Đôn, Vương quốc Anh. Cùng với 14 hiệp định thương mại tự do ký kết trước đó, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có độ mở lớn, quan hệ thương mại với hàng trăm thị trường và nền kinh tế trên thế giới.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), sản phẩm xuất khẩu Việt Nam hiện chỉ chiếm không quá 1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Anh. Với cam kết sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ 99,2% số dòng thuế nhập khẩu, nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam có lợi thế lớn xuất khẩu vào Anh và cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế 0% 10 mặt hàng nông sản. Còn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu sẽ tạo lợi thế to lớn cho xuất khẩu của nước ta.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, ngành điện tử Việt Nam hiện nhập nguyên liệu từ Nhật Bản, Hàn Quốc; ngành dệt may nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc… Khi RCEP có hiệu lực, các hàng hóa kể trên sẽ hưởng ưu đãi thuế bởi quy tắc xuất xứ nội khối và hứa hẹn đạt tăng trưởng cao.
Điểm qua những lợi ích to lớn từ hai hiệp định thương mại Việt Nam vừa ký kết cuối năm 2020 để thấy dư địa, cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam là rất lớn. Trước đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo “cú hích” lớn cho xuất khẩu nước ta khi hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu liên tục tăng cao. Đặc biệt, kết quả kim ngạch xuất khẩu nước ta năm 2020 đạt con số 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 cho thấy tận dụng các hiệp định tự do chính là “át chủ bài” cho tăng trưởng xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 4-5% so với năm 2020, Bộ sẽ tập trung tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để phát triển thị trường xuất khẩu, thâm nhập các thị trường mới. Bộ cũng sẽ tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nắm vững các cam kết về thuế quan và quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, từ đó điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp với yêu cầu và thị hiếu người tiêu dùng ở các thị trường mới. Đồng thời nắm bắt thông tin thị trường để chủ động sản xuất, xuất khẩu; tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút đầu tư trực tiếp, tận dụng hiệu quả nguồn vốn và công nghệ, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để tạo bứt phá cho tăng trưởng xuất khẩu, vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt với các thị trường khó tính như: Anh, Liên minh châu Âu. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nêu giải pháp: “Năm 2021, Cục sẽ tập trung nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng giá trị cho sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Từ phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện nhiều hơn, nhất là các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường để có thêm cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.