(HNM) - Phát triển năng lượng thông minh đang là xu thế, từng bước làm thay đổi ngành năng lượng truyền thống, tạo ra những thành quả to lớn, mang tính đột phá trong phát triển những nguồn năng lượng, nhất là những nguồn năng lượng mới, tái tạo.
Tại Việt Nam, theo ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cùng với xu hướng phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu, ngành năng lượng đã không ngừng phát triển, liên tục cập nhật, áp dụng công nghệ mới, có mức tự động hóa cao trong vận hành, thu thập dữ liệu, giám sát, cảnh báo, điều khiển xa, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... Việc áp dụng công nghệ thông tin vào vận hành các nhà máy điện, hệ thống truyền tải, phân phối điện đóng vai trò quan trọng. Tới đây, khi tích hợp ngày càng lớn các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vào vận hành trong hệ thống điện, thì áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong đo đếm, thu thập dữ liệu, dự báo… càng trở thành điều kiện quyết định đối với việc bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn.
Thông tin về vấn đề này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến nay EVN và các đơn vị đã, đang triển khai xây dựng, thực hiện 41 đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ thành phần thuộc đề án Cách mạng công nghiệp 4.0 của tập đoàn. Trong khối phát điện, các nhà máy thủy điện mới xây dựng đã trang bị công nghệ mới như theo dõi trạng thái vận hành thiết bị theo điều kiện thực tế thiết bị và sửa chữa bảo dưỡng hướng tới độ tin cậy. “Các nhà máy nhiệt điện gần đây đã sử dụng thiết bị đo lường điều khiển tiên tiến phục vụ vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa...
Còn với khối truyền tải điện, với mục tiêu đến năm 2020, sẽ chuyển 60% trạm biến áp 220kV và 100% các trạm biến áp 110kV thành các trạm biến áp không người trực, các trạm biến áp đã, đang được các đơn vị ứng dụng công nghệ GIS giúp tin học hóa việc quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, hỗ trợ việc điều hành một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tính đến nay, đã có 70,6% số trạm biến áp được thực hiện thao tác xa. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cũng đã hoàn thành nghiên cứu và triển khai ứng dụng thành công thiết bị bay không người lái trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải” - ông Võ Quang Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên, để phát triển năng lượng thông minh phục vụ cho sự phát triển, đến nay vẫn còn một số trở ngại, đó là thiếu cơ chế, chính sách và nguồn lực thực hiện. Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Nam Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong chia sẻ, mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, song cho đến thời điểm hiện tại, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong toàn hệ thống điện quốc gia. Nguyên nhân là còn một số rào cản khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như rào cản về giá điện, tính bất ổn định của năng lượng tái tạo, tài chính và rào cản về năng lực công nghệ nội sinh.
Ở khía cạnh khác, để thúc đẩy phát triển năng lượng thông minh, nhất là nguồn năng lượng mới, tái tạo, ông Trần Quốc Hiệu, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Indefol đã đề xuất chính sách hỗ trợ của Nhà nước như cho phép dự án điện gió dưới 1MW được làm như điện mặt trời áp mái, được miễn đo gió và miễn giấy phép xây dựng; cho phép các dự án trang trại gió sử dụng công nghệ trong nước được hưởng lãi suất vay ưu đãi... Có như vậy sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển mang lại hiệu quả bền vững, nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.