(HNMO) – Sáng 18-4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức công bố “Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2012”.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: Năm 2012, năm đầu tiên khởi đầu công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp theo các Báo cáo thường niên doanh nghiệp được xuất bản hàng năm bắt đầu từ năm 2006, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục xây dựng “Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2012”.
Theo đó, bằng việc lựa chọn chủ đề năm là “Chặng đường 10 năm phát triển và năng lực tiếp cận thị trường”, Báo cáo đưa ra một bức tranh về sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 10 năm 2002-2011, trong đó chỉ rõ quá trình chuyển dịch doanh nghiệp và thực trạng cải thiện năng lực doanh nghiệp, nhất là nhất là năng lực tiếp cận thị trường. Báo cáo cũng đưa ra một số kiến nghị chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và gợi ý đối với doanh nghiệp trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh.
Để doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về áp lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, tham luận tại hội nghị, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: sau khi gia nhập WTO, cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng gay gắt. Nguy cơ bị lấn sân nhà tăng lên với số doanh nghiệp lớn trên mọi mảng thị trường, đặc biệt từ Trung Quốc. Sáp nhập, mua bán diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Các công ty đa quốc gia và FDI điều chỉnh chiến lược cạnh tranh ở Việt Nam và khu vực. Doanh nghiệp Việt Nam ở thế bất lợi do môi trường kinh doanh chậm cải thiện, năng lực cạnh tranh thấp, bối cảnh kinh tế vĩ mô bất ổn kéo dài. Việt Nam hiện đang thực hiện các cam kết với WTO, APEC, ASEAM; hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2015… Nhìn chung, Việt Nam sẽ bước vào “cuộc chơi mới” từ năm 2015 trong khi khu vực và thế giới đang thay đổi nhanh và sâu….
Trong bản báo cáo lần này VCCI đã có các khuyến nghị với Chính phủ như: Cần có một cách tiếp cận phù hợp hơn khi thiết kế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là đối với DNNVV. Các giải pháp kinh tế vĩ mô phải luôn đồng hành với việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích diễn biến thị trường trong nước và thế giới. Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng. Nhà nước cần tăng cường kiểm soát quy hoạch phát triển và vốn xây dựng cơ bản tại các địa phương, chấm dứt hiện tượng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ hoàn thành dự án. Xây dựng các quy hoạch vùng theo chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó là cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, hạ lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát. Có chính sách phù hợp để giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý, giảm chi phí cho vay cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV. Cần củng cố hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng đồng thời đa dạng hóa các hình thức thế chấp, tín chấp để khu vực DNNVV dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn. Mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng xa xỉ. Quan tâm đến thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, tăng cường công tác dự báo thị trường đối với thị trường Trung Quốc. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại ở nhiều cấp: Quốc gia, địa phương, ngành, doanh nghiệp để giải tỏa hàng tồn kho, duy trì và phát triển thị trường.
Mặt khác, báo cáo cũng đưa ra gợi ý với doanh nghiệp là: Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra. Xây dựng, rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh; Tăng cường tính liên kết trong kinh doanh; Tập trung vào năng lực cốt lõi là chiến lược quan trọng nhất. Xây dựng thương hiệu, tăng cường công tác xúc tiến phát triển. Thiết lập các kênh phân phối hiệu quả. Nâng cao ý thức tham gia vào các hiệp hội doanh nghiệp, xây dựng thị trường nội địa, cùng nhau kiểm soát thị trường.
Chủ tịch VCCC Vũ Tiến Lộc hy vọng: Báo cáo sẽ là công cụ quan trọng, một mặt giúp các cơ quan ban có thẩm quyền có cơ sở để ban hành các chính sách nhằm cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh ở Việt Nam, mặt khác, giúp doanh nghiệp xây dựng giải pháp kinh doanh phù hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Báo cáo cho biết, trong năm 2012, con số giải thể hoặc ngừng hoạt động lên đến khoảng 54.261 doanh nghiệp, tăng 6,29% so với năm 2011, trong đó doanh nghiệp giải thể là 9.355 tăng 22,9%, ngừng hoạt động là 44.906 doanh nghiệp. Các ngành có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động tăng lên mạnh là tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản. Báo cáo cũng cho biết, năm 2012 thực sự là một năm khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam thể hiện qua việc số doanh nghiệp đăng ký mới giảm cả về số lượng và tổng số vốn, trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động lại tăng lên, nhất là số doanh nghiệp giải thể. Tính đến hết ngày 31-13-2012, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thành lập mới ước đạt khoảng 69.874 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký ước đạt khoảng 467.265 tỷ đồng, giảm 9,9% về số doanh nghiệp đăng ký mới và giảm 9% về số vốn đăng ký so với năm 2011. Một số lĩnh vực kinh doanh có số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm mạnh như: kinh doanh bất động sản, khai khoáng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.