Theo dõi Báo Hànộimới trên

APEC 24 - Thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Quang Huy| 17/11/2016 06:31

(HNM) - Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 24 với chủ đề

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao và doanh nhân đến từ 21 nền kinh tế APEC sẽ thảo luận về tương lai của các chính sách thương mại quốc tế, tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống của các nước thành viên.

Peru đã sẵn sàng cho APEC 24.



Tăng trưởng kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu hiện đang suy giảm trong khi các vấn đề an ninh và môi trường tác động mạnh đến triển vọng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tự do thương mại đang bị đe dọa khi ngày càng xuất hiện nhiều chương trình bảo hộ và phá giá tiền tệ. Hồi tháng 10, các Bộ trưởng Tài chính APEC đã nhấn mạnh: Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu, đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp làm giảm tăng trưởng và khả năng phục hồi của các nền kinh tế thành viên. Bên cạnh đó, việc một loạt các hiệp định thương mại tự do có nguy cơ “đổ bể” trước những thay đổi chính sách của các quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững trong khu vực. Nguy cơ đình trệ của các thỏa thuận được kỳ vọng như Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) có thể tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, nhất là thành viên của APEC. Điều này sẽ khiến các quốc gia Châu Á khó dành các nguồn lực của mình để đáp ứng những thách thức chung liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, chống khủng bố và các thách thức toàn cầu khác.

Do vậy, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận về thực trạng kinh tế toàn cầu và khu vực, các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng. Các thành viên đều nhận thức rõ nhu cầu cần tăng cường hợp tác và liên kết trong APEC để duy trì đà tăng trưởng, đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò của Diễn đàn. Các lãnh đạo APEC sẽ tập trung vào 4 ưu tiên chính về liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, thị trường lương thực, hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như phát triển vốn nhân lực. Đây cũng là những nội dung xuyên suốt mà nước chủ nhà Peru cùng 20 nền kinh tế thành viên còn lại đã thúc đẩy trong cả năm APEC 2016. Trao đổi về các cách thức thúc đẩy quá trình quốc tế hóa và sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97% tổng số doanh nghiệp tại các nền kinh tế APEC) trong chuỗi giá trị toàn cầu, xác định các mục tiêu chung nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ thương mại số, dịch vụ và kinh tế tri thức cũng là vấn đề trọng tâm của chương trình nghị sự. APEC 24 đồng thời là dịp để các quốc gia thành viên đẩy mạnh nỗ lực hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, các định hướng hợp tác thông qua năm 2014-2015 cũng như hướng tới Hiệp định Thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu và khan hiếm nguồn nước, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận việc phát huy vai trò của APEC như một cơ chế thúc đẩy các chính sách ứng phó với nguy cơ mất an ninh lương thực. Để thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế sâu rộng tại khu vực, các biện pháp tăng cường kết nối cứng (kết nối chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực), kết nối số, kết nối thể chế và kết nối con người trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ là những nội dung quan trọng của APEC lần này.

Với phương châm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương, Đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu sẽ tham dự APEC 24. Việt Nam sẽ khẳng định vị thế chủ nhà APEC 2017, vận động sự ủng hộ, phối hợp của các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuẩn bị tổ chức năm APEC 2017, đồng thời thúc đẩy những vấn đề Việt Nam và ASEAN cùng quan tâm, như: tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nhân lực. Trên tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam xác định việc tham gia và đóng góp tích cực vào hợp tác APEC là ưu tiên nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
APEC 24 - Thúc đẩy tăng trưởng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.