(HNM) - Ngày 6-9, Thủ tướng Áo Werner Faymann kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư, đồng thời cho rằng, các biện pháp hỗ trợ mà Vienna đang tiến hành hiện nay chỉ
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi chính quyền Áo và Đức mở cửa biên giới cho phép thêm hàng nghìn người di cư vào hai nước này sau nhiều ngày bị kẹt lại ở Hungary. Nhà lãnh đạo trên khẳng định, không có biện pháp thay thế nào ngoài việc EU phải tìm ra một giải pháp chung toàn khối. Ông cũng kêu gọi EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối ngay sau cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp vào ngày 14-9. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cũng tuyên bố rằng, số phận của người di cư và cái giá mà họ phải trả bằng cả mạng sống là "hồi chuông cảnh tỉnh" đối với Châu Âu.
Theo thông tin cùng ngày từ cảnh sát Liên bang Đức, khoảng 8.000 người di cư đã vào biên giới nước này. Ga đường sắt Munich đã đón khoảng 6.800 người. Những người này sau đó được đưa lên xe buýt để tới các khu nhà ở tạm đặt tại các tòa nhà công cộng, các khách sạn và doanh trại. Hàng trăm người Đức đã tập trung để giúp đỡ những người di cư mới đến. Tại nhà ga Frankfurt, thực phẩm, nước uống và quần áo được chuẩn bị sẵn cho những người tị nạn.
Trong một diễn biến khác, nhà chức trách Cộng hòa Síp thông báo đã cứu 114 người tị nạn Syria trong ngày 6-9 khi chiếc thuyền đánh cá chở nhóm người này, trong đó có 54 phụ nữ và trẻ em, gặp nạn cách cảng Lanarca khoảng 74km về phía Bắc. Nhóm người di cư cho biết đã trả mỗi người 4.000 USD để được đưa tới Châu Âu. Cảnh sát hiện đang thẩm vấn ba đối tượng tình nghi trong đường dây buôn người. Trước mắt, những người di cư này sẽ được chuyển tới một trung tâm cứu trợ ngoại ô thủ đô Nicosia.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đề xuất đưa ra hạn ngạch bắt buộc cho các nước thành viên phải tái định cư cho tổng cộng 160.000 người tị nạn, bất chấp kế hoạch tái định cư cho 40.000 người trước đó đã vấp phải sự phản đối kiên quyết. Hiện Đức và Pháp ủng hộ đề xuất hạn ngạch bắt buộc trên, song Hungary, Séc, Ba Lan và Slovakia đã ra tuyên bố chung từ chối chấp nhận bất kỳ hạn ngạch nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.