(HNMO) - Chiều 12-11, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời là nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.
Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nhật Bản luôn là đối tác tin cậy của ASEAN, đóng góp tích cực cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.
Vinh dự đảm nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản và các nước ASEAN khác để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa hai bên, phát huy nền tảng “mối quan hệ đối tác từ trái tim đến trái tim”.
Thủ tướng hoan nghênh Nhật Bản ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tích cực tham gia đóng góp vào các khuôn khổ đối thoại và hợp tác khu vực do ASEAN chủ trì.
Thủ tướng ghi nhận Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế hàng đầu, đối tác thương mại lớn thứ tư và là nhà đầu tư thứ hai của ASEAN. ASEAN đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đa dạng hóa thị trường cũng như điểm đến đầu tư trong xu thế chuyển dịch các chuỗi cung ứng tại khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản, ủng hộ đoàn kết ASEAN và coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản đánh giá cao các nỗ lực của ASEAN trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, trong ứng phó dịch bệnh ngay từ khi mới bùng phát, khẳng định tiếp tục hỗ trợ ASEAN kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi.
Thủ tướng Nhật Bản công bố chương trình đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho khách nước ngoài tới Nhật Bản, hỗ trợ đào tạo 1.000 thực tập sinh trong vòng 3 năm cũng như thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho các nước trong khu vực.
Các lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản ghi nhận những kết quả tích cực trong triển khai kế hoạch hành động 2018-2022 thực hiện Tuyên bố tầm nhìn quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản, với 95% dòng hành động đã và đang được triển khai.
Các nước ASEAN hoan nghênh các sáng kiến, đề xuất hợp tác thiết thực của Nhật Bản tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về Covid-19 (tháng 4-2020). ASEAN đánh giá cao Nhật Bản cam kết đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và đặc biệt hỗ trợ 50 triệu USD thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.
Thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong kiểm soát và đẩy lùi nguy cơ Covid-19, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh, từng bước phục hồi và ổn định đời sống kinh tế - xã hội, duy trì chuỗi sản xuất - cung ứng khu vực…
Hai bên khẳng định triển khai hiệu quả Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản có hiệu lực từ tháng 8-2020, tiếp thêm động lực mới tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư hai bên. ASEAN khẳng định luôn là thị trường rộng mở đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế, trong đó có Nhật Bản.
ASEAN và Nhật Bản nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai Tuyên bố chung ASEAN - Nhật Bản về kết nối thông qua năm 2019, gắn kết triển khai kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 với chương trình đối tác mở rộng hạ tầng chất lượng cao của Nhật Bản.
ASEAN đề nghị Nhật Bản tiếp tục tích cực hỗ trợ ASEAN nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy hợp tác tiểu vùng, bao gồm thông qua khuôn khổ hợp tác Mê Kông - Nhật Bản.
Tại hội nghị, hai bên đã nhất trí thông qua Tuyên bố về hợp tác ASEAN - Nhật Bản về quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), khẳng định sẵn sàng phối hợp triển khai tuyên bố này, thúc đẩy hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực hợp tác ưu tiên cùng quan tâm và phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của AOIP.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các lãnh đạo nhìn nhận còn những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở các khu vực trên thế giới, trong đó có vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông. ASEAN và Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Nhật Bản khẳng định ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Chia sẻ ý kiến của các nước tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rõ quan điểm của Việt Nam phù hợp với lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông đã được khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, cũng như tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, nhằm xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định và hợp tác.
* Trong khuôn khổ hội nghị, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và các lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản, đã công bố chính thức thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) với sự hỗ trợ tích cực của Nhật Bản, góp phần nâng cao năng lực y tế, tăng cường khả năng điều phối quốc gia và khu vực, ứng phó với dịch bệnh trong tương lai.
Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hoan nghênh việc thành lập trung tâm, khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN đưa trung tâm sớm đi vào vận hành ổn định, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.