Giáng sinh năm nay là dịp đánh dấu tròn 200 năm kể từ ngày ca khúc bất hủ
Tại Áo, nơi khúc nhạc Giáng sinh nổi tiếng ra đời, hoạt động kỷ niệm đã bắt đầu diễn ra ở hàng chục địa điểm với nhiều sự kiện nghệ thuật hấp dẫn.
Đáng chú ý nhất là buổi hòa nhạc đặc biệt mang tên "Stille Nacht" (tiếng Anh là Silent Night) diễn ra đúng đêm Giáng sinh 24-12 tại một nhà thờ nhỏ ở làng Oberndorf, gần thành phố Salzburg, nơi giai điệu nhẹ nhàng và sâu lắng của "Silent Night" lần đầu tiên vang lên cách đây 2 thế kỷ.
Giới chức du lịch địa phương cho biết dự kiến sẽ có khoảng 6.000 người tham dự buổi hòa nhạc này, cao gần gấp đôi so với mọi năm.
Nhân dịp này, nhiều công ty du lịch lữ hành đã đưa vào lịch trình nhiều điểm đến đặc biệt gắn liền với ca khúc "Silent Night" như nơi sinh của linh mục Joseph Mohr - người viết phần lời của ca khúc, nhà thờ Salzburg và Đại học Salzburg hiện nay - nơi từng là ngôi trường tiểu học mà linh mục Mohr theo học.
Một số bảo tàng cũng được tu bổ hoặc mở rộng để tổ chức các sự kiện kỷ niệm 200 năm ca khúc "Silient Night" ra đời.
(Nguồn: Beth's Notes) |
"Silent Night" là một trong những bài hát mừng Giáng sinh được yêu thích nhất trên thế giới và đã được dịch ra hơn 300 thứ tiếng. Bài hát lần đầu tiên vang lên tại nhà thờ ở làng Oberndorf vào dịp Giáng sinh năm 1818.
Phần lời của ca khúc ban đầu là bài thơ được linh mục Mohr viết bằng tiếng Đức, sau đó được một người bạn của linh mục là thầy giáo kiêm nghệ sỹ đàn organ Franz Xaver Gruber phổ nhạc.
Giai điệu của "Silent Night" bắt đầu vượt ra ngoài biên giới Áo sau khi được đưa vào tiết mục trình diễn của hai nhóm nghệ sỹ The Rainer Singers và Strasser Siblings khi họ lưu diễn vòng quanh châu Âu và Mỹ.
"Silent Night" được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Giai điệu và ca từ bất hủ trong ca khúc này vẫn đang được ngân nga trên khắp thế giới trong mỗi mùa Giáng sinh, trở thành ký ức đáng nhớ của nhiều người.
Ở Việt Nam, ngoài phiên bản tiếng Anh, phiên bản lời Việt được nhạc sỹ Hùng Lân soạn với tên gọi "Đêm Thánh vô cùng" từ hơn nửa thế kỷ trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.