(HNM) - Lực lượng Armenia vừa trao lại quyền kiểm soát vùng Aghdam giáp Nagorno - Karabakh cho quân đội Azerbaijan. Đây là một trong 9 điểm của bản thỏa thuận hòa bình mà Azerbaijan và Armenia đã ký kết với vai trò trung gian của Nga. Thỏa thuận này được xem là bước đệm quan trọng trong tiến trình giải quyết cuộc đối đầu dai dẳng giữa hai nước tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno - Karabakh.
Theo tuyên bố khẩn cấp được thông qua hồi đầu tháng 11 giữa các nguyên thủ Nga, Armenia và Azerbaijan, các hành động thù địch tại Nagorno - Karabakh phải chấm dứt. Hai bên cũng đồng ý trao đổi tù binh và trao trả các vùng lãnh thổ chiếm được trong thời gian giao tranh vừa qua. Do đó, tiếp sau Aghdam, phía Armenia sẽ trao trả huyện Kalbajar, nằm giữa vùng Nagorno - Karabakh và Armenia vào ngày 25-11 và huyện Lachin trước ngày 1-12.
Để tăng hiệu quả kiểm soát việc các bên xung đột thực hiện thỏa thuận, một trung tâm gìn giữ hòa bình do Nga đảm nhiệm sẽ được triển khai. Những hoạt động tái thiết, xây dựng các tuyến đường mới bảo đảm kết nối Nagorno - Karabakh và Armenia cũng sẽ được đặt dưới sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Việc triển khai gần 2.000 binh sĩ Nga là yếu tố cần thiết để bảo đảm thỏa thuận ngừng bắn mới sẽ được các bên triển khai một cách nghiêm túc, có trách nhiệm hơn, tránh rơi vào tình trạng đổ vỡ như cả ba lệnh ngừng bắn trước đây. Sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Nga tại Nagorno - Karabakh sẽ kéo dài trong 5 năm và sẽ tự động gia hạn thêm 5 năm nếu trước thời hạn kết thúc 6 tháng Armenia hoặc Azerbaijan không phản đối.
Như vậy, thỏa thuận này đã khép lại 1/4 thế kỷ quân đội Armenia nắm quyền kiểm soát đối với khu vực vùng núi xa xôi, hẻo lánh Nagorno - Karabakh. Và giờ đây, lực lượng của xứ sở Bạch dương sẽ đứng ra canh gác vùng biên giới này.
Thực tế, các cuộc đụng độ khốc liệt giữa lực lượng của Azerbaijan và quân ly khai Armenia nổ ra vào cuối tháng 9 tại khu vực Nagorno - Karabakh khiến hàng nghìn người thương vong, nhiều người khác phải rời bỏ nhà cửa. Trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp, Armenia đã chấp nhận một bản thỏa thuận về cuộc xung đột dai dẳng với người láng giềng. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thừa nhận, thỏa thuận này không phải là chiến thắng cho Armenia, song ông khẳng định đây là điều tốt nhất trong bối cảnh hiện nay. Về phần mình, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cũng nhấn mạnh, thỏa thuận 3 bên vừa đạt được là điểm then chốt trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột.
Trong khi đó, với vai trò trung gian, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin tưởng, thỏa thuận đạt được sẽ thiết lập các điều kiện cần thiết để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng Nagorno - Karabakh về lâu dài dựa trên cơ sở luật pháp và những lợi ích của 2 quốc gia Azerbaijan và Armenia. Quan trọng hơn, với thỏa thuận trên, Tổng thống V.Putin giành được chiến thắng trên cả hai mặt: Vừa đóng vai trò nhà trung gian và hòa giải tái tạo lại khu vực, vừa thiết lập được sự hiện diện lâu dài của quân đội Nga trong vùng. Có thể nói, sau Syria, Nga đang tỏ rõ vai trò là quốc gia thiết lập hòa bình khi hòa giải thành công dẫn tới chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài nhiều tuần giữa Armenia và Azerbaijan.
Theo các nhà phân tích, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn giữa Armenia và Azerbaijan khi những bất đồng này đã tồn tại hơn 30 năm qua là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, lần này, với sự vào cuộc quyết liệt hơn của cộng đồng quốc tế, nhất là vai trò trung gian hàng đầu của Nga, thỏa thuận ngừng bắn mới có nhiều khả năng được các bên tuân thủ một cách nghiêm túc hơn, góp phần tạo điều kiện cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Nagorno - Karabakh một cách lâu dài và toàn diện. Bởi các bên liên quan cuộc xung đột đều nhận thấy rằng chỉ có chấm dứt giao tranh, ngồi vào bàn đàm phán mới có hy vọng tìm được một giải pháp chính trị bền vững vì lợi ích của người dân hai nước Armenia và Azerbaijan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.