Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp nhanh, sửa chậm

Nguyễn Hòa Bình| 07/01/2011 06:58

(HNM) - Đóng thuế thu nhập cá nhân là nghĩa vụ xã hội của người lao động và cũng để bảo đảm quyền lợi cho chính họ trong tương lai. Song với mức thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/tháng giữa thời bão giá này, người lao động vừa phải co kéo thật khéo, vừa phải hạn chế chi tiêu tới mức tối thiểu may ra mới không phải đứt bữa hoặc bữa cơm, bữa cháo.


Nhưng, ngay cả với những người được xếp là có thu nhập cao, thì mức trượt giá (nói theo thuật ngữ thống kê là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng) hằng năm mà năm 2009 là 6,7%, năm 2010 là 11,75%, cũng đã đẩy họ xuống hàng "dân nghèo thành thị".

Khi Bộ Tài chính đưa ra phương án áp thuế với người có thu nhập cao (thực hiện từ năm 2009) mà mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng/tháng hay mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng, đã có không ít ý kiến của các chuyên gia, của những người phải nộp thuế đề nghị các cơ quan chức năng nên xem xét, cân nhắc với tình hình thực tế của đời sống kinh tế - xã hội để người có thu nhập cao vừa thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, vừa thật sự có một cuộc sống tương đối ổn định.

Nhưng, xem ra, các nhà hoạch định chính sách hơi quá lạc quan về những dự báo của mình, nên thuế thì cứ đúng ngày giờ là áp cho nhanh, còn điều kiện sống của những người được xem là có thu nhập cao, các vị ấy cho rằng, đã hơn ối người lao động khác, đâu đến nỗi phải băn khoăn?

Chỉ có điều, khi giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu gõ cửa từng nhà, khi mục tiêu kích cầu tiêu dùng đạt hiệu quả chưa cao, chúng ta mới giật mình nhìn lại. Và, ngành tài chính đang tính tới việc sửa đổi một số quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân, mà theo dự kiến mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng có thể được nâng lên theo hai cách: Một là điều chỉnh tăng lên mức 6 triệu đồng/tháng; hai là: Thu hẹp bậc chịu thuế. Thêm nữa, mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng dự kiến được điều chỉnh bằng 3 lần lương tối thiểu, khoảng 2,4 triệu đồng/người/tháng.

Vẫn biết, trong quá trình vận động và phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, không có điều gì là bất biến. Nhưng, nếu chúng ta không thay đổi cách nghĩ, cách làm theo kiểu cứ lẽo đẽo đi theo sau thực tế để sửa đổi, điều chỉnh chính sách, thì không chỉ riêng ở lĩnh vực thuế thu nhập cá nhân, mà ngay cả với những vấn đề kinh tế vĩ mô và quản lý xã hội khác, người lao động sẽ luôn phải đối mặt với tình trạng bất ổn, từ đó dễ nảy sinh các hiện tượng tiêu cực như làm ăn gian dối, trốn thuế, gian lận thuế... vừa khiến Nhà nước thất thu, vừa tạo nên tâm lý sống đối phó, làm giảm đi các mặt tích cực trong đời sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp nhanh, sửa chậm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.