(HNM) - Cuối tuần qua, Việt Nam đón công dân thứ 90 triệu. Đó là một sự kiện rất đáng quan tâm, không chỉ về quy mô dân số, mà còn bởi đây là dịp để chúng ta nhìn lại vấn đề dân số trong mối liên hệ với nhiều vấn đề liên quan, bao gồm công tác ngành và việc hoạch định chính sách hướng tới mục tiêu phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực. Và, xa hơn là thực hiện 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đã đề ra.
Sau khi bé gái Nguyễn Thị Thùy Dung (được chọn ngẫu nhiên, quy ước là công dân thứ 90 triệu của Việt Nam) chào đời, đã có nhiều lời nhắc rằng quy mô dân số Việt Nam đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, xếp thứ 14 trong số quốc gia đông dân nhất thế giới! Thuật ngữ "cơ cấu dân số vàng" đã được đề cập rộng rãi, cùng với đó là không ít vấn đề. Theo quan điểm của Tổng cục Dân số, thời kỳ "vàng" nói trên đã bắt đầu được 6-7 năm và đi kèm với cơ hội mở ra nhờ có được cơ cấu dân số đáng mơ ước nhưng chúng ta cũng đồng thời bắt đầu chu trình "già hóa dân số" trong bối cảnh tiềm lực chung còn có sự hạn chế. Bởi thế, khi phân tích về thời kỳ "dân số vàng", sẽ là hợp lý nếu khẳng định cơ hội, để tìm giải pháp kinh tế - xã hội nhằm tận dụng tối đa thời kỳ "vàng" như một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã làm, nhưng không thể coi nhẹ nguy cơ tiềm ẩn mà chúng ta đang phải đối diện.
Thuật ngữ "dân số vàng" chỉ là một trong hệ thống thuật ngữ liên quan đến dân số và sự tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn như "lợi tức dân số", "cửa sổ dân số", "già hóa dân số", "kỷ nguyên vàng", "quá độ dân số"... Những thuật ngữ nói trên có tính biểu đạt cao mà khi sử dụng chúng, người ta có thể bỏ qua sự lý giải dài dòng cần có. Như "lợi tức dân số" được hiểu là những lợi ích kinh tế có được từ sự thay đổi về dân số. Như quá trình "già hóa dân số" bắt đầu khi tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên - tùy quan niệm ở mỗi nước) đạt mức nhất định trong cơ cấu dân số của một quốc gia. Tại Việt Nam, qua số liệu điều tra dân số, nhiều người cho rằng chúng ta đã bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011.
Nhưng, "già hóa dân số" chỉ là một trong số thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Khi xét về "cơ cấu dân số vàng" (tỷ số phụ thuộc chung - chủ yếu bao gồm trẻ em và người già - nhỏ hơn 50% dân số, nói khác đi là cứ hơn 2 người trong độ tuổi lao động thì mới có 1 người trong độ tuổi phụ thuộc). Còn "lợi tức dân số", giới nghiên cứu cho rằng sự biến đổi tích cực về mặt dân số không nhất thiết đem lại lợi ích kinh tế - xã hội nói chung mà điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như chính sách vĩ mô, giải pháp về giáo dục, y tế, môi trường, chất lượng nguồn nhân lực… Về mặt này, không thể nói là chúng ta đang ở trong bối cảnh hoàn toàn thuận lợi. Cuối năm 2009, sau cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 4 mà Việt Nam tiến hành, số liệu và nhận định sau đó cho thấy một số vấn đề rất đáng quan ngại. Đó là chênh lệch giới tính tăng cao, dân số phân bố không đều, nhiều lao động chưa qua đào tạo nghề, nguồn nhân lực cao còn hạn chế, tuổi thọ trung bình tăng lên nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh thấp hơn nhiều nước, chỉ số phát triển con người tăng nhưng thứ hạng so với các nước không thay đổi, tốc độ già hóa dân số được dự báo ở mức cao trong vòng nửa thế kỷ tới…
Rõ ràng là ngay cả về "cơ cấu dân số vàng", không thể quá tập trung vào yếu tố dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động tăng lên, tuyệt đối hóa cơ hội có được từ "vàng" số lượng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, mà phải tính đến các yếu tố khác để từ đó xây dựng chính sách và có giải pháp phù hợp nhằm tận dụng cơ hội trong thời kỳ "dân số vàng" - chỉ đến một lần, kéo dài trong 15 năm, 30 năm hay 40 năm là tùy thuộc vào nỗ lực của mỗi quốc gia. Cách đây hơn một tháng, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về một số nguyên tắc và nhiệm vụ báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đồng thời ban hành bộ chỉ số liên quan của Việt Nam - bao gồm 8 mục tiêu mà Liên Hợp quốc đã đề ra và 6 mục tiêu bổ sung của Việt Nam. Điều đáng chú ý là văn bản nói trên quy định thực hiện lồng ghép việc báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu nói trên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của quốc gia, địa phương và các bộ, ngành.
Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc và những điều bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam bao gồm nhiều vấn đề, chẳng hạn như phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới, xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ, bảo đảm bền vững về môi trường, tạo việc làm, nâng cao mức sống, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, cải cách hành chính… Nhìn tổng thể, các mục tiêu nói trên không nằm ngoài mục tiêu lớn vì con người - "đầu vào" của nguồn nhân lực, cơ sở quyết định thành bại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đã đạt được tiến bộ về nhiều mặt, đặc biệt là về mục tiêu giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, giảm tử vong ở trẻ… Tuy thế, ngay cả một số mặt công tác mà chúng ta đã làm tốt trong thời gian qua, vẫn có những điều chưa được như ý, chưa rõ tính bền vững. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhưng đã xuất hiện những dạng nghèo mới, không thể ghi nhận đơn thuần dựa trên yếu tố thu nhập. Việc chăm sóc bà mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có thành tựu đáng ghi nhận nhưng diễn biến mới từ thực tế cho thấy mối quan ngại liên quan đến chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi. Bình đẳng giới được cải thiện nhưng phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi so với nam, tâm lý "trọng nam khinh nữ" chi phối hành động, dẫn đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, kết quả là tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao, có nơi đã là 112 trẻ trai/100 trẻ gái…
"Cơ cấu dân số vàng" tự nó không dẫn đến thành công, điều quan trọng là phải biết tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức khi đã nhận rõ về nó. Lúc này, khi cơ hội "vàng" đang tới, chúng ta đang phải đối diện, tìm cách tháo gỡ khó khăn nảy sinh ở một loạt lĩnh vực liên quan đến kinh tế, giáo dục, y tế - những yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả hiện thực hóa cơ hội "vàng" về dân số. Thời kỳ "dân số vàng" tạo ra cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn thách thức, tạo áp lực mạnh mẽ tới việc hoạch định chính sách phát triển nói chung. Tốc độ tăng nhanh về số dân trong độ tuổi lao động là nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhưng cũng là gánh nặng nếu chúng ta không tìm cách đáp ứng đồng thời nhu cầu về việc làm và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng một giải pháp tổng thể liên quan đến nhiều ngành, đặc biệt là y tế, giáo dục. Về vấn đề này, việc hoạch định chính sách vĩ mô càng cần được thực hiện dựa trên cơ sở khoa học về sự tác động của yếu tố dân số đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại. Điều đó dẫn đến yêu cầu coi trọng, đầu tư nhiều hơn nữa cho việc nghiên cứu đa ngành, liên ngành nhằm lấp đầy khoảng trống nghiên cứu mối liên hệ giữa nhiều ngành khác và dân số. Chẳng hạn, việc nghiên cứu đầy đủ về cấu trúc tuổi dân số và các yếu tố kèm theo có thể cho ra đáp số liên quan đến thời gian chín muồi về nguồn lực lao động có thể huy động theo yêu cầu phát triển kinh tế. Các nghiên cứu liên ngành cũng có thể chỉ ra khoảng trống đào tạo so với yêu cầu thực tế về nguồn nhân lực, từ đó chi phối trở lại, giúp cho ngành giáo dục xây dựng định hướng, chính sách, giải pháp phù hợp. Tương tự, nhờ nghiên cứu tổng thể, người ta có thể biết rằng, vì sao sau thời kỳ giảm sinh một cách quyết liệt, gần như bằng mọi cách, lại sẽ đến lúc cần hiểu, với một cung bậc tình cảm khác, về việc duy trì mức sinh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội...
"Cơ cấu dân số vàng" là cơ hội thực sự khi chúng ta biết cách nắm lấy nó, biến nó trở thành động lực. Ngược lại, gánh nặng không hề nhỏ từ nó có thể tạo áp lực mà ta rất khó vượt qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.