(HNM) - Để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 7% như Chính phủ đề ra, thời gian còn lại, mỗi tháng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phải đạt khoảng 0,3%. Tuy nhiên, áp lực từ chỉ số giá sản xuất (PPI) lại đang đè nặng CPI.
PPI "đẩy" CPI
Chỉ số CPI đã tăng 0,75% trong tháng 3, khá cao so với cùng kỳ các năm gần đây, nâng chỉ số CPI quý I-2010 lên 4,12% - chiếm hơn nửa "định mức" mà Chính phủ đề ra. Trên thực tế, không phải đợi đến khi Tổng cục Thống kê công bố mới thấy được chỉ số giá tiêu dùng tăng mà ngay trong tiêu dùng hằng ngày, người dân cũng có thể cảm nhận được điều này.
Chọn mua thực phẩm tại Siêu thị Hapromart (Giảng Võ). Ảnh: Linh Tâm |
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, quý I-2010, tại các siêu thị ở Hà Nội, giá thực phẩm đã tăng đáng kể, mức trung bình từ 7-8%. Chẳng hạn, bánh kẹo tăng 2-6%, thủy, hải sản tăng 5-10%, thực phẩm chế biến tăng 2-7%, đặc biệt là sữa tăng từ 5-18%. Một mặt bằng giá mới đã và đang dần hình thành. Với cơ cấu hàng hóa lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 42% rổ hàng hóa, CPI tăng cao là điều khó tránh khỏi.
Một loạt yếu tố sẽ khiến giá đầu vào của sản xuất tăng cao trong thời gian sắp tới. Từ ngày 1-3, nhiều nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất đã tăng giá bán, như giá than (bán cho điện) tăng đến 47% tùy loại, giá điện tăng 6,8%, giá nước Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều tăng 40-50%. Giá đầu vào tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, buộc họ thu hẹp quy mô hoặc phải tăng huy động vốn. Trong khi đó, lãi suất cho vay với cơ chế thỏa thuận đối với doanh nghiệp ngày càng tăng khiến chi phí đầu vào đội thêm, tạo các đợt sóng và đẩy doanh nghiệp vào cái vòng luẩn quẩn: hiệu quả sản xuất thấp - giá thành cao. Điều này được minh chứng trong quý I-2010. Nếu như chỉ số CPI tăng 8,51% so với cùng kỳ năm 2009 thì PPI nông nghiệp tăng 11,6%, PPI công nghiệp tăng 9,4%. Như vậy PPI đã tăng nhanh hơn CPI. Áp lực như vậy sẽ khiến nhà sản xuất đẩy giá để thu hẹp khoảng cách giữa PPI và CPI và như vậy sẽ tạo lực đẩy với CPI.
Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chỉ số CPI trong quý II-2010 tiếp tục tăng. Theo quy định của Chính phủ, mức lương tối thiểu chung thực hiện từ ngày 1-5 là 730.000 đồng/tháng. Mà theo thông lệ, mỗi khi tăng lương thì giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu lại "té nước theo mưa".
Các "ông lớn" ở đâu?
Trước việc hàng hóa tăng cao, UBND thành phố Hà Nội đang lên kế hoạch xây dựng chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Trước đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng đề án chiến lược tạo nguồn hàng thiết yếu bình ổn thị trường đến năm 2015. Có 8 nhóm mặt hàng thiết yếu được đưa vào đề án do thành phố chủ động điều tiết, bao gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm và sữa. Các mặt hàng thiết yếu khác do trung ương quản lý, thành phố sẽ phối hợp để bảo đảm cung cầu cho người dân như xăng dầu, xi măng, thép xây dựng, muối, sữa, cước vận chuyển hành khách… Dự kiến, đề án này được Sở Công thương báo cáo Thường trực UBND thành phố trong tháng này.
Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện nay các quỹ bình ổn còn rất hạn chế về quy mô cũng như số lượng. Trong khi đó, các đầu tàu là các tổng công ty nhà nước chưa phát huy hết sức mạnh cũng như vai trò. Có thể dùng các biện pháp hành chính mãi được không? Vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở quy luật cung cầu hàng hóa, phân phối, lưu thông, mặt bằng… Các vấn đề này đều không mới nhưng trên thực tế chưa được cải thiện bao nhiêu. Doanh nghiệp vẫn thiếu vốn, nhà phân phối thì vẫn khó khăn về mặt bằng, hàng hóa phải qua nhiều khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng… Chỉ lấy một ví dụ nhỏ là thời gian vừa rồi giá sữa liên tục tăng. Các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp mang tính hành chính như niêm yết giá công khai, khống chế thời gian và tỷ lệ tăng… nhưng kết quả, giá sữa vẫn leo thang. Mấu chốt của vấn đề là phải giải quyết triệt để bài toán cung cầu. Lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa. Còn nếu như nhu cầu vẫn tăng mà hàng vẫn khan hiếm thì khó có thể nói đến chuyện bình ổn giá. Trong ví dụ này, vai trò của các công ty nhà nước - các "ông lớn" của nền kinh tế ở đâu? Nếu như có một tổng công ty nhà nước có chức năng xuất nhập khẩu và phân phối đứng ra nhập sữa để bình ổn thì liệu có xảy ra tình trạng hơn 200 công ty tư nhân nhập khẩu sữa làm mưa làm gió trên thị trường?
Câu trả lời là không.
Vẫn nan giải chỉ số ICOR
Nguồn gốc lạm phát tại Việt Nam thường gắn với tăng trưởng. Tăng trưởng của Việt Nam không dựa trên năng suất lao động (thường thấp hơn 2 đến 32 lần so với khu vực và thế giới) mà chủ yếu dựa trên tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô. Thống kê cho thấy, chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) năm 2007 là 5,2, năm 2008 tăng lên 6,66 và năm 2009 tăng lên trên 8. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần phải kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng, rà soát, cơ cấu và khống chế tỷ lệ tín dụng nhất định đối với các lĩnh vực như tài chính, bất động sản, chứng khoán, các dự án đầu tư kém hiệu quả để tập trung đầu tư cho sản xuất... Bởi nếu lượng cung tiền nhiều mà không tạo được sản phẩm hàng hóa thì càng đẩy lạm phát tăng cao và người dân sẽ là đối tượng phải gánh chịu.
Khả năng mức lạm phát lên mức hai con số như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo có thể xảy ra hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng điều hành linh hoạt của Chính phủ. "Mức lạm phát 7% mà Chính phủ dự kiến là quá lý tưởng nhưng mức thấp nhất cũng phải trên 9%" - nhiều ý kiến nhìn nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.