(HNMO) - Sau cuộc trưng cầu dân ý với kết quả nghiêng về phe ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), nước Anh sẽ bước vào giai đoạn tách khỏi khối này sau 43 năm là thành viên. Quá trình Anh rời EU được ví như một cuộc “ly hôn” đầy phức tạp, có thể kéo dài 2 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Đây cũng là quá trình tái định hình của EU, một trong những thị trường chung rộng lớn nhất thế giới.
Anh đối mặt với "thủ tục ly hôn” phức tạp
Anh sẽ chưa thể rời EU ngay lập tức sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố. Rời khỏi EU không phải là một tiến trình tự động mà Anh phải thương lượng với từng thành viên EU trong vòng 2 năm tới. Để khởi động quá trình rời EU, Thủ tướng Anh David Cameron hoặc Thủ tướng kế nhiệm sẽ phải viện dẫn điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Điều khoản này quy định cách mà nước Anh sẽ đàm phán để ra khỏi EU. Anh sẽ thảo luận với Hội đồng châu Âu (EC) để đưa ra một khung pháp lý trước khi bàn đến những chi tiết cụ thể. Sau đó, Nghị viện châu Âu sẽ thông qua thỏa thuận này. Do việc một nước rời EU là chưa từng có tiền lệ nên tiến trình thực hiện các thủ tục rời khối sẽ không thể vội vã.
Trong thời gian đàm phán Anh vẫn sẽ tuân theo những hiệp ước và luật lệ của EU nhưng không được tham gia vào quá trình lập pháp và đưa ra các quyết định chung của khối, trừ khi các nước còn lại đồng ý. Ngoài việc kích hoạch điều 50, một lựa chọn khác cho nước Anh đó là hủy bỏ đạo luật Cộng đồng châu Âu được ban hành năm 1972 và đơn phương rút khỏi EU. Tuy nhiên, bất kỳ động thái đơn phương nào của nước Anh vào thời điểm này cũng có thể khiến các nước thành viên còn lại của EU giận dữ.
Một người dân Anh gửi lời chào tạm biệt EU. |
Một trong những rủi ro lớn nhất về kinh tế mà nước Anh phải đối mặt đó là phải chờ đợi trong khoảng thời gian dài khi nước này hoàn tất việc rời khỏi EU trước khi tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới. Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết, việc hủy bỏ các điều khoản bắt buộc trong hiệp ước với EU sẽ mất ít nhất 2 năm. Anh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi bước vào quá trình đàm phán các hiệp định mới, và không có gì đảm bảo sẽ đạt được thành công. Pháp và Đức đều để ngỏ khả năng bắt đầu thương lượng các hiệp định thương mại tự do song phương với Anh sau khi rời EU, nhưng không dám chắc các hiệp định này sẽ nhanh chóng đạt được.
Khi đó, các hoạt động thương mại của nước Anh sẽ chủ yếu tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và không có ưu đãi nào dành cho các công ty Anh khi tiếp cận thị trường châu Âu. Nếu Anh muốn có sự ưu đãi này, cần có sự đồng ý của tất cả các thành viên EU còn lại, nhưng quá trình này thường kéo dài rất lâu bởi phải qua nhiều cấp phê chuẩn tại mỗi nước. Ngoài ra, Anh sẽ phải hoàn tất các nghĩa vụ về việc đóng góp ngân sách, các dự án chi tiêu, quyết định số phận của hơn 2 triệu công dân nước này đang sinh sống tại nhiều quốc gia thành viên EU và rút những người Anh đang làm việc tại các thể chế của EU về nước.
EU đứng trước nguy cơ tan vỡ
Việc cử tri Anh lựa chọn rời EU đã làm dấy lên làn sóng tương tự tại các nước châu Âu. Lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen khẳng định, người Pháp cũng cần một cuộc trưng cầu dân ý như vậy để nói lên lựa chọn có ở lại EU hay không. Tại Hà Lan, chính trị gia thuộc Đảng phản đối nhập cư Geert Wilders cũng cho rằng, người Hà Lan cần có một cuộc trưng cầu dân ý về “Nexit” (Hà Lan rời EU).
Nếu hiệu ứng domino lan rộng, EU sẽ phải đối mặt với một tương lai không mấy sáng sủa khi nhiều quốc gia lần lượt muốn rời khỏi khối. Nguy cơ tan rã của liên minh lớn nhất lục địa già sẽ hiển hiện, trở thành một vấn đề đau đầu với các nhà chức trách hàng đầu khu vực, bên cạnh hàng loạt những vấn đề nhức nhối khác mà châu Âu đang phải đối mặt như khủng hoảng nhập cư, suy thoái kinh tế và gánh nặng nợ công khổng lồ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.