(HNM) - Siết chặt kỷ luật tài khóa, kiểm soát hiệu quả đầu tư công và tăng cường chống tham nhũng, lãng phí là giải pháp được đề xuất nhằm giảm bớt gánh nặng nợ công.
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội mới đây cũng cho biết, nợ công của nước ta đang có xu hướng tăng nhanh. Siết chặt kỷ luật tài khóa, kiểm soát hiệu quả đầu tư công và tăng cường chống tham nhũng, lãng phí là giải pháp được đề xuất nhằm giảm bớt gánh nặng nợ công.
Vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nợ công. Ảnh: Như Ý |
10 năm, nợ công tăng gấp 4 lần
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 cho thấy, dư nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%, dư nợ Chính phủ bằng 42,3%, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công 60,3%, dư nợ Chính phủ 46,9%, dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,9% GDP. Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong ngắn hạn "đang tăng lên" do thu NSNN rất khó khăn nhưng vẫn phải giảm thu để hỗ trợ DN, vẫn phải huy động vốn ngân sách và huy động trái phiếu chính phủ cho đầu tư phát triển, cơ sở hạ tầng cũng như thực hiện chính sách xã hội và tiền lương. Dự kiến năm 2014, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách khoảng 14,2% nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%.
Mặc dù trên thực tế nợ công của Việt Nam vẫn ở mức trung bình và nằm trong ngưỡng an toàn theo Nghị quyết của Quốc hội. Song, tình trạng dư nợ công tăng mạnh theo mỗi năm, tính bền vững của nợ công ở nước ta là vấn đề đáng được quan tâm. Bởi, theo đồng hồ nợ công thế giới, nợ công của Việt Nam đã xấp xỉ 81,5 tỷ USD, với tổng dư nợ tăng 11% mỗi năm, chiếm 47,8% GDP. Hiện tại, mỗi người Việt đang gánh số nợ công cao gấp 4 lần so với 10 năm về trước.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho thấy, nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu NSNN năm 2015 dự kiến đã lên tới 31%, cao hơn chỉ tiêu trả nợ trực tiếp so với tổng thu NSNN hằng năm. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khi nợ công có xu hướng tăng nhanh và tình trạng đảo nợ đã xảy ra thì áp lực trả nợ công giai đoạn tới rất lớn. Bởi dư nợ của Chính phủ đã tiến nhanh, sát trần nợ công. Năm 2014, số vay đảo nợ lên đến 70 nghìn tỷ đồng và năm 2015 bố trí trả nợ tăng cao so 2014, ở mức 150 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn phải vay đảo nợ đến 130 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nghĩa vụ trả nợ của chúng ta lớn, gây áp lực đến cân đối NSNN và nếu không xử lý quyết liệt thì áp lực trả nợ đến hạn sẽ ngày càng gia tăng.
Giám sát chặt để kiềm chế nợ công
Nợ công chiếm bao nhiêu phần trăm GDP không quan trọng bằng khả năng trả nợ chiếm bao nhiêu tổng nguồn thu ngân sách. Nếu tỷ lệ trả nợ vượt 25% là rất đáng quan tâm. Trên thực tế, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, mỗi năm nợ công tăng bình quân 20%, tương đương 350.000 tỷ đồng, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế lại không tương xứng, chỉ đạt khoảng 5,8%. Do đó, việc kiểm soát nợ công là vấn đề cần được giám sát chặt chẽ. Mặc dù mức 65% GDP theo Chiến lược nợ công là giới hạn kiểm soát cho phép, nhưng điều đó chưa khẳng định được tỷ lệ nợ công như vậy có an toàn hay không. Bởi khả năng trả nợ của nước ta hiện nay đang rất eo hẹp, trong khi nguồn thu ngân sách lại ngày một khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, khi khủng hoảng nợ xảy ra thì chẳng có giới hạn nào. Bởi, một quốc gia có nợ công bằng 30% GDP vẫn có thể bị vỡ nợ, nhưng nợ 250% GDP như Nhật Bản vẫn an toàn. Để khắc phục tình trạng nợ công tăng cao, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là lập lại cân đối và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia theo hướng giảm nợ công xuống dưới giới hạn an toàn cho phép và nghĩa vụ trả nợ hằng năm so với kim ngạch xuất khẩu và so với tổng thu NSNN cũng phải giảm xuống.
Để làm được điều này, cần rà soát lại việc điều chỉnh chính sách thu khi tỷ lệ động viên vào NSNN đã giảm liên tục và không đạt được kế hoạch đề ra nhằm bảo đảm công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế của các tổ chức cá nhân và việc chống thất thu NSNN. Với hoạt động chi NSNN, chỉ bố trí cho những vấn đề thực sự cấp bách, hạn chế tình trạng lãng phí, nhất là việc tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, mua sắm những phương tiện đi lại, xây trụ sở quá mức cần thiết sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia và bội chi NSNN. Việc chi đầu tư phát triển cũng phải cơ cấu lại theo hướng triệt để tiết kiệm và có phân kỳ đầu tư, bảo đảm cân đối giữa nhiệm vụ đầu tư và điều kiện về vốn cho ổn định, qua đó khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả kém. Nếu không làm được như vậy, không thể đưa nợ công về khung an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.